Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Nhà máy A40 (9-8-1968 / 9-8-2018)
Nhà máy A40 - 50 năm xây dựng và phát triển
Gắn với sự ra đời và phát triển của Quân chủng PK-KQ, ngay từ năm 1963, Trạm Sửa chữa thông tin Phòng không-Không quân đã được thành lập. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng về điều chỉnh và tăng cường tổ chức lực lượng, sẵn sàng đối phó với âm mưu của đế quốc Mỹ xâm lược, ngày 9-8-1968, Quân chủng đã ban hành Quyết định 715/TM-QL chuyển Trạm Sửa chữa thông tin thành Xưởng Sửa chữa thông tin PK-KQ với phiên hiệu “Xưởng A30”.
Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng và đại biểu Tổng cục Kỹ thuật
tham quan sản phẩm của Nhà máy tại Khu nghiên cứu chế thử. Ảnh: THANH TÙNGKhi mới thành lập, quân số không nhiều nhưng Xưởng A30 đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ sửa chữa, hồi phục toàn bộ khí tài thông tin cho các binh chủng: Cao xạ, tên lửa, ra đa, không quân và Sở chỉ huy Quân chủng. Xưởng còn được giao nhiệm vụ sửa chữa một số khí tài thông tin cho các binh chủng: Tăng - Thiết giáp, Pháo binh, Biên phòng và Hàng không dân dụng.
Giai đoạn từ năm 1968 đến 1975, Xưởng phải sơ tán nhiều vị trí nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác sản xuất, sửa chữa khí tài. Trong hoàn cảnh ấy, đội ngũ cán bộ, nhân viên vừa sửa chữa tại Xưởng, vừa cơ động sửa chữa tại các đơn vị PK-KQ trên toàn miền Bắc, bảo đảm thông tin cho Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân chủng và các đơn vị trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Khu 4. Trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972 và Tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Xưởng đã tích cực cùng các đơn vị bạn, tổ chức lực lượng, bảo đảm kịp thời, vững chắc mạng thông tin chỉ huy tại Sở chỉ huy tiền phương của Quân chủng và các đơn vị phòng không trực tiếp tham gia chiến đấu. Đồng thời, nhanh chóng tiếp quản các cơ sở thông tin thu được của địch, phục vụ kịp thời, hiệu quả, an toàn cho hoạt động bay của không quân ta.
Năm 1977, Quân chủng PK-KQ tách thành 2 quân chủng: Phòng không và Không quân. Xưởng A30 được điều về trực thuộc Quân chủng Phòng không, Xưởng A40 thuộc Quân chủng Không quân. Năm 1999, sau khi hợp nhất 2 Quân chủng, Xưởng A30 và Xưởng A40 sáp nhập và lấy phiên hiệu Nhà máy A40 thuộc Bộ Tham mưu. Nhà máy đã nhanh chóng ổn định biên chế, tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa theo kế hoạch. Quán triệt và thực hiện Nghị quyết 382/NQ-ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) “Về công tác kỹ thuật trong tình hình mới”, cán bộ, nhân viên Nhà máy đã luôn đoàn kết thống nhất; chủ động, sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực tự cường, không chỉ làm chủ công nghệ sửa chữa vừa, sửa chữa lớn các trang bị thông tin, ra đa, ánh sáng bảo đảm bay, mà còn tích cực nghiên cứu, nắm bắt, ứng dụng công nghệ mới về bán dẫn, mạch vi xử lý, điều khiển tự động; thiết kế, chế tạo thành công máy bay không người lái bay tự động theo chương trình; cải tiến hệ thống dẫn đường xung, máy thu màn hình VICO kéo dài đài vô tuyến dẫn bay gần RSBN-4N; cải tiến xe đài định hướng tự động ARP-9; cải tiến, sản xuất các phiên bản máy dẫn hướng PAR-8; nghiên cứu, sản xuất máy ghi âm kỹ thuật số GA-05, mã điều khiển và thiết bị tạo cao áp đèn tín hiệu KNS-1P, khối cao áp 5KV, hàng trăm mục tiêu bay các loại… Trước thực trạng các trang bị thông tin, ra đa, ánh sáng bảo đảm bay hầu hết đã khai thác sử dụng nhiều năm nên các chỉ tiêu tham số kỹ thuật suy giảm nhiều và thường phát sinh hỏng hóc phức tạp, gây khó khăn trong công tác bảo đảm bay; năm 2008, Nhà máy được Bộ Quốc phòng và Quân chủng cho phép thực hiện Dự án “Đầu tư công nghệ sửa chữa trang bị bảo đảm bay và thông tin chỉ huy PK-KQ”. Cũng trong thời gian này, Nhà máy đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công các phiên bản máy dẫn hướng DHA-8, thay thế hoàn toàn các loại máy dẫn hướng PAR-8 và 605 do Liên Xô và Trung Quốc sản xuất từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Năm 2008, Nhà máy đã chính thức sản xuất thành công phiên bản máy dẫn hướng hoàn toàn mới, với tên gọi DHA-8. Sản phẩm được Hội đồng khoa học Tổng cục Kỹ thuật và Quân chủng nghiệm thu, cho phép đưa vào sản xuất hàng loạt, hiện đã xuất xưởng đưa vào sử dụng hàng chục sản phẩm, trong đó phiên bản DHA8RB dùng cho môi trường biển đảo. Năm 2012, Nhà máy tiếp tục được trên quan tâm đầu tư Dự án “Đầu tư chiều sâu công nghệ sửa chữa các trang bị thông tin, ra đa, ánh sáng bảo đảm bay cho máy bay Su-27, Su30 và hệ thống thông tin quản lý vùng trời, chỉ huy hỏa lực phòng không”.
Phát huy hiệu quả của các dự án đầu tư công nghệ, năm 2013, Nhà máy thực hiện Đề tài cấp Bộ Quốc phòng về “Nghiên cứu cải tiến, hiện đại hóa tuyến thu xử lý tín hiệu dẫn đường và hiển thị thông tin trên Đài Vô tuyến dẫn bay gần RSBN-4N của trung đoàn không quân”. Đề tài thực hiện trên cơ sở kinh nghiệm tích lũy trên 30 năm sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật cho các đài RSBN-4N của Nhà máy. Kết quả nghiệm thu được Hội đồng khoa học cấp Quân chủng và Bộ Quốc phòng đánh giá đạt xuất sắc. Sản phẩm của đề tài có tính năng tương đương các sản phẩm cùng loại của nước ngoài nhưng giá thành chỉ bằng 25%, tiết kiệm được khá lớn chi phí nhập khẩu, trong khi Nhà máy hoàn toàn làm chủ được công nghệ và công tác bảo đảm kỹ thuật vững chắc, lâu dài, không phụ thuộc vào đối tác nước ngoài.
Đến nay, Nhà máy đã tạo dựng được hệ thống cơ sở vật chất, nhà xưởng và trang bị công nghệ tương đối hoàn chỉnh, hiện đại, đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa, nghiên cứu, cải tiến, hiện đại hóa các trang bị thông tin, ra đa, ánh sáng bảo đảm bay và thông tin chỉ huy PKKQ hiện nay và những năm tới.
Qua 50 năm xây dựng và phát triển, Nhà máy đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba; 1 Huân chương Chiến công hạng nhì; 1 Huân chương Chiến công hạng ba; cùng nhiều phần thưởng của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Quân chủng và Bộ Tham mưu. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống, Nhà máy vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất.
Đại tá NGÔ VĂN CHẠM - Chính ủy Nhà máy A40