9 giờ:8 phút Thứ năm, ngày 4 tháng 2 , 2021

Kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Nhà máy A34 (15-2-1966/15-2-2021)

55 năm vững bước trưởng thành

Năm 1965, cách mạng miền Nam chuyển sang thế tiến công, Bộ Quốc phòng xác định cần phải bổ sung thêm lực lượng Phòng không cho các đơn vị. Theo đó, nhiều trung đoàn Pháo cao xạ được thành lập. Để đáp ứng yêu cầu sửa chữa Pháo Phòng không, ngày 15-2-1966, Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định thành lập Xưởng sửa chữa Pháo Cao xạ mang tên A34. Nhiệm vụ của Xưởng là sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) phòng không tầm thấp, Xe-Máy đặc chủng, sản xuất ôxy, nitơ, vật tư, phụ tùng, bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị trong Quân chủng và lực lượng Phòng không toàn quân làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và chiến đấu. Sau một tháng thành lập, Xưởng đã cử một tổ đi sửa chữa cơ động tại Tuyên Quang và Thái Nguyên cho 2 đơn vị pháo cao xạ 37mm là Trung đoàn 274 và Trung đoàn 275; góp phần bắn rơi tại chỗ 1 máy bay trinh sát RB-66 của Mỹ vào ngày 29-4-1966. Đây là chiếc máy bay thứ 1.000 bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc.

55 năm vững bước trưởng thành
Đại biểu Cục Quân khí (Bộ Quốc phòng) thăm Nhà máy A34.

Đầu năm 1967, Đế quốc Mỹ mở rộng đánh phá miền Bắc làm cho VKTBKT Phòng không hư hỏng nhiều. Chấp hành mệnh lệnh của trên, tháng 4-1968, Xưởng A34 trực tiếp tổ chức một xưởng tiền phương mang phiên hiệu A50 gồm 100 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm bám sát đơn vị từ thành phố Vinh, đến ngã ba Đồng Lộc, ngã ba Giang Sơn, trực tiếp sửa chữa VKTBKT cho các đơn vị. Để đáp ứng kịp thời vũ khí, trang bị cho chiến trường, Xưởng đã nghiên cứu cải tiến pháo cao xạ có thể mang vác được như Súng máy Phòng không 14,5mm; đồng thời cùng Phòng Quân giới nghiên cứu lắp ráp thành công, đưa Pháo Cao xạ 37mm lên xe xích, Pháo Cao xạ 57mm lên xe T-54, pháo 23mm lên xe bọc thép... Các đề tài trên đã được áp dụng và đạt hiệu quả cao trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng tại chiến trường Bắc Quảng Trị. Với thành tích xuất sắc đó, ngày 22-6-1972, Xưởng A34 vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai; Phân xưởng sửa chữa Pháo được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Những ngày cuối năm 1972, Đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B-52 đánh phá vào Hà Nội và Hải Phòng; cán bộ, công nhân viên của Xưởng đã cơ động tiếp tục bảo đảm VKTBKT phục vụ chiến đấu, góp phần vào chiến công chung của quân và dân ta, làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”; đồng thời tiếp tục thực hiện nhiệm vụ sửa chữa đồng bộ VKTBKT cao xạ cho các đơn vị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Giai đoạn 1975-1999, sau nhiều lần tách, nhập Quân chủng, dẫu có nằm trong biên chế của Cục Hậu cần hay Cục Kỹ thuật, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Xưởng A34 vẫn luôn nỗ lực cố gắng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Thực hiện chủ trương sắp xếp, điều chỉnh lại lực lượng trong Quân đội; ngày 10-8-2001, Nhà máy A36 và Xưởng A34 được sáp nhập thành Nhà máy A34; đồng thời lấy ngày 15-2-1966 là ngày truyền thống của Nhà máy. Những ngày đầu sau hợp nhất, cán bộ, công nhân viên Nhà máy đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết thống nhất, phấn đấu vươn lên xây dựng Nhà máy ngày càng phát triển. Không chỉ bảo đảm sửa chữa kịp thời VKTBKT cho các đơn vị, nâng cao chất lượng sản phẩm; Nhà máy còn chú trọng, huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân viên làm chủ trang bị kỹ thuật hiện đại. Đặc biệt, Nhà máy đã tập trung khai thác VKTBKT, bổ sung hoàn thiện tài liệu công nghệ, đầu tư thiết bị, nâng cấp các dây chuyền sửa chữa VKKT, xe-máy đặc chủng; góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Từ năm 2006 đến nay, Nhà máy đã trở thành đơn vị sửa chữa VKTBKT với trang thiết bị tương đối hiện đại, công nghệ tiên tiến, đội ngũ cán bộ, công nhân viên có trình độ bậc cao ngày càng nhiều. Phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật đi vào chiều sâu, được áp dụng hiệu quả vào sản xuất sửa chữa, phục hồi VKTBKT, làm lợi cho Nhà máy hàng tỷ đồng; trong đó có nhiều đề tài được giải thưởng cấp Bộ Quốc phòng và Quân chủng.

Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển; các thế hệ cán bộ, công nhân viên của Nhà máy đã sửa chữa vừa sửa chữa lớn được hàng nghìn lượt khẩu pháo cao xạ các loại, hàng trăm lượt ra đa K8-60, máy chỉ huy K59-03, sửa chữa lớn được 29 tổ hợp pháo phòng không tự hành Zcy-23-4, hàng trăm xe-máy đặc chủng và máy công cụ các loại; sản xuất hàng nghìn chi tiết cơ khí, hàng vạn bình ôxy, ni-tơ và nhiều sản phẩm quốc phòng khác phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của các đơn vị. Những năm gần đây, Nhà máy đã thực hiện 3 dự án đầu tư nâng cao năng lực sửa chữa VKTBKT với hàng trăm các thiết bị công nghệ. Do vậy, Nhà máy đã thực hiện chuyển đổi từ sửa chữa thực trạng, sửa chữa vừa sang sửa chữa lớn các trang bị. Đặc biệt, Nhà máy đã được Bộ Quốc phòng công nhận chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 áp dụng trong sản xuất, sửa chữa VKTBKT. Cùng với đó, đã duy trì và thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các đợt thi đua của các ngành, các cấp. Hằng năm, Nhà máy đều đạt “Đơn vị an toàn”, “Đơn vị dân vận tốt”. Các năm 2010, 2014, 2015, Đảng bộ Nhà máy đạt trong sạch vững mạnh và được Đảng ủy Quân chủng tặng bằng khen 3 năm (2008-2010); năm 2010, 2014, 2020 được Quân chủng tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”; năm 2015, 2016 được Tư lệnh Quân chủng tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua khối các Nhà máy quốc phòng.

Đại tá PHẠM MINH CHƯƠNG - Chính ủy Nhà máy A34
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website