8 giờ:1 phút Thứ sáu, ngày 22 tháng 4 , 2022

Hưởng ứng Tuần lễ Sách và Văn hóa đọc trong Quân đội năm 2022

Khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho bộ đội

Những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện PK-KQ đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm khuyến khích, động viên và khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho bộ đội, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ văn hóa, thẩm mỹ, bồi dưỡng đạo đức, nhân cách cho cán bộ, giảng viên, học viên.

Khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho bộ đội
Học viên Học viện PK-KQ đọc sách tại Thư viện.

Đã thành thông lệ, cứ vào giờ nghỉ cuối tuần Thượng sĩ Nguyễn Duy Quân - Học viên Đại đội 72, Tiểu đoàn 7 lại lên Thư viện Nhà trường để đọc sách. Ngoài những cuốn sách kiến thức chuyên ngành Không quân mà anh đang theo học, Quân thường xuyên tìm đọc những cuốn sách về phát triển bản thân, về lịch sử dân tộc, truyền thống Quân đội, Quân chủng PK-KQ. Cầm trên tay tập Hồi ký “Lính Bay 2” của Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân, phi công Phạm Phú Thái, Nguyễn Duy Quân cho biết: “Trong một lần lên Thư viện đọc sách, tôi đã vô tình đọc được cuốn Hồi ký “Lính Bay 2”. Đây là một cuốn sách rất hay, miêu tả chân thực, sinh động cuộc chiến đấu của các chiến sĩ Không quân nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đọc cuốn sách, tôi đã hiểu hơn những phẩm chất tốt đẹp của người lính bay như: Tình yêu Tổ quốc, tình cảm đồng chí, đồng đội, tinh thần dũng cảm trong chiến đấu và cả sự hy sinh thầm lặng, tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi… Từ đó, tôi có thêm động lực phấn đấu trong học tập để khi ra trường về đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Với Thượng sĩ Phạm Duy Thắng - Học viên Đại đội 51, Tiểu đoàn 5, việc đọc sách không chỉ cải thiện kiến thức, sự hiểu biết mà còn rèn luyện khả năng tư duy, đức tính cẩn thận, kiên trì, đây là tố chất rất cần thiết của một người chỉ huy trong tương lai. Vì vậy, khi tìm được cuốn sách hay, Thắng thường chọn thời điểm trước khi đi ngủ tối để đọc chậm, nghiền ngẫm, từ đó hiểu sâu sắc giá trị tư tưởng mà tác giả muốn truyền đạt. Thượng sĩ Phạm Duy Thắng tâm sự: “Tôi thích nhất là cuốn sách “Cuộc đời và sự nghiệp Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Cuốn sách giúp tôi hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, trọn đời vì nước, vì dân của Đại tướng đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại trong lịch sử của dân tộc. Noi gương Đại tướng, tôi xác định sẽ học tập, rèn luyện thật tốt để góp phần xây dựng Quân đội ngày càng vững mạnh”.

Để khơi dậy và lan tỏa niềm đam mê đọc sách cho bộ đội thì vai trò của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trong việc định hướng, tổ chức phong trào, tạo điều kiện về thời gian, kinh phí là rất quan trọng. Thượng tá Trương Đức Sáng - Chính trị viên Tiểu đoàn 7 cho biết: Tiểu đoàn thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, học viên về ý nghĩa của sách, báo, những giá trị nhận được khi đọc sách để bộ đội yêu thích, chủ động tìm đọc. Bên cạnh duy trì nghiêm nền nếp, chế độ đọc báo, đơn vị còn phát huy vai trò Tổ công tác Phòng Hồ Chí Minh trong việc quản lý, theo dõi, bảo quản sách, báo. Khi có sách hay, đơn vị tổ chức cho Tổ công tác giới thiệu để tạo niềm đam mê, hứng thú cho bộ đội. Ngoài ra, để làm phong phú lượng sách, đơn vị còn phát động phong trào quyên góp, ủng hộ sách, đồng thời luân chuyển, đưa sách đến các đơn vị cho bộ đội đọc. “Chúng tôi thường xuyên định hướng để bộ đội đọc những cuốn sách hay, bổ ích, để kịp thời nắm bắt thông tin, trang bị kiến thức quân sự, chính trị, pháp luật, đời sống. Qua đó, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, không để thông tin xấu độc xâm nhập vào đơn vị, gây ảnh hưởng tới quá trình học tập, rèn luyện của học viên” - Thượng tá Trương Đức Sáng nhấn mạnh.

Bên cạnh duy trì nghiêm túc hoạt động Phòng Hồ Chí Minh, Học viện còn phát huy hiệu quả hoạt động của Thư viện để lan tỏa văn hóa đọc cho bộ đội. Đại úy QNCN Hà Thị Thi - Nhân viên Thư viện cho biết: “Hiện nay Thư viện Học viện đang quản lý khoảng 257.000 cuốn sách, 100.000 cuốn giáo khoa, giáo trình, 200.000 bản tài liệu tham khảo… với 1 phòng đọc mở, 1 phòng đọc hạn chế với 100 chỗ ngồi, 1 phòng đọc điện tử và tra cứu Internet, đáp ứng đủ nhu cầu đọc sách cho bộ đội. Công tác phục vụ bạn đọc luôn được duy trì có nền nếp theo chuẩn nghiệp vụ; hoạt động mượn - trả sách được thực hiện nghiêm túc”.

Đại tá Vũ Mạnh Hoàng - Phó Chính ủy Học viện khẳng định: Bằng nhiều chủ trương, biện pháp thiết thực, hiệu quả, phong trào đọc sách ở các cơ quan, khoa, đơn vị trong Học viện đã từng bước đi vào nền nếp, đạt được những kết quả tích cực, góp phần giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, phát triển tư duy, bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, “Người chiến sĩ PK-KQ ưu tú” trong thời kỳ mới. Năm 2021, Học viện PK-KQ tham gia Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc trong Quân đội với 12 bài dự thi, giành 1 giải nhất, 2 giải khuyến khích. Đây là tiền đề quan trọng góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, Học viện “Cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại”, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Bài, ảnh: ĐỨC LƯU, HOÀNG QUÂN
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website