90 tác phẩm báo chí, sách, được trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018
Sáng 7-6, tại Trụ sở Thông tấn xã Việt Nam, Số 5, Lý Thường Kiệt, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam và các đơn vị liên quan, tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018. Tham dự Lễ trao giải có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam; Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí, xuất bản trên toàn quốc cùng các tác giả đạt giải thưởng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng
trao giải nhất cho các tác giả, nhóm tác giả. Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018 thu hút khoảng 1.000 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả đến từ hơn 130 cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và 12 nhà xuất bản trên toàn quốc, các chuyên gia, phóng viên báo chí nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài. Các tác phẩm được thể hiện bằng 13 ngôn ngữ, thuộc 8 loại hình: Báo in tiếng Việt; báo điện tử tiếng Việt; báo in tiếng nước ngoài; báo điện tử tiếng nước ngoài; phát thanh; truyền hình; ảnh và sách. Sau các vòng chấm khách quan, công tâm, Ban tổ chức đã lựa chọn 90 tác phẩm để trao giải. Trong 90 tác phẩm xuất sắc được chọn vinh danh tại Lễ trao giải, Ban tổ chức đã trao 8 giải nhất, 17 giải nhì, 25 giải ba và 40 giải khuyến khích.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng thành công của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018 và các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải, biểu dương Ban Tổ chức đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020, cũng là năm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kỷ niệm nhiều sự kiện trọng đại trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến mau lẹ, khó lường.
Để công tác thông tin đối ngoại, trong đó có Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại có ý nghĩa thiết thực hơn, Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan, đặc biệt là các cơ quan thông tấn, báo chí, xuất bản trên toàn quốc; các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013-2020…; đổi mới và nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại trước yêu cầu mới của đất nước.
Cùng với đó, chủ động tăng cường sự gắn kết giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại, phát huy sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong quá trình mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế; tăng cường thông tin tích cực về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam để tranh thủ cao nhất sự ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, của nhân dân thế giới, bạn bè quốc tế; huy động được các nguồn lực phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng đề nghị các đơn vị cần nâng cao năng lực phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; xây dựng các kịch bản cụ thể và các phương án định hướng thông tin tuyên truyền ở từng cấp độ, chủ động phòng ngừa và xử lý khi vụ việc xảy ra, đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá, luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động; bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình cho phát triển, củng cố vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.
Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, với vai trò nòng cốt, các cơ quan thông tấn, báo chí, xuất bản trên toàn quốc cần đa dạng hóa các phương thức, tài liệu tuyên truyền, trong đó chú trọng việc sử dụng các ngôn ngữ nước ngoài, phát huy hiệu quả của hệ thống cơ quan đại diện, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế về thông tin đối ngoại, tranh thủ các đối tác thông tấn, báo chí lớn, các kênh truyền thông quốc tế uy tín trên thế giới; đẩy mạnh sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại có sức lan tỏa, bao phủ rộng, thông tin trực tuyến, các trang mạng, mạng xã hội, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, cần chú trọng đổi mới tư duy trong công tác thông tin đối ngoại, sản phẩm thông tin đối ngoại phải thực sự có ý tưởng, sự sáng tạo, đổi mới, tập trung vào các vấn đề lớn của đất nước để có những cách thức, phương tiện phù hợp, hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong công tác thông tin đối ngoại; quan tâm động viên, khích lệ đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, các nhà nghiên cứu; đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ hiệu quả các hoạt động thông tin đối ngoại... góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ vững chắc và phát triển toàn diện đất nước trong tình hình mới.
Tin, ảnh: NGÔ TIẾN MẠNH