Muốn làm được việc ý nghĩa cao cả này, mỗi cán bộ, đảng viên rất nên “biết người, biết ta”, biết nâng niu, trân trọng những giá trị của người khác hơn mình.Đố kỵ - “con rắn độc” làm mục ruỗng tâm hồn con người
Nói về những đặc tính của người Việt xưa thì không thể không nhắc đến tâm lý tiểu nông. Hầu như quanh năm suốt tháng sống ở nông thôn, gắn bó với bờ tre, ruộng vườn, bãi mía, nương dâu, ít có điều kiện dịch chuyển, nên người Việt có sự cố kết cộng đồng rất bền chặt. Tính chất cộng đồng làng xã đã chi phối đến nếp nghĩ, nếp sống của mọi người, mọi nhà, do đó người Việt ưa thích sự hài hòa, ổn định. Đề cao lối sống tôn trọng cộng đồng có nhiều yếu tố tích cực, nhưng đó cũng là mầm mống dẫn tới hành vi suy nghĩ, ứng xử theo kiểu “xấu đều hơn tốt lỏi”, “chết đống hơn sống mình”, “khôn độc không bằng ngốc đàn”, từ đó nảy sinh tâm lý ganh ghét, đố kỵ tài năng của người khác, không muốn ai giỏi giang hơn mình.
Ông cha ta đã có nhiều câu tục ngữ, châm ngôn đề cập đến thói đố kỵ của con người, ở mức độ nhẹ thì tỏ ra ganh tị theo lối tự mãn: “Xưa nay thế thái nhân tình/ Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay”; ở mức độ nặng hơn thì đâm ra “tức, ghét, đạp”: “Con gà tức nhau tiếng gáy”; “Trâu buộc ghét trâu ăn”; “Ăn không được thì đạp đổ”;…
|
|
Tranh minh họa. Nguồn: thethaovanhoa.vn |
Tưởng như thói đố kỵ chỉ tồn tại trong xã hội tiểu nông thuở trước, nhưng hiện nó không những không mất đi trong xã hội mà còn len lỏi, luồn lách vào nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của không ít người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Thời nay, giới trẻ và cư dân mạng gọi những ai mắc bệnh đố kỵ là những kẻ “gato” (viết tắt của cụm từ “ghen ăn tức ở”) và có câu: “Giàu thì nó ghét, nghèo thì nó khinh, thông minh thì nó đố kỵ”. Đúc kết từ thực tiễn cuộc sống, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ rõ một bộ phận cán bộ, đảng viên có thái độ “ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”-một trong những biểu hiện suy thoái hàng đầu trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống.
Thói đố kỵ của một bộ phận cán bộ, đảng viên có nhiều biểu hiện tinh vi như: Ai có kết quả, thành tích tốt hơn mình thì tỏ ra khó chịu, coi đó là “ăn may”, là được “quý nhân phù trợ”; chưa có thái độ khách quan, công tâm khi nhìn nhận, đánh giá năng lực thực tế, hiệu quả công việc của đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp giỏi hơn mình; thiếu tinh thần hợp tác với những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì tập thể… Thậm chí có cả biểu hiện lôi bè kéo cánh những người “làng nhàng” như mình để tìm cách cản trở những nhân tố mới, nhân tố tích cực, không muốn cho họ vươn lên vượt trước mình. Một biểu hiện khác dễ thấy của thói ganh ghét, đố kỵ là những kẻ hay ngồi lê mách lẻo, thích soi mói, nói xấu sau lưng người khác theo kiểu “vạch lá tìm sâu”, “chẻ sợi tóc làm tư”, thổi phồng cá tính, cố tật nào đó của những người tài nhằm lái dư luận đánh giá không đúng bản chất vấn đề. Cá biệt, có trường hợp người giỏi ở một số tổ chức, cơ quan, đơn vị đã bị “trù dập hội đồng” bởi những kẻ tiểu nhân không chỉ thừa “chiêu” nịnh bợ, lấy lòng cấp trên, mà họ còn đủ “trò” ganh ghét, đố kỵ tài năng của đồng nghiệp.
Thói đố kỵ được ví như “con rắn độc” có thể gặm nhấm khối óc và bào mòn con tim của con người; đồng thời nó “gieo” bao mầm hại trong tổ chức, cơ quan, đơn vị. Những nơi để cho thói ganh ghét, đố kỵ tồn tại, lộng hành không những làm nản lòng, nhụt chí, cản trở con đường phấn đấu của những nhân tố tích cực trong tập thể, mà còn gieo rắc sự hoài nghi, để ý, soi mói lẫn nhau trong nội bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến việc củng cố, vun đắp tinh thần đoàn kết, thống nhất của cơ quan, đơn vị. Ở mức độ nặng hơn, những kẻ mắc bệnh đố kỵ có thể lươn lẹo “quy chụp, biến báo” người tốt thành người bình thường, thậm chí tầm thường; còn những kẻ "làng nhàng", gian thần, “đầu môi chót lưỡi” dễ được cấp trên ưu ái trong cuộc sống, công tác. Nếu không khắc phục triệt để tình trạng này thì đây là chính là một trong những nguy cơ làm xói mòn đạo đức, văn hóa trong bộ máy công quyền.
Nâng tầm bản lĩnh, đạo đức, văn hóa của cán bộ, đảng viên trong đối nhân xử thế
Triết học mác-xít đã chỉ ra rằng, con người là tổng hòa các quan hệ xã hội. Trong sự tổng hòa đó, con người hầu như ai cũng mang đủ những đặc tính hay-dở của môi trường, hoàn cảnh, điều kiện của xã hội đương thời. Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, hầu như thời nào, xã hội nào, dân tộc nào cũng ít nhiều tồn tại thói đố kỵ khá dai dẳng trong một bộ phận người dân.
Nói một cách thấu đáo, mỗi con người, trong đó có cán bộ, đảng viên, hầu như ai cũng ít nhiều có tâm lý nhìn người khác có điều gì đó chưa bằng mình. Đặc trưng tâm lý “mẹ hát con khen hay”, “tự yêu mình”, “tự đề cao mình” thật ra không xấu, nhưng cần có giới hạn nhất định và không bao giờ được phép ảo tưởng về mình. Nếu để một chút ghen tỵ với người khác không bộc lộ ra thái độ, hành vi, thói quen ứng xử, mà coi đó là một chất kích thích để tự động viên, nhắc nhở, yêu cầu mình phải phấn đấu tích cực hơn, rèn luyện tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn để không thua chị kém em, để bằng bạn bằng bè, thì “chút ghen” ấy là vô hại. Ngược lại, nếu để cho lòng ghen ghét, đố kỵ như một “con ngựa bất kham” mà mình không “cầm cương” nổi thì đấy lại là điều gây hại cho chính mình, cho người khác, cho tập thể. Một khi cán bộ, đảng viên để thói ganh ghét, đố kỵ “lên ngôi” trong tư tưởng và hành vi thì vô hình trung đã bộc lộ sự nhỏ nhen, non kém, bạc nhược, hèn mọn trong nhân cách, trí tuệ của chính người đó.
Vậy làm sao để cán bộ, đảng viên "trị" được thói đố kỵ trong lòng mình? Một trong những việc cần làm là thường xuyên, bền bỉ tu tâm tích đức; rèn luyện bản lĩnh ngày càng chỉn chu, chín chắn; sống chân thành, trung thực, cởi mở với chính mình, với người khác, với tập thể; không để cho những tư tưởng bon chen, ghen ghét người khác len lỏi vào đầu óc khiến mình rơi vào tâm trạng “ăn không ngon, ngủ không yên” vì không bằng họ. Cần biết khiêm nhường lắng nghe, từ tốn học hỏi cái hay, cái tốt, cái mới của người khác mà mình chưa có; biết chia sẻ, động viên kịp thời với kết quả, thành tích nổi bật của đồng chí, đồng đội; biết nâng niu những việc đồng nghiệp đã làm tốt, đã cống hiến cho tập thể; biết trân trọng, khuyến khích những ý tưởng, hiến kế, giải pháp, sáng chế, phát minh mà người khác nỗ lực tạo ra,… Đó là tình cảm cao thượng, tinh thần quang minh chính đại trong đối nhân xử thế của cán bộ, đảng viên và cũng là một cách để phòng ngừa, ngăn chặn thói đố kỵ trong mỗi con người.
Ở chiều sâu hơn, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị cần quan tâm chăm lo xây dựng bầu không khí thật sự đoàn kết, dân chủ, nhân văn, mọi người tin tưởng, động viên, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng phấn đấu tiến bộ, trưởng thành. Bởi thực tế cho thấy, thói đố kỵ có lúc không hẳn xuất phát từ sự ích kỷ, hẹp hòi của người cán bộ, đảng viên, mà đôi khi nó trỗi dậy từ trong tập thể thiếu đoàn kết, dân chủ, lãnh đạo không công tâm, nhân viên không trung thực, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai thì e ngại đấu tranh, cái tốt không được cổ vũ kịp thời, cái sai không được ngăn chặn triệt để, từ đó mọi người nhìn nhau bằng con mắt hoài nghi, ứng xử với nhau thiếu chân tình, độ lượng. Do đó, chú trọng xây dựng văn hóa công sở thật sự lành mạnh, kết hợp hài hòa giữa phát huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật và giữ gìn tình thương yêu đồng chí là một cách góp phần phòng ngừa, ngăn chặn thói ganh ghét, đố kỵ trong nội bộ.
Nói về mặt trái của thói đố kỵ đối với con người, đại văn hào người Pháp Honoré de Balzac (1799-1850) từng nhấn mạnh: “Người có tính ganh tỵ khổ sở hơn bất cứ một người bất hạnh nào. Bởi vì hạnh phúc của người khác càng lớn bao nhiêu thì nỗi bất hạnh trong anh ta càng nhân lên bấy nhiêu”. Cũng có câu châm ngôn: “Trái tim lành mạnh là sức sống của thân thể, nhưng lòng ghen tỵ là ung thư ăn mục tới xương”. Hàm ý câu đó nhắc nhở người ta hãy biết nuôi dưỡng, giữ gìn trái tim luôn vẹn toàn, tâm hồn trong sáng để tinh thần được thanh thản, thảnh thơi; đừng để cho sự ganh ghét, đố kỵ như một “ung nhọt” có thể hủy hoại đạo đức, nhân cách của chính mình.
Theo qdnd.vn