Dấu ấn bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" ở Trường Sa
“Tổ quốc nhìn từ biển” là một bài thơ hay về Tổ quốc, về biển. Trong đêm giao lưu văn nghệ giữa đoàn công tác của Thành phố Hà Nội với cán bộ, chiến sĩ trên Đảo Trường Sa Lớn, bài thơ được chính tác giả, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến thể hiện nên ý nghĩa và cái hay càng được cộng hưởng và nhân lên. Tiếng lòng của nhà thơ, niềm đồng cảm của người nghe cùng ngân lên giai điệu tình yêu đất nước da diết, sâu lắng giữa muôn trùng sóng vỗ đại dương…
Tôi không thể nào quên chất giọng trầm hùng, đầy biểu cảm của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khi ông đọc sáng tác của mình trên sân khấu của Đảo Trường Sa Lớn. Cả biển người lặng im, chỉ có tiếng sóng và tiếng gió du dương như đệm nhạc. Trong những buổi giao lưu văn nghệ ở đảo, thường thì chỉ có những tiết mục hát và múa. Nay bỗng dưng lính đảo được nghe đọc thơ, được “đổi món”, nên hào hứng lắm. Mà thơ lại được đọc ra bởi chính tác giả, nên truyền cảm và lắng đọng vô cùng.
Đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: TIẾN MẠNH
Trong dòng chảy chung đó, tôi cũng là người bị cuốn hút bởi bài thơ và bởi chính tác giả. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tâm sự, đây là lần đầu ông được ra thăm Trường Sa. Còn bài thơ ra đời năm 2009, trong trại sáng tác do Tổng cục Chính trị phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức. Lần đầu ra đảo mà sao viết về đảo, về Tổ quốc ngoài trùng khơi lại giàu biểu tượng, giàu suy ngẫm đến vậy. Đem thắc mắc của mình ra hỏi, ông bảo, đây không chỉ là vấn đề ngôn từ, mà còn là vốn sống. Là vốn sống thì hiển nhiên rồi. Vốn tri thức lịch sử với câu chuyện tự thuở dựng nước của cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ làm nên hình hài đất nước; với Bạch Đằng giang được nhắc đến như biểu tượng của tinh thần bất khuất và chiến thắng; với những trận thua còn khiếp đảm đến ngàn đời của lũ ngoại xâm; rồi cả vốn tri thức về địa lí, về những hòn đảo nổi, đảo chìm nơi chân mây, đầu sóng… đều được nhắc đến với tình cảm da diết, sâu nặng yêu thương. Nguyễn Việt Chiến đã sống và viết bằng cảm xúc thật với những điều lớn lao, đó là nỗi lo, nỗi đau khi đất nước đã từng bị mất đi một phần máu thịt, và giờ đây, bằng dự cảm của một nhà thơ, ông còn nhìn thấy những hiểm họa rình rập từ phía biển.
Tất cả những trăn trở, suy tư đó bỗng trở nên sâu sắc và dễ đồng cảm đến nghẹn lời khi được thể hiện bằng thơ. 10 khổ thơ là 10 câu hỏi. Bài thơ được viết theo thi pháp sóng, các khổ thơ liên kết, gối đầu lên nhau. Mỗi câu hỏi đều như xoáy vào tâm can người đọc và cứ thế đuổi nhau tới vô cùng. “Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển”, “Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa/ Đã mười lần giặc đến tự biển Đông”, “Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả”…
Ngay từ khi mới ra đời, bài thơ đã nhận được tình yêu lớn lao từ đông đảo bạn đọc. Lần đầu được in trên Báo Thanh niên điện tử, nó đã nhận được hàng chục vạn comment (bình luận). Cứ tưởng trong cuộc sống bộn bề lo toan, thơ ca ít đất sống hơn nhưng bài thơ vẫn có sức lan tỏa kỳ lạ, bởi lớp trẻ không bao giờ quay lưng lại với thi ca yêu nước. Có một câu chuyện tác giả Nguyễn Việt Chiến rất nhớ và cảm động là, một ông bố khi gửi quà từ đất liền ra đảo cho con, ông đã chép và gửi hai bài thơ, trong đó có “Tổ quốc nhìn từ biển”.
Và giờ đây, trong những tháng ngày biển Đông “dậy sóng”, bài thơ khi được Nguyễn Việt Chiến hào hùng đọc giữa Trường Sa, lính đảo như được tiếp thêm sức mạnh. Những giả định được đặt ra bỗng trở thành những khẳng định, những khẳng định đinh ninh: Bao giờ đất nước trên ba nghìn hòn đảo này chưa hết chập chờn bóng giặc thì không chỉ “mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng”, không chỉ “các con nằm thao thức phía Trường Sơn” mà lớp lớp con Lạc cháu Hồng hôm nay vẫn luôn canh cánh khắc ghi lời cha ông, quyết giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng nơi đầu sóng, để đất nước luôn mang dáng những con tàu hướng mãi khơi xa…
HẠNH PHƯƠNG