8 giờ:26 phút Thứ hai, ngày 21 tháng 9 , 2020

Loại bỏ tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19

Sau khi đợt dịch thứ 2 bùng phát tại Đà Nẵng, đến nay, với chủ trương, chính sách đúng đắn của Chính phủ, cùng sự đồng lòng của nhân dân, chúng ta đã bước đầu ngăn chặn thành công đợt dịch này. Dù vậy, nguy cơ xuất hiện dịch bệnh trong cộng đồng luôn thường trực, nên việc loại bỏ tâm lý lơ là, chủ quan của người dân trong việc thực hiện các biệp pháp phòng, chống dịch là yêu cầu cấp thiết.

Loại bỏ tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19
Lực lượng quân y chuẩn bị phun khử trùng khối cơ quan Bộ Tư lệnh Quân chủng. Ảnh
: ĐÌNH KÝ

Trong đợt dịch lần này, Chính phủ Việt Nam ngay lập tức có những biện pháp đối phó khẩn trương, tích cực, hiệu quả, bước đầu khống chế được sự bùng phát dịch. Không những không để cho dịch bệnh lây lan mạnh trong cộng đồng, chúng ta còn thực hiện được “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch; vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế. Thời gian gần đây, một số địa phương có người mắc Sars-Cov-2 đã bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, dần dần phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, các ca mắc mới đã có chiều hướng giảm, có thời điểm nhiều ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cùng với đó, các tín hiệu vui trong công tác nghiên cứu vắc xin phòng, chống Covid-19 trong nước và quốc tế khiến nhân dân tin tưởng vào tương lai đẩy lùi “giặc Covid-19” không còn xa.

Tuy nhiên, cuộc chiến vô hình với loại vi rút quái ác này vẫn còn ở phía trước, chỉ cần chúng ta lơ là, chủ quan, mất cảnh giác là dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại mạnh mẽ. Có thể thấy qua những bài học “nhãn tiền” từ các quốc gia phát triển khi dịch bùng phát trở lại luôn để lại những hậu quả nặng nề hơn đợt dịch trước. Không những thế, theo các chuyên gia thì vi rút Sars-Cov-2 có thể tiến hóa với nhiều biến thể nguy hiểm hơn, lây lan dễ dàng hơn. Mức độ giảm số ca nhiễm mới, hoặc thậm chí là số ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu dịch bùng phát trở lại, như nó đã từng bùng phát tại nước ta cách đây hơn 1 tháng.

Có thể thấy qua quan sát thực tế trong cuộc sống hằng ngày, đại đa số người dân dù vẫn có ý thức cao trong phòng, chống dịch Covid-19, nhưng một bộ phận không nhỏ lại đang có sự chủ quan, hoặc xem nhẹ nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Ở các thành phố lớn, dù được khuyến cáo mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên nhưng nhiều người dân vẫn xem nhẹ, thực hiện không triệt để. Các nhà hàng, dịch vụ ăn uống, vui chơi dù có lệnh giãn cách nhưng vẫn chấp hành không nghiêm. Vẫn có nhiều trường hợp trốn khai báo y tế, hoặc khai báo không trung thực. Cá biệt hơn, ở các địa phương gần đường biên giới, nhiều người còn xem việc đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam là một cơ hội làm giàu, trong khi đó, đây là hành vi vi phạm pháp luật và có thể khiến cả một quốc gia trả giá với hậu quả nặng nề.

Cần phải hiểu rằng, trong thời gian giãn cách xã hội, không phải chúng ta có thể ngăn chặn được hoàn toàn 100% số ca nhiễm mà chỉ là hạn chế mức thấp nhất những người đang mang mầm bệnh tiếp xúc với người lành, chứ không bảo đảm triệt để. Do đó, sự chủ quan của người dân là một trong những nguy cơ tiềm ẩn sự bùng phát dịch bệnh trở lại. Bài học về sự chủ quan tại nhiều quốc gia trên thế giới đã khiến họ phải chịu hậu quả nặng nề vì sự bùng phát của dịch bệnh ở giai đoạn 2. Vì vậy, nếu người dân tiếp tục thờ ơ, không nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, nguy cơ các giải pháp chống dịch bị vô hiệu hóa là rất cao.

Với tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế, không khó để dự đoán rằng dịch bệnh sẽ còn kéo dài, và chúng ta phải xác định tinh thần “sống chung với dịch”. Việt Nam sẽ phải tiếp tục chống dịch Covid-19 trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh; tiếp tục áp dụng các biện pháp cơ bản phòng chống dịch trong trạng thái “bình thường mới” theo “Thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế” (Đeo khẩu trang thường xuyên; vệ sinh khử khuẩn thường xuyên; giữ khoảng cách an toàn; hạn chế tập trung đông người; khai báo y tế trên App Ncovi và cài đặt ứng dụng Bluezone) mà Bộ Y tế khuyến cáo.

Đối với lực lượng Quân đội, cùng với lực lượng y tế, tiếp tục là “tuyến đầu” trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Các đơn vị trong Quân đội, Quân chủng cần tiếp tục triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; vừa không để dịch bệnh lây lan trong đơn vị, vừa hoàn thành tốt các nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, bảo vệ Tổ quốc. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ chiến sĩ, loại bỏ tâm lý lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch. Tiếp tục chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, các địa phương, vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ được giao, góp phần cùng cả nước chiến đấu và chiến thắng dịch Covid-19 trong thời gian ngắn nhất.

THÁI SƠN
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website