13 giờ:12 phút Thứ hai, ngày 28 tháng 12 , 2020

Trong nắng gió Tuy Hòa

Trước khi chúng tôi về thăm Trung đoàn 910, Đại tá Nguyễn Minh Tuấn - Chính ủy Trường Sĩ quan Không quân, vui vẻ “bật mí”: “Để trở thành phi công tiêm kích, tất cả các học viên bay đều phải vượt qua cuộc “sát hạch chặng cuối” tại Trung đoàn 910”. Chia sẻ của anh gợi trí tò mò khiến chúng tôi càng há

Trong nắng gió Tuy Hòa
Phi công Trung đoàn 910 trao đổi sau ban bay huấn luyện. Ảnh:
CTV

Tuy Hòa nắng đẹp trời trong, nhưng gió thì thốc tháo ngang tàng. Thấy tôi khổ sở với mái tóc bay loạn xạ, Trung tá Nguyễn Tất Thắng - Phi đội trưởng, Phi đội 2 - người có trên 15 năm gắn bó với các học viên bay, mỉm cười bộc bạch: Điều kiện thời tiết nơi đây phức tạp lắm, nhất là giai đoạn chuyển mùa, gió cạnh, gió Tây Nam hoạt động mạnh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động bay của đơn vị. Nhiều khi gió lớn quá, đơn vị phải “đổi đầu” cất hạ cánh đấy. Nhưng kệ thôi, “nắng mưa là việc của trời”, đối với nhiệm vụ đào tạo phi công quân sự, quy trình cứ diễn ra tuần tự: Sau hai năm đầu học lý thuyết cơ bản tại Nhà trường, năm thứ 3 học viên được làm quen với máy bay Yak-52. Bước sang năm thứ 4, các học viên mới về Trung đoàn 910 để huấn luyện thực hành trên máy bay L-39. Cũng trên sân bay nắng gió này, các thế hệ thầy - trò chúng tôi đã vượt qua không ít khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ “chặng cuối” của quy trình đào tạo phi công tiêm kích. Chỉ tay về phía 3 học viên đang miệt mài ôn luyện, anh hồ hởi giới thiệu: Đây là Thượng sĩ Nguyễn Đức Chung, Thượng sĩ Hoàng Quốc Đạt và Thượng sĩ Nguyễn Hàm Hùng. Họ đều là các học viên xuất sắc, giỏi lý thuyết, vững thực hành, được chọn bay thả đơn đầu tiên của Khóa 44. Không phụ sự kỳ vọng của các thầy, cả 3 em đều hoàn thành tốt nhiệm vụ thả đơn với khoa mục vòng kín, không vực phức tạp, bảo đảm chất lượng và hạ cánh an toàn.

Tôi hỏi Thượng tá Phạm Văn Tiệp - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 910: Như thế họ đã trở thành phi công chưa? Anh khẽ cười rồi giải thích: Muốn trở thành phi công tiêm kích, ngoài tiêu chuẩn về trình độ học vấn, chính trị, thể lực; còn đòi hỏi học viên phi công phải có bản lĩnh vững vàng, phản xạ nhanh, các thao tác phải khéo léo, chuẩn xác. Phải dày công khổ luyện cả ở mặt đất lẫn trên không. Bay thả đơn là một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với mỗi học viên phi công. Đó là lần đầu tiên họ tự điều khiển máy bay tiêm kích L-39 cất cánh lên không trung, thực hiện bài bay theo quy định mà ở buồng lái phía sau không có giảng viên hướng dẫn. Nhưng dù đã thả đơn thành công, họ vẫn phải tiếp tục huấn luyện hàng loạt các khoa mục phức tạp khác, như bay không vực, bay biên đội, bay đường dài, công kích, xuyên mây... Và chỉ khi nào thành thục các khoa mục này trên máy bay L-39, họ mới đủ điều kiện tốt nghiệp và tiếp tục học chuyển loại ở các đơn vị để trở thành phi công chiến đấu.

Tôi quan tâm nhiều đến quá trình truyền cảm hứng cho các học viên bay; Thượng tá Đào Việt Hưng - Chính ủy Trung đoàn 910, ngay lập tức đã cho tôi câu trả lời thỏa đáng: Học viên phi công mới bay qua Yak-52 còn rất nhiều bỡ ngỡ, kinh nghiệm bay ít nên tâm lý thường không ổn định, dễ thực hiện sai động tác. Về đây bay các khoa mục đề cương, với các em, bài bay luôn luôn mới nhưng với đội ngũ giảng viên, các bài bay thường lặp đi lặp lại. Để hướng dẫn kèm cặp học viên được tốt; trách nhiệm của mỗi cán bộ, giảng viên là phải thường xuyên làm mới mình. Bài bay cũ nhưng phương pháp giảng dạy phải luôn đổi mới. Quan trọng nhất là phải có sức khỏe tốt, kiến thức chuyên môn vững và phải tâm huyết với nghề. Thường thì căn cứ vào tiến độ bay của học viên, các thầy tập trung vào một số nội dung học viên cần nhất. Ví như thực hành bay vòng kín, quan trọng nhất là thao tác cất, hạ cánh. Đây là giai đoạn quyết định học viên bay có trở thành phi công hay không. Nếu các em không thể cất, hạ cánh được, đồng nghĩa với việc phải cắt bay. Vì vậy, không chỉ truyền cảm hứng, nuôi dưỡng, thổi bùng ngọn lửa đam mê chinh phục bầu trời, các thầy còn phải sát cánh nhắc nhở, kèm cặp học viên; giúp các em rèn tính kỷ luật, rèn luyện bản lĩnh, chăm chỉ tập luyện để có đủ sức khỏe đáp ứng các bài bay khó và phức tạp. Trên giảng đường, quan hệ của họ là tình thầy trò, nhưng khi cùng nhau ngồi trong khoang lái máy bay, gắn bó với nhau bằng cả tính mạng, thì tình thầy trò lại trở thành tình anh em, tình cha con thân thiết. Ở đây, thầy nào cũng mong truyền đạt được hết kiến thức, kỹ năng, niềm đam mê của mình cho thế hệ phi công trẻ.

Không chỉ hoàn thành tốt các ban bay thả đơn cho các học viên bay; Trung đoàn 910 đã và đang nỗ lực vượt mọi khó khăn, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, huấn luyện học viên theo hướng “Cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”; đảm bảo chất lượng phi công khi ra trường đều đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; xứng đáng là cái nôi nâng cánh những ước mơ chinh phục bầu trời.

QUỲNH VÂN
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website