Ký ức đẹp về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thuở thiếu thời, cũng như những người bạn cùng trang lứa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là thần tượng của tôi. Khi lớn lên và bước chân vào con đường binh nghiệp, tôi cũng như những đồng đội của mình luôn ước mơ sẽ có một ngày được gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp cùng vị tướng tài ba của dân tộc. Và rồi dịp may ấy cũng tới.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về thăm chiến trường Điện Biên
bằng trực thăng, năm 2004. Ảnh: HOÀI TRUNGNăm 1997, Sư đoàn 371 nơi tôi công tác trước đây Kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống, chúng tôi được mời về dự buổi gặp mặt. Hôm đó, tuy đã bước vào Thu nhưng tiết trời còn khá nắng, nóng. Khi đến vị trí đón tiếp khách của Sư đoàn, thật bất ngờ tôi vinh dự được nhìn thấy Đại tướng tại phòng khách. Ông mặc bộ quân phục dạ, mái tóc bạc phơ nhưng da dẻ hồng hào, vầng trán rộng, đôi mắt sáng, toàn khuôn mặt toát lên vẻ hiền từ, gần gũi. Tuy tuổi đã cao, song dáng điệu của Đại tướngi vẫn rất hoạt bát. Đại tướng bắt tay từng người đến chào. Khi đi cùng mọi người lên viếng Tượng đài Không Quân, đoạn đường từ chân đồi lên đến khu Tượng đài khá cao, trời thì nắng nóng nhưng ai cũng hăm hở tháp tùng Đại tướng. Đại tướng bước những bước chầm chậm nhưng chắc chắn, ai cũng muốn đi gần để ngắm nhìn vị Tổng Tư lệnh đáng kính mà trước đây chỉ được biết đến tài năng và đức độ qua những trang sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng. Các phóng viên và nhiều cựu chiến binh mang theo máy ảnh liên tục xin phép được ghi lại những khoảnh khắc quý giá này, Đại tướng vẫn vui vẻ chụp ảnh với từng người. Đi được nửa đoạn đường, mọi người liền dừng chân ở chỗ nghỉ rộng rãi, Đại tướng dừng lại chờ mọi người tập chung đông đủ để chụp một kiểu ảnh tập thể… Những dấu ấn, những kỷ niệm tuyệt vời đó suốt đời tôi không thể quên.
Lần thứ 2, cũng trong năm ấy, một hôm tôi được đồng chí Chánh Văn phòng Quân chủng gọi lên giao nhiệm vụ: Chuẩn bị đón Đại tướng về làm việc tại Quân chủng một thời gian, công tác phục vụ Đại tướng được Bộ Tư lệnh giao cho Trạm khách, yêu cầu đơn vị phải đảm bảo an toàn về mọi mặt. Với tôi và các đồng nghiệp của mình thì đây không chỉ là nhiệm vụ mà là một niềm vinh dự lớn lao.
Sau khi nhận lệnh, tôi nhanh chóng về họp bộ phận và triển khai thực hiện nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo thường xuyên của cấp trên. Căn phòng được chọn phục vụ Đại tướng là phòng đôi, một bên làm phòng nghỉ, một bên là nơi làm việc, trong đó được bố trí một bộ bàn nước, một bàn làm việc, một chiếc tủ lạnh, một chiếc giường đôi, bộ ấm chén, chăn đệm giản dị... Tôi triển khai từng chi tiết công việc, đặc biệt là quán triệt việc đảm bảo sinh hoạt hàng ngày của Đại tướng sao cho an toàn và thoải mái nhất. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhưng cũng là niềm vinh dự và tự hào của chúng tôi. Khi mọi công việc đã hoàn tất, cấp trên kiểm tra cho ý kiến xong, chúng tôi hồi hộp chờ đợi từng ngày, ai cũng mong sớm được đón tiếp và phục vụ Đại tướng. Trong thời gian chờ đợi, hàng ngày chúng tôi kiểm tra căn phòng, tổ chức sắp xếp vệ sinh cho sạch sẽ và ngăn nắp. Nhiều đêm đến phiên trực, tôi đi kiểm tra dọc hành lang, đến gần căn phòng, một cảm giác hồi hộp lâng lâng dâng trào.
Từ dạo ấy, căn phòng đó được anh chị em chúng tôi trìu mến gọi bằng cái tên “Phòng bác Giáp” nhưng thật tiếc là niềm mong đợi của tôi và anh chị em đã không thành, chờ đợi mãi khoảng mấy tháng sau mới được trên thông báo kế hoạch đã thay đổi, cảm giác tiếc nối, hụt hẫng còn theo chúng tôi mãi. Căn phòng mà chúng tôi vẫn gọi là “Phòng bác Giáp” hàng ngày vẫn được dọn dẹp và sắp xếp chu đáo. Và phải gần một năm sau mới được đưa vào sử dụng việc khác.
Năm 2013, khi Đại tướng mất, nghe tin cũng giống như bất cứ người dân Việt Nam nào, tôi thấy lòng đau đớn như vừa mất đi người thân yêu, ruột thịt. Các đồng chí, anh em trong chi hội CCB tổ chức đi viếng Đại tướng tại nhà riêng, nhìn dòng người đủ các lứa tuổi, thành phần xếp hàng dài dưới nắng nóng trên các tuyến phố dẫn vào nhà Đại tướng nhưng rất ngay ngắn, trật tự, khuôn mặt ai cũng vương những giọt nước mắt ướt nhòe trên mi. Chúng tôi hiểu rằng mọi tầng lớp nhân dân đã dành chọn tình cảm vô cùng đặc biệt cho Đại tướng. Công lao, tài năng và đức độ của Đại tướng đã và sẽ sống mãi trong lòng con dân đất Việt. Người mãi mãi là “Đại tướng của Nhân dân”.
TRẦN HUY TOẠI