13 giờ:37 phút Thứ bảy, ngày 20 tháng 6 , 2020

Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí; cũng như người có bệnh, nếu giấu giếm bệnh tật trong mình không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mạng”. “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”.

Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên
Theo Bác: Mỗi tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải làm tốt tự phê bình và phê bình, phải có thái độ đúng đắn, bình tĩnh để tiếp thu ý kiến đóng góp của người khác. Tự phê bình và phê bình mục đích là làm cho mọi người đều được học tập những ưu điểm, chỉ rõ những khuyết điểm của đồng chí, đồng đội và giúp nhau sửa chữa những khuyết điểm còn tồn tại trong mỗi con người và tổ chức đảng. Bác Hồ luôn nhắc nhở: “Phê bình là cốt để giúp nhau tiến bộ. Cho nên phê bình phải có tính chất xây dựng, thẳng thắn. Không nên phê bình ẩu, phê bình suông. Khi phê bình cần phải xét nguyên nhân của khuyết điểm, phải cân nhắc đến ưu điểm, phải đề ra cách sửa chữa…”. Bác viết: Dưới chế độ dân chủ, thì mọi người trước hết là mọi cán bộ, đảng viên phải thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình; có như vậy mới tiến bộ được. Bác chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chín chắn, chân chính”. Như vậy, kết quả tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên, của mỗi tổ chức đảng mới trở thành động lực cho mọi sự phát triển, phải tạo được sự biến đổi về chất trong cán bộ, đảng viên, trong từng tổ chức đảng; sức mạnh nội sinh trong từng con người phải được hồi sinh, như cây nẩy lộc, đâm chồi, đơm hoa, kết trái. Mọi sự kìm nén, ức chế đều được giải tỏa, luồng sinh khí mới sẽ sưởi ấm cái tâm của mỗi cán bộ, đảng viên, để mọi người không ngừng phấn đấu, vươn lên trong hành động…

Để nâng cao hiệu quả tự phê bình và phê bình, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức Đảng cần coi trọng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng; đối chiếu với trách nhiệm và chức trách của từng cán bộ, đảng viên trong từng tổ chức Đảng để đánh giá chất lượng lãnh đạo của từng tổ chức cơ sở Đảng. Bởi lẽ, tổ chức cơ sở Đảng là trung tâm giáo dục, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, cho đến các đảng viên đã nghỉ hưu. Ở đó, các đảng viên được rèn luyện về phẩm chất, năng lực, đạo đức, lối sống cũng như khả năng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Các cấp ủy và mọi cán bộ, đảng viên phải luôn nhận thức đúng đắn, đầy đủ sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình trong Đảng. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm chính trị, thái độ, động cơ và biện pháp tiến hành tự phê bình và phê bình cho phù hợp với từng tổ chức đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu tự phê bình và phê bình là động lực phát triển của Đảng, là nguyên tắc, chế độ thường xuyên trong sinh hoạt Đảng.

Thực hiện tốt chức năng của chi bộ, chi ủy và bí thư trong thực hiện tự phê bình và phê bình. Thực tiễn đã chứng minh rằng, nếu chi bộ, chi ủy và bí thư là trung tâm đoàn kết, là cầu nối liền giữa các đảng viên trong mỗi tổ chức Đảng, có thái độ đúng đắn, công tâm trong xem xét, đánh giá, kết luận ưu điểm, khuyết điểm của từng cán bộ, đảng viên thì sẽ tạo động lực và không khí tốt; ngược lại, dễ tạo ra những tiêu cực, gây ra những thắc mắc, sự thiếu tin tưởng lẫn nhau, từ đó mà ảnh hưởng tới năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ. Mỗi cấp ủy, bí thư cần làm tốt công tác theo dõi việc tiếp thu phê bình, sửa chữa khuyết điểm của từng cán bộ, đảng viên sau khi họ đã tự phê bình và được góp ý, phê bình ở chi bộ. Cấp ủy các cấp cần có nghị quyết lãnh đạo sát, đúng đối với công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết hoạt động công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là sau khi tự phê bình và phê bình. Kịp thời động viên, khuyến khích, nêu gương những cán bộ, đảng viên sửa chữa khuyết điểm, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ đó, đưa công tác tự phê bình và phê bình ở chi bộ vào nền nếp, có chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, góp phần xây dựng tổ chức Đảng TSVM, đơn vị VMTD.

TRẦN KIM QUÂN
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website