6 giờ:43 phút Thứ hai, ngày 17 tháng 4 , 2017

Nhớ mãi Trường Không quân Ngòi Liễm

Sau Chiến dịch Biên giới 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã vào giai đoạn chuẩn bị tổng phản công. Liên Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục đã thống nhất động viên toàn bộ học sinh và sinh viên nhập ngũ đi xây dựng các binh chủng kỹ thuật hiện đại lúc bấy giờ như Pháo binh, Không quân, Hải quân…

Nhớ mãi Trường Không quân Ngòi Liễm
Máy bay Pháp bị bắn rơi được Trường Không quân
thuộc Ban Nghiên cứu Không quân ở Ngòi Liễm sử dụng làm khí cụ học tập
cho lớp thợ máy.
Ảnh tư liệu

Năm 1949, vì Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm, Ninh Bình nên các trường học của Quân khu 3 đều được chuyển về Thanh Hóa. Tôi được tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ vận động các học sinh, sinh viên nhập ngũ và được tuyển vào lực lượng Không quân. Có thể nói, lớp tuyển quân lần này của Bộ Tổng Tham mưu hầu hết là học sinh và sinh viên ở Quân khu 4 “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”.

Hành quân từ Thanh Hóa ra Tuyên Quang, tôi được cử vào bộ phận tiền trạm đi trước. Cuộc đời anh chàng thư sinh đã bước sang một ngã rẽ hoàn toàn khác, bắt đầu cắt tóc ngắn, quần áo duy nhất một bộ  không có quần áo lót, giày dép, mũ mão, lưng đeo hai bao gạo và muối hành quân bộ. Bản đồ không có, chúng tôi trèo núi, lội sông, vừa đi vừa hỏi đường từ Hòa Bình, Phú Thọ đến Tuyên Quang. Đi trong rừng, chiều đến, chúng tôi mong được thấy một làn khói bếp, một nóc nhà. Có lần cả tổ bị tụt lầy ở cửa sông tưởng ngập trong sình lầy, may mà anh em biết gập người nhoai trên bùn để thoát thân.

Tới Tuyên Quang, chúng tôi có người được phân công về Bộ Tổng Tham mưu, người về Không quân, người về Hải quân. Một bộ phận lớn được phân về Trường Không quân thuộc Ban Nghiên cứu Không quân ở Ngòi Liễm do đồng chí Tâm Trinh phụ trách. Trường tổ chức thành 1 đại đội có 3 trung đội với 3 lớp: Hoa tiêu, Cơ khí và Khí tượng. Hai lớp Hoa tiêu và Cơ khí do hai thầy giáo người Đức và Áo giảng dạy bằng tiếng Pháp, chỉ lớp Khí tượng là do thầy giáo người Việt Nam giảng. Lớp Hoa tiêu phần lớn là anh em có sức khỏe nổi trội nên hàng ngày leo lên hội trường trên đỉnh đồi để học. Ban đầu nghe thầy giáo người Đức giảng bằng tiếng Pháp cũng bỡ ngỡ, song một thời gian thì quen dần.

Từ những chàng thư sinh tự do, chúng tôi ra sức rèn luyện mình thành những người lính trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn; quần áo một bộ, giày mũ không, chăn chiếu không, đêm đông giá lạnh đốt lửa nằm quanh, cơm không đủ no. Ngày học tập, lao động, ban đêm báo động chạy quanh rừng, suối… nhưng ai cũng quyết tâm và hăng say học tập. Chủ nhật, chúng tôi chia nhau thành từng tốp nhỏ kiếm củ măng, quả bứa ăn thêm. Hết thời kỳ học chuyên môn về không quân, cả trường chúng tôi được chuyển sang học súng máy trên phi cơ lấy được của địch. Tôi được giao phụ trách một khẩu đội 12,7mm.

Giữa năm 1951, kết thúc môn học súng máy phòng không, các học viên được phân thành các trung đội súng máy phòng không đi phục kích máy bay Pháp ở đèo Mã Phục (Cao Bằng). Sau đó phần lớn quân số của lớp được điều về Thủy Khẩu sử dụng pháo 37mm bảo vệ cửa khẩu, một số về các đơn vị bộ binh làm giáo viên văn hóa, một số khác về pháo binh. Tôi được gọi về Cục Tổ chức cùng với đồng chí Vũ Khắc Long để tuyển đi học Không quân, nhưng vì còn ít thành tích chiến đấu nên phải chuyển về Phòng Chính trị Đại đoàn 351 làm trợ lý tổ chức, tham gia Chiến dịch Hòa Bình. Hết chiến dịch, đang phụ trách Ban Hành chính lại được Đại đoàn lựa chọn cử đi học Không quân. Về lại Cục Tổ chức, tôi được gặp lại các đồng đội cũ như Tâm Trinh, Vũ Khắc Long..

Đến tháng 3-1952, 33 người chúng tôi được chọn từ các đơn vị trong toàn quân để đi Trung Quốc học Không quân. Trước hôm đi, chúng tôi vinh dự được đích thân thầy Tạ Quang Bửu dặn dò, giao nhiệm vụ. Đến Nam Ninh (Trung Quốc), chúng tôi lại nhận được lệnh của Bộ Chính trị do đồng chí Nguyễn Chí Thanh truyền đạt chuyển sang học chuyên ngành pháo cao xạ. Lúc đầu mọi người có phần ngỡ ngàng nhưng sau thấy quyết định của trên là sáng suốt, đúng đắn khi tập trung xây dựng Trung đoàn Pháo cao xạ 367 về tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, những thành viên của Trường Không quân Ngòi Liễm còn lại trong Quân đội đã tham gia xây dựng các binh chủng kỹ thuật mới như pháo phòng không, ra đa, tên lửa… Một số khác chuyển ngành làm việc tại các cơ quan tài chính, văn hóa…

Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất. Số anh em ở trường ngày đó người còn, người mất, người Bắc, kẻ Nam, song phấn khởi nhất là tất cả đều làm tròn nhiệm vụ của mình đối với Tổ quốc và luôn luôn ghi nhớ công lao đào tạo, rèn luyện tại Trường Không quân Ngòi Liễm.

BÍCH PHƯỢNG

(Ghi theo lời kể của Đại tá Trần Liên - Nguyên Phó Tư lệnh Binh chủng Ra đa)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website