Công tác kỹ thuật trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972
Bám sát chủ trương lấy đánh máy bay B-52 là trọng tâm, sử dụng tên lửa là chủ công, ngành Kỹ thuật Quân chủng đã vượt mọi khó khăn, gian khổ; tổ chức triển khai bảo đảm toàn diện công tác kỹ thuật cho các lực lượng tác chiến; góp phần quan trọng vào Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không, chủ yếu bằng B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng cuối tháng 12-1972 là một thử thách lớn đối với Bộ đội PK-KQ; trong đó, công tác bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) giữ vai trò hết sức quan trọng. Đây là một nhiệm vụ nặng nề và phức tạp. Cùng một lúc, Quân chủng phải tổ chức BĐKT cho nhiều lực lượng với nhiều chủng loại VKTBKT, cộng thêm địa bàn tác chiến rộng, kinh nghiệm về BĐKT cho tác chiến tập trung thiếu; lượng dự trữ các loại vật tư, TBKT của Quân chủng có hạn, nhất là vật tư khí tài, đạn tên lửa… Thêm vào đó, thời điểm này, một bộ phận không nhỏ cán bộ và nhân viên kỹ thuật cùng với số lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) đang phải huy động bảo đảm cho các lực lượng làm nhiệm vụ tác chiến ở phía Nam.
Bảo dưỡng khí tài trước trận đánh. Ảnh tư liệu
Trước thực trạng đó, ngành Kỹ thuật Quân chủng đã tập trung kiện toàn lực lượng kỹ thuật các cấp, ưu tiên cho các trung đoàn, tiểu đoàn hỏa lực. Quân chủng đã điều chỉnh, bố trí lại đội hình các tiểu đoàn Kỹ thuật và hệ thống kho tàng, trạm, xưởng ở khu vực phía Bắc, nhất là xung quanh Hà Nội, Hải Phòng; đồng thời bổ sung đạn dược, vật tư, khí tài, tăng cường lượng dự trữ ở các cấp, các khu vực, tạo các tuyến dự trữ khí tài, vật tư kỹ thuật vừa có trọng điểm, vừa có chiều sâu.
Ngoài việc tập trung bảo dưỡng, sửa chữa, hiệu chỉnh, đồng bộ lại VKTBKT của các đơn vị; ngành Kỹ thuật còn chủ động thành lập các đội BĐKT cơ động mạnh ở tất cả các cấp, nhằm sẵn sàng bảo đảm cho chiến đấu. Nhờ triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung và động viên mọi lực lượng cùng tham gia, nên công tác chuẩn bị kỹ thuật cho Chiến dịch tiến hành đúng hướng, đạt hiệu quả cao. Trước khi bước vào Chiến dịch, hệ số kỹ thuật của VKTBKT được nâng lên gần 100%. Kết quả đó đã tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị bước vào chiến đấu trong suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972.
Để bảo đảm đạn tên lửa và BĐKT cho khí tài duy trì khả năng chiến đấu liên tục với cường độ cao; bên cạnh việc chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, Quân chủng đã tập trung tối đa mọi khả năng để BĐKT cho nhiệm vụ chủ yếu, trang bị chủ yếu và các trận đánh then chốt. Để giải quyết tình trạng thiếu đạn tên lửa, ngành Kỹ thuật Quân chủng đã tập trung đẩy nhanh tốc độ lắp ráp, kiểm tra, vận chuyển bổ sung đạn tên lửa ở các tuyến. Mặt khác, linh hoạt điều chuyển đạn tên lửa giữa các khu vực, các đơn vị để đáp ứng kịp thời cho chiến đấu. Thêm vào đó, Quân chủng còn chủ động điều chuyển một lượng lớn đạn tên lửa của Sư đoàn 365 đang làm nhiệm vụ ở Khu 4 ra bổ sung cho Hà Nội. Đây là việc làm sáng tạo, có hiệu quả, góp phần giải quyết triệt để sự mất cân đối trong bảo đảm đạn tên lửa cho các đơn vị ở trọng điểm Hà Nội.
Do phải chiến đấu liên tục với cường độ cao, địch đánh phá ác liệt, nên vũ khí, khí tài của các đơn vị bị hư hỏng nhiều; trong khi đó, lực lượng kỹ thuật của Quân chủng có hạn. Để giải quyết vấn đề này, ngành Kỹ thuật đã kết hợp linh hoạt giữa BĐKT tại chỗ với bảo đảm cơ động; bảo đảm theo phân cấp với bảo đảm vượt cấp; lấy bảo đảm tại chỗ là chủ yếu. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa sửa chữa, dồn lắp, khôi phục với sử dụng VKTBKT dự trữ để thay thế…
Cùng với bảo đảm cho các lực lượng phòng không, ngành Kỹ thuật đã chủ động quan tâm bảo đảm kỹ thuật cho máy bay của không quân huấn luyện, chiến đấu. Trong suốt chiến dịch, các sân bay luôn là mục tiêu B-52 đánh phá ác liệt nhằm ngăn chặn không quân ta cất, hạ cánh. Mặc dù bị đánh phá, song lực lượng kỹ thuật vẫn phải thường xuyên bám sát các sân bay, tranh thủ sửa chữa máy bay cho phi công luyện tập thành thạo động tác chuẩn bị tái xuất kích. Công tác kỹ thuật đã bảo đảm cho máy bay ta xuất kích đánh hàng chục trận, bắn rơi 6 máy bay Mỹ gồm 3 máy bay F-4, 1 máy bay A3.J và 2 chiếc B-52.
Trong 12 ngày đêm của Chiến dịch, ngành Kỹ thuật Quân chủng đã phát huy tốt vai trò xung kích, thường xuyên bám đơn vị, bám trận địa, kịp thời sửa chữa tại chỗ hầu hết các hỏng hóc thông thường. Lực lượng sửa chữa cơ động cũng bảo đảm tốt cho các khu vực trọng điểm, các đơn vị có VKTBKT hư hỏng vừa và nặng, theo hướng tập trung. Nhờ vậy, đã nâng cao tốc độ bảo đảm, giải phóng nhanh vũ khí, khí tài bị hư hỏng, kịp thời đưa đơn vị vào trạng thái SSCĐ, đáp ứng yêu cầu tác chiến.
QUỲNH VÂN