13 giờ:44 phút Thứ sáu, ngày 23 tháng 6 , 2023

Bước phát triển lớn mạnh của Bộ đội Phòng không

Ngày 1-4-1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký quyết định số 06/QĐ thành lập Trung đoàn Pháo cao xạ 367. Theo quyết định, Trung đoàn được biên chế 6 tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm mang các phiên hiệu 381, 383, 385, 392, 394, 396, mỗi tiểu đoàn có 3 đại đội gồm 12 khẩu pháo 37mm và 1 đại đội súng máy cao xạ gồm 12 khẩu 12,7mm; 1 tiểu đoàn lái xe kéo pháo chở súng máy 12,7mm, xe vận tải và thợ sửa chữa; 3 ban tham mưu, chính trị, cung cấp.

Bước phát triển lớn mạnh của Bộ đội Phòng không
Ngày 14-3-1954, Đại đội 815, Tiểu đoàn 383 bắn rơi 1 máy bay Moran
mở đầu những chiến công của Trung đoàn 367 ở Điện Biên Phủ.
Ảnh tư liệu

Đánh giá sự kiện lịch sử trọng đại này, ngày 10-6-1953, trong thư gửi Trung đoàn 367, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “…Trong hoàn cảnh một nước, một quân đội chưa có không quân thì Binh chủng Pháo cao xạ lại càng rất quan trọng. Trung đoàn 367 là một trong những đơn vị có trang bị tương đối hiện đại đầu tiên của Quân đội ta, sẽ làm cơ sở và nòng cốt cho việc phát triển lực lượng phòng không to lớn sau này. Sự ra đời của Bộ đội Pháo cao xạ đánh dấu một bước trưởng thành của Quân đội ta trên con đường tiến lên chính quy, hiện đại…”.

Ngày 15-4-1953, tại khu rừng thuộc xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, được sự ủy nhiệm của trên, đồng chí Ngô Từ Vân công bố quyết định thành lập Trung đoàn Pháo cao xạ 367. Lớp cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của trung đoàn gồm 2.700 đồng chí, trong đó có 350 đảng viên.

Ngày 17-4-1953, Trung đoàn chia thành nhiều khối, bí mật hành quân bộ lên Đồng Đăng rồi sang Bằng Tường (Trung Quốc). Tiểu đoàn học lái xe và thợ sửa chữa mang phiên hiệu 690, gồm 690 người, do đồng chí Phạm Duy Lâm phụ trách, hành quân đến học ở Trường Tiến Bộ thuộc tỉnh Nam Ninh. Các tiểu đoàn học về pháo cao xạ hành quân đến Tân Dương. Tiếp đó, Trung đoàn tổ chức tiếp nhận 72 khẩu pháo cao xạ 37mm, 72 khẩu súng máy cao xạ 12,7mm và một số khí tài, xe, máy do Liên Xô viện trợ. Tất cả các vũ khí phòng không này được biên chế về các đại đội hỏa lực, mỗi đại đội pháo cao xạ có 4 khẩu, đại đội súng máy phòng không có 12 khẩu.

Sáng 21-12-1953, tại cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ cho Trung đoàn Pháo cao xạ 367 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, nằm trong đội hình chiến đấu của Đại đoàn công pháo 351. Chấp hành nhiệm vụ được giao, Trung đoàn nhanh chóng quán triệt nhiệm vụ, tổ chức cho 2 Tiểu đoàn 383 và 394 hành quân về nước chiến đấu. Trong đợt 1 chiến dịch, Trung đoàn 367 đã bắn rơi 14 máy bay địch các loại, bắn bị thương 25 chiếc khác. Đến cuối tháng 3-1954, trước khi mở màn đợt hai Chiến dịch, toàn bộ lực lượng của Trung đoàn Pháo cao xạ 367 bao gồm 6 tiểu đoàn hỏa lực đã có mặt ở chiến trường Điện Biên Phủ.

Qua 55 ngày đêm chiến đấu mưu trí, kiên cường, Trung đoàn Pháo cao xạ 367, đơn vị nòng cốt của lực lượng phòng không chiến dịch bắn rơi 52 máy bay, gồm 9 kiểu loại, bắn bị thương 117 chiếc khác. Do lập được nhiều chiến công xuất sắc, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Nhì, 25 Huân chương Quân công hạng Ba, 27 Huân chương Chiến công hạng Nhất (cho các đơn vị), 200 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương Chiến công các loại. Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện dũng cảm hi sinh thân mình cứu pháo được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Sau này, đến năm 2014, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, Bộ Chính trị ra nghị quyết đề ra nhiệm vụ trước mắt là củng cố, bảo vệ Miền Bắc, đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở Miền Nam tiến tới thực hiện thống nhất đất nước. Quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh thống nhất chủ trương tiếp tục phát triển các quân binh chủng, trong đó có lực lượng phòng không đáp ứng tình hình nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Ngày 12-9-1954, Bộ Tổng Tư lệnh ra Nghị định số 34/NĐA, thành lập Đại đoàn pháo cao xạ hỗn hợp mang phiên hiệu 367, trực thuộc Bộ chỉ huy Pháo binh. Đại đoàn được biên chế 3 trung đoàn 681, 685, 689, mỗi trung đoàn có 2 tiểu đoàn trung cao 88mm và từ 1 đến 2 tiểu đoàn pháo tiểu cao 40mm. Theo quyết định của Bộ Tổng Tham mưu, các trung đoàn 681, 685, 689 được gọi là các tiểu đoàn 12,13,14.

Từ Trung đoàn Pháo cao xạ 367 và một số tiểu đoàn pháo, súng máy cao xạ thuộc các đại đoàn bộ binh, Quân đội ta đã xây dựng thành Đại đoàn Pháo cao xạ hỗn hợp có khả năng bảo vệ yếu địa và cơ động chiến đấu, bảo vệ Miền Bắc. Đại đoàn 367 còn được trang bị các loại pháo mới, có khí tài ra đa, máy chỉ huy hiện đại, đồng bộ. So với Pháo cao xạ 37mm, những loại vũ khí này có tính năng kỹ thuật, chiến thuật tốt hơn, khả năng bắn cao và xa hơn với những phương pháp xạ kích hiện đại hơn. Đây là bước phát triển mới về tổ chức và trang bị kỹ thuật của Bộ đội Phòng không.

CÔNG GIANG (Tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website