14 giờ:5 phút Thứ hai, ngày 27 tháng 3 , 2023

Bước trưởng thành về xây dựng lực lượng

Năm 1954, hòa bình lập lại nhưng đất nước vẫn bị chia cắt làm 2 miền Nam - Bắc. Trước yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới, Bộ Tổng Tư lệnh ra Nghị định số 34/NĐA ngày 21-9-1954 thành lập Đại đoàn Pháo cao xạ hỗn hợp mang phiên hiệu truyền thống 367 thuộc Bộ Tư lệnh Pháo binh.

Bước trưởng thành về xây dựng lực lượng
Pháo cao xạ tham gia Lễ duyệt binh chào mừng ngày Quốc tế lao động 1-5-1955.
Ảnh tư liệu

Căn cứ vào quyết định thành lập của Bộ, Đại đoàn 367 biên chế 3 Trung đoàn Pháo cao xạ, trang bị pháo trung cao 88mm và pháo tiểu cao 40mm mang các phiên hiệu: Trung đoàn 681, Trung đoàn 685, Trung đoàn 689. Đồng chí Hoàng Kiện được cử làm Đại đoàn trưởng và đồng chí Đoàn Phụng được cử làm Chính ủy đầu tiên của Đại đoàn Pháo cao xạ 367. Trong lúc đó, 6 tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm của Trung đoàn 367 sau khi làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô được điều về các đại đoàn bộ binh làm nhiệm vụ phòng không dã chiến.

Vấn đề bảo vệ bầu trời Hà Nội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt ra từ rất sớm. Ngay sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Hà Nội chưa có pháo cao xạ như nhà chưa có nóc”. Từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1955 tại Đại Từ - Thái Nguyên, Đại đoàn 367 làm nhiệm vụ huấn luyện chuyển loại pháo 88mm và 40mm. Đây là loại vũ khí phòng không của Hồng quân Liên Xô thu được trong chiến tranh thế giới lần thứ hai và viện trợ cho ta. Là loại vũ khí hiện đại tính đến thời điểm đó vì có máy chỉ huy và ra đa ngắm bắn. Vận dụng kinh nghiệm huấn luyện pháo 37mm ở Tân Dương - Trung Quốc; cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 367 đã ngày đêm miệt mài học tập, nhanh chóng làm chủ vũ khí, trang bị mới và chuẩn bị nhận nhiệm vụ quan trọng. Trung tuần tháng 12 năm 1955, theo lệnh điều động của Bộ, Đại đoàn Pháo cao xạ 367 rời Thái Nguyên, hành quân về bảo vệ Thủ đô Hà Nội và thành phố Cảng Hải Phòng. Trung đoàn 681 (năm 1958 đổi thành Trung đoàn 220) và Trung đoàn 685 (năm 1958 đổi thành Trung đoàn 250) bảo vệ Thủ đô Hà Nội; Trung đoàn 689 (sau đổi thành Trung đoàn 240) về bảo vệ Hải Phòng.

Đầu năm 1956, lực lượng phòng không bảo vệ Hà Nội đã có 15 đại đội pháo 88mm, 12 đại đội pháo 40mm và 2 đại đội súng máy phòng không 12,7mm. Hải Phòng có 3 đại đội 88mm, 3 đại đội 40mm và 1 đại đội súng máy phòng không 12,7mm. Ngày 21 tháng 3 năm 1958, thực hiện nghị quyết chuyên đề về xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định tách Đại đoàn 367 ra khỏi Bộ Tư lệnh Pháo binh, tổ chức thành Bộ Tư lệnh Phòng không trực thuộc Bộ Quốc phòng, làm nhiệm vụ bảo vệ yếu địa. Đồng chí Hoàng Kiện được bổ nhiệm quyền Tư lệnh, đồng chí Đoàn Phụng làm Chính ủy Bộ Tư lệnh.

Theo quyết định của Bộ, Bộ Tư lệnh Binh chủng Phòng không được biên chế 3 cơ quan: Phòng Tham mưu, Phòng Chính trị, Phòng Hậu cần. Các đơn vị bảo đảm gồm: Đại đội chỉ huy 810 và Tiểu đoàn Thông tin 26. Khối các đơn vị trực thuộc gồm 3 trung đoàn Pháo phòng không 220, 240, 250 và 1 Trung đoàn Ra đa 260 (gọi là Trung đoàn tình báo Binh chủng Phòng không). Trung đoàn 260 đến năm 1960 đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 300, đến tháng 6 năm 1961 đổi thành Trung đoàn 291.

Cùng thời gian này, còn có 4 trung đoàn pháo cao xạ dã chiến được thành lập  trực thuộc Bộ Tư lệnh Pháo binh, đó là Trung đoàn 224, 228, 214 và 218. Đầu năm 1962 các trung đoàn này được bàn giao cho Bộ Tư lệnh Phòng không. Lực lượng pháo cao xạ không ngừng được củng cố về lực lượng và trang bị vũ khí. Ngày 22 tháng 6 năm  1958, Trung đoàn 230 - Trung đoàn đầu tiên được trang bị pháo 57mm được thành lập để bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Ngày 25 tháng 4 năm 1959, Trung đoàn 280 được thành lập để bảo vệ thành phố Vinh, Trung đoàn 210 được thành lập có nhiệm vụ bảo vệ thành phố Thái Nguyên.

Để đáp ứng yêu cầu chiến đấu hiệp đồng và chỉ huy thống nhất, ngày 22-10-1963 Bộ Quốc phòng ra quyết định hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân thành Quân chủng Phòng không - Không quân với nhiệm vụ “Đảm nhiệm việc phòng thủ không phận quốc gia và chi viện cho Lục quân, Hải quân tác chiến…”. Đồng chí Phùng Thế Tài được cử làm Tư lệnh và đồng chí Đặng Tính làm Chính ủy Quân chủng. Thời điểm này, Binh chủng Pháo Phòng không đã có 11 trung đoàn, đó là các Trung đoàn 210, 220, 230, 240, 250, 260, 214, 218, 224, 228 và 234.

Như vậy, từ một trung đoàn thành lập trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đến Đại đoàn 367 (năm 1954) rồi Bộ Tư lệnh Phòng không (năm 1958) và Quân chủng Phòng không - Không quân (năm 1963), lực lượng Pháo cao xạ đã trưởng thành vượt bậc và trở thành một binh chủng hỏa lực hùng hậu chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ.

TRUNG THÀNH
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website