Cũng theo nguồn tin nói trên, đề nghị mua máy bay ném bom Tu-22M3 của Ấn Độ sẽ nằm trong hợp đồng cả gói của nước này đặt mua 12 tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumph, 80 trực thăng Mi-17 và 6 máy bay vận tải quân sự IL-76 để phục vụ việc hoán cải thành máy bay trinh sát và cảnh báo sớm trên không (EWC) với hệ thống ra-đa Falcon. Đặc biệt, Ấn Độ cũng muốn thuê thêm hai tàu ngầm hạt nhân lớp Shuka-B tương tự như chiếc Nerpa Hải quân Ấn Độ đang thuê.
Hiện tại, giá trị của gói hợp đồng lớn nói trên chưa được công bố.
Máy bay ném bom Tu-22M3 của Không quân Nga tham chiến ở Syria.
Khoang chứa vũ khí của máy bay Tu-22M3.
Tu-22M3 (tên NATO: Backfire) là một trong những phiên bản máy bay ném bom tầm xa siêu thanh trang bị tên lửa với kết cấu cánh cụp cánh xòe. Tổng khối lượng vũ khí (bao gồm cả bom nguyên tử và bom thông thường) máy bay ném bom siêu thanh này có thể mang theo là 24 tấn. Máy bay có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết bất kể ngày đêm.
Máy bay Tu-22M3 dài 42,4m; sải cánh 34,28m khi xòe, 23,3m khi cụp và trọng lượng cất cánh 124 tấn. Phiên bản đầu tiên Tu-22 ra đời từ năm 1969, còn phiên bản Tu-22M3 được sản xuất hàng loạt từ năm 1978 và đưa vào trang bị từ năm 1989. Theo số liệu công khai, tổng cộng có 268 chiếc Tu-22M3 được lắp ráp và chiếc cuối cùng xuất xưởng năm 1993.
Tu-22M3 có thể tác chiến cả trên đất liền và trên biển với các loại tên lửa Kh-22, Kh-15 và các loại bom khác nhau. Lần tham chiến mới nhất của máy bay Tu-22M3 là chiến dịch ném bom của Không quân Nga nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria năm 2015.