9 giờ:14 phút Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 , 2016

"Đội đặc nhiệm" kỹ thuật không quân

"Đội đặc nhiệm" kỹ thuật không quân

Được mệnh danh là mũi tiến công thứ 6 đầy uy lực; chiều ngày 28 tháng 4 năm 1975, Phi đội Quyết thắng đã bất ngờ tập kích sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 24 máy bay địch, loại khỏi vòng chiến đấu 300 tên địch; góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến công của Phi đội quyết thắng có một phần đóng góp quan trọng của “Đội đặc nhiệm” Kỹ thuật Không quân.

 Trong những ngày đầu tháng 3 năm 1975, tin vui chiến thắng liên tiếp bay về làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ). Cục Kỹ thuật đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam, trong đó có Đội đặc nhiệm Kỹ thuật Không quân do Thiếu tá Hồ Thanh Minh làm Đội trưởng. Các thành viên còn lại gồm Đại úy Nguyễn Văn Soạn - Kỹ sư thiết bị hàng không, Thiếu úy Ngô Anh Tuấn - Kỹ sư máy bay động cơ và tôi - Trung úy Nguyễn Đình Thủy - Kỹ sư vũ khí hàng không.

Ngày 29 tháng 3 năm 1975, thành phố Đà Nẵng được giải phóng thì ngay hôm sau chúng tôi nhận lệnh vào tiếp quản máy bay và vũ khí trang bị. Cùng đi với Đội còn có Cục trưởng Lương Hữu Sắt và một số cán bộ tham mưu, tác chiến của Bộ Tư lệnh. Chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng lúc 12 giờ trưa. Trên đường lăn, sân đỗ còn ngổn ngang xác máy bay, ô tô, bom đạn và quần áo đủ các sắc lính. Ngay trong chiều hôm đó, Đội đặc nhiệm đã bắt tay vào khảo sát toàn bộ số máy bay và vũ khí bom đạn, trang bị kỹ thuật trên sân bay. Chỉ trong 2 ngày chúng tôi đã sơ bộ phân loại chất lượng máy bay còn lại trên sân bay. Sang đến ngày thứ 3 thì nhận được mệnh lệnh: Nhanh chóng tổ chức sửa chữa, phục hồi gấp máy bay A-37 để sẵn sàng làm nhiệm vụ. Cả Đội đặc nhiệm không quản ngày đêm lao vào nghiên cứu tài liệu theo từng chuyên ngành. Để công việc được thuận lợi, Đội đã tổ chức tuyển chọn một số nhân viên kỹ thuật của ngụy quân còn ở lại Đà Nẵng để bổ sung vào các chuyên ngành như: Thân - cánh máy bay, động cơ máy bay, thiết bị điện - đồng hồ, thông tin liên lạc vô tuyến, xăng dầu - ô xy, khí nén, thợ gò - tán…

Ông Nguyễn Đình Thủy (đứng ngoài cùng, bên phải) cùng các đồng nghiệp tại Sân bay Phù Cát, Bình Định.   (Ảnh Tư liệu)

Qua mấy ngày làm việc, thấy thái độ chân tình, cởi mở của cán bộ trong Đội, anh em ngụy quân đã bớt mặc cảm, nhanh chóng hòa nhập và hăng hái dẫn chúng tôi đến các kho khí tài dự trữ để tìm các dụng cụ, phụ tùng cần thiết cho việc sửa chữa, phục hồi máy bay. Sau 10 ngày khẩn trương làm việc, 2 chiếc máy bay A-37 mang số hiệu 777 và 980 đã được hồi phục xong. Sau bay thử nghiệm cho kết quả rất tốt. Trên cơ sở đó, ngày 16/4, Bộ Quốc phòng đã đồng ý phương án sử dụng máy bay A-37 làm nhiệm vụ tập kích đường không.

Tiếp đó chúng tôi nhận chỉ thị: Bàn giao 2 chiếc máy bay vừa được hồi phục cho đội ngũ kỹ thuật vừa ở miền Bắc vào để tiến hành bay huấn luyện cho phi công của ta. Còn cả Đội phải gấp rút lên đường vào sân bay Phù Cát tiếp tục sửa chữa máy bay A-37. Tại đây, chúng tôi lựa chọn được 9 chiếc A-37 còn tương đối tốt. Từ kinh nghiệm sửa chữa 2 chiếc máy bay ở Đà Nẵng, chúng tôi nhanh chóng bắt tay vào việc. Chỉ trong 4 ngày làm việc cật lực không quản ngày đêm, 9 chiếc A-37 đã được hồi phục xong, sẵn sàng chờ phi công của ta vào bay thử. Thật mừng là cả 9 chiếc sau bay thử đều cho kết quả tốt. Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, đánh giá và chọn được 5 chiếc tốt nhất sẵn sàng làm nhiệm vụ theo yêu cầu của Tư lệnh Quân chủng.

9 giờ 30 phút ngày 28 tháng 4 năm 1975, tôi được lệnh lên đường cùng với cán bộ tham mưu, tác chiến của Bộ Tư lệnh vào sân bay Phan Rang trên chiếc máy bay AH-24. Chúng tôi hạ cánh xuống đường băng Phan Rang vào đúng giữa trưa. Trời nắng gắt, sân bay hừng hực sức nóng nhưng chẳng ai chịu rời vị trí. Một lát sau, 5 chiếc A-37 xuất hiện trên bầu trời và lần lượt hạ cánh xuống đường băng. Không kịp nghỉ ngơi, Đội đặc nhiệm nhanh chóng bắt tay làm nhiệm vụ. Chúng tôi khẩn trương kiểm tra máy bay A-37 theo nội dung trước khi bay, tiến hành nạp dầu, khí bổ sung. Lượng dầu được nạp tối đa để bảo đảm thời gian bay nhiều nhất. Căn cứ vào tính năng kỹ chiến thuật của máy bay A-37, chúng tôi chọn phương án mang bom số 2: Lắp 2 quả MK82 ở 2 giá sát thân, 4 quả MK81 ở 2 giá số 2 và 2 giá số 4. Phương án này có ưu điểm: Với mục tiêu kiên cố như vòm ụ chứa máy bay, bom vẫn có thể xuyên vào trong mới nổ. Số lượng bom nhiều hơn phương án mang bom số 2 hai quả, điểm nổ và diện tích sát thương sẽ lớn hơn. Mọi công việc chuẩn bị được hoàn tất lúc 15 giờ 20 phút, chúng tôi hồi hộp chờ đợi giờ nổ máy xuất kích.

16 giờ 30 phút, phi công được lệnh cất cánh, 5 chiếc A-37 dũng mãnh bay về hướng sân bay Tân Sơn Nhất. Máy bay đi rồi, chúng tôi khắc khoải chờ đợi ngay dưới nền bê tông sân bay còn bỏng rát nắng hè. Đợi mãi cho đến đúng 18 giờ chiều, 4 chiếc máy bay A-37 mới lần lượt trở về. 15 phút sau, chiếc cuối cùng cũng đã hạ cánh xuống sân bay Phan Rang. Niềm vui chiến thắng vỡ òa. Không chỉ có ánh mắt, nụ cười rạng rỡ, những vòng ôm, những cái siết tay thật chặt mà còn có cả những giọt nước mắt rưng rưng vì xúc động và vì niềm vui quá lớn.

Chiến công xuất sắc của Phi đội Quyết thắng đã khẳng định tài nghệ, trình độ tổ chức chỉ huy chiến đấu của bộ đội Không quân, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong chiến công chung ấy, có phần đóng góp quan trọng của Đội đặc nhiệm Kỹ thuật Không quân.

Và tôi thật sự tự hào vì mình là một trong 4 thành viên của Đội.

QUỲNH VÂN

(Ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Đình Thủy -  nguyên Trưởng Phòng Đào tạo, Học viện PK-KQ)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website