9 giờ:56 phút Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 , 2019

Chuyện những người "viết sử bằng hiện vật":

Những năm qua, Bảo tàng Phòng không - Không quân (PK-KQ) luôn là “địa chỉ đỏ” để cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng, Quân đội, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đến tham quan, học tập, nghiên cứu về đường lối nghệ thuật tác chiến PK, KQ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để có mỗi một hiện vật quý được trưng bày tại Bảo tàng, phản ánh chân thực lịch sử hơn 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội PK-KQ đều gắn chặt với biết bao tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng, đặc biệt là cán bộ, nhân viên làm công tác bảo tàng.

 Kỳ 1: Những hiện vật vô giá

Tôi đặt câu hỏi với Đại tá Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Bảo tàng PKKQ: “Cái gì là quý giá nhất trong số hơn 56.000 hiện vật được lưu giữ, bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng?”. Đồng chí cho biết: “Cũng như con người, mỗi hiện vật đều có số phận lịch sử riêng của nó. Hơn 56.000 hiện vật ở Bảo tàng PK-KQ, đều là những hiện vật vô giá.

Chuyện những người
Một góc Bảo tàng PK-KQ nhìn từ trên cao.

Tôi tìm gặp Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu - Cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Phó Chính ủy Quân chủng, trước khi thâm nhập Bảo tàng PK-KQ để tìm hiểu các thế hệ những người “viết sử bằng hiện vật” ở nơi này. Biết tôi muốn tìm hiểu về công tác bảo tồn, bảo tàng của Bộ đội PK-KQ, ông không vào chuyện ngay mà giới thiệu với tôi những hình ảnh quý được ông lưu giữ, treo trang trọng, ngăn nắp, tựa như một phòng truyền thống thu nhỏ trong gian nhà ấm cúng của ông ở số nhà 205, ngõ 188, phố Vương Thừa Vũ, Hà Nội.

Theo Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, trước khi được đầu tư xây mới năm 2004, khánh thành ngày 28-8-2007 và mở cửa phục vụ công chúng tham quan thì tiền thân của Bảo tàng PK-KQ là Phòng Truyền thống Bộ đội PK thành lập năm 1958. Và ngay từ những ngày đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Quân chủng rất quan tâm tới công tác bảo tồn, bảo tàng, bởi đây là một trong những mặt công tác quan trọng khi tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Có sự phát triển như ngày hôm nay, Bảo tàng PK-KQ đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, người chỉ huy các cấp và tâm huyết, yêu nghề của các thế hệ cán bộ, nhân viên làm công tác bảo tồn, bảo tàng, nhà, phòng truyền thống.

Tìm hiểu thực tiễn tại Bảo tàng PK-KQ, tôi được Đại tá Nguyễn Văn Minh trực tiếp dẫn đi tham quan, giới thiệu tổng quan và biết được nhiều điều vô cùng quý giá của hơn 56.000 hiện vật là những hình ảnh, tư liệu, hiện vật minh chứng cho quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của Bộ đội PK-KQ Việt Nam đang được trưng bày, bảo quản, lưu giữ trên tổng diện tích trưng bày 16.000m2 (diện tích ngoài trời 12.800m2 và trong nhà 3.200m2).

Theo Đại tá Nguyễn Văn Minh, Bảo tàng PK-KQ là bảo tàng chuyên ngành lịch sử quân sự nằm trong hệ thống các Bảo tàng Lực lượng vũ trang Việt Nam, được xếp hạng 2 trong hệ thống bảo tàng quốc gia. Mỗi hiện vật, hình ảnh trong hệ thống trưng bày là những chiến công xuất sắc của Bộ đội PKKQ qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới, làm nhiệm vụ quốc tế và thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Bảo tàng được thiết kế, trưng bày theo tiến trình lịch sử, gồm nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh minh chứng cho quá trình ra đời, xây dựng, chiến thắng và trưởng thành của Quân chủng PK-KQ. Tiêu biểu như bộ sưu tập hiện vật về Ban Nghiên cứu KQ; hiện vật gắn với những chiến công xuất sắc của Trung đoàn Pháo cao xạ 367 tại mặt trận Điện Biên Phủ; Chiến thắng cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), Không quân nhân dân Việt Nam đã mở mặt trận trên không thắng lợi; tư liệu hiện vật về trận đầu đánh thắng của Bộ đội Tên lửa PK Việt Nam ngày 24-7-1965; Bộ đội PK-KQ đánh thắng chiến tranh điện tử của đế quốc Mỹ; cùng quân và dân miền Bắc bảo vệ Hà Nội - Hải Phòng năm 1967; Chiến đấu ở chiến trường khu IV; bảo vệ tuyến vận tải chiến lược 559 (Đường Hồ Chí Minh); Sa bàn điện tử Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972; Chiến đấu trong đội hình quân binh chủng hợp thành; Quân chủng PK-KQ thường xuyên cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đặc biệt, Bảo tàng PK-KQ lưu giữ tư liệu hiện vật duy nhất về chuyến bay hợp tác vũ trụ quốc tế Việt Nam - Liên Xô và có sưu tập tặng phẩm của các đoàn quốc tế đến thăm và tặng Bộ đội PK-KQ…

Ngoài trời, với 103 hiện vật khối lớn được trưng bày một cách khoa học, giới thiệu các bộ sưu tập hiện vật vũ khí độc đáo về Bộ đội PK-KQ: Pháo cao xạ, Ra đa, Không quân, Tên lửa... Những vũ khí đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến như: Khẩu pháo 37mm của khẩu đội Tô Vĩnh Diện tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ được công nhận là bảo vật quốc gia; Trực thăng Mi-4 đã vinh dự nhiều lần chở Chủ tịch Hồ Chí Minh đi công tác; Ra đa P-35, Đại đội 45, Trung đoàn 291 đã chủ động phát sóng, bắt được tín hiệu máy bay chiến lược B-52 sớm 35 phút thông báo cho quân và dân Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu; Bệ phóng tên lửa Đờ-vi-na của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261 lập công xuất sắc bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 đầu tiên trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12- 1972; Máy bay MiG-21 số 5121 do Phi công Phạm Tuân điều khiển bắn rơi 1 máy bay B-52 đêm 27-12-1972. Ngoài ra, còn có các bộ sưu tập hiện vật máy bay MiG-17, MiG19, MiG-21, trực thăng vận tải, trực thăng săn ngầm và một số máy bay cường kích thu được của Mỹ - Ngụy; trong đó có máy bay A-37, Phi đội Quyết Thắng Trung đoàn 923 đã sử dụng ném bom Sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần giành thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975; một số loại vũ khí, phương tiện mà đối phương đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Mỗi một hiện vật, tư liệu, hình ảnh đều là những câu chuyện, những trận đánh, những sự kiện lịch sử mà hơn 55 năm qua Bộ đội PK-KQ đã chiến đấu, chiến thắng để bảo vệ vững chắc vùng trời quốc gia.

NGÔ TIẾN MẠNH

>>> Kỳ 2: Gian nan tìm kiếm hiện vật

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website