Đẩy mạnh thực hiện "Gắn nhà trường với đơn vị" trong quá trình giáo dục-đào tạo ở Học viện PK-KQ
Là trung tâm giáo dục - đào tạo cán bộ các chuyên ngành phòng không, không quân cho Quân chủng PK-KQ, Quân đội, các nước bạn Lào, Campuchia và nghiên cứu khoa học; tổng kết năm học 2015-2016, Học viện PK-KQ là một trong năm nhà trường của Quân đội được Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) khen thưởng. Đây là thành tích rất đáng tự hào của Học viện trong quá trình xây dựng Học viện PK-KQ “Cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại”. Đạt được kết quả đó, Học viện đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó quan trọng nhất là đã thực hiện ngày càng tốt hơn quan điểm “Gắn nhà trường với đơn vị” trong quá trình GD-ĐT.
Để phát huy tốt kết quả đã đạt được, trong Nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy, chỉ thị, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017 của Học viện cũng như các phòng, khoa, đơn vị đều tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 29 tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, với yêu cầu đạt chuẩn đầu ra cho các đối tượng đào tạo gắn với chức trách nhiệm vụ được giao sau khi tốt nghiệp theo bậc đào tạo.
Giờ học thực hành của học viên đào tạo Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật
cấp phân đội chuyên ngành Ra đa.Đây là yêu cầu nhiệm vụ Học viện xác định phải phấn đấu kiên trì, lâu dài, nhưng tiến hành phải kiên quyết, mạnh mẽ. Trong năm học 2016-2017, Học viện tiếp tục xây dựng mới và điều chỉnh, chuẩn hóa chương trình khung, chương trình đào tạo phù hợp với đối tượng đào tạo, nâng cao năng lực đảm nhiệm chức vụ ban đầu khi tốt nghiệp ra trường cho người học. Đồng thời, tập trung rà soát chương trình đào tạo đảm bảo tính liên thông và không trùng lặp kiến thức giữa các bậc đào tạo; không trùng lặp nội dung giữa các bộ môn, khoa đào tạo nhất là về kiến thức chuyên môn trong cùng một bậc đào tạo. Cùng với đó, Học viên đã cập nhật nội dung mới trong sự phát triển của lực lượng phòng không, không quân về vũ khí trang bị, đối tượng tác chiến, sự phát triển của nghệ thuật tác chiến phòng không, không quân.
Trong giảng dạy, Học viện kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện cơ bản với huấn luyện chuyên sâu theo chuyên ngành đào tạo; giữa huấn luyện lý thuyết với rèn kỹ năng thực hành; giữa lý luận với thực tiễn đa dạng, phức tạp; gắn giảng dạy lý luận cơ bản với truyền thụ những kinh nghiệm chiến đấu và thực tiễn tổ chức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị.
Học viện thường xuyên chăm lo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn giỏi, kinh nghiệm thực tiễn phong phú; tổ chức cho giảng viên đi học tập, nghiên cứu thực tế, đi dự nhiệm ở đơn vị để nắm bắt kịp thời những yêu cầu, đòi hỏi mới của đơn vị đối với công tác GD-ĐT. Qua đó, giúp cho Học viện cập nhật những vấn đề mới vào nội dung giảng dạy. Bên cạnh đó, Học viện cũng mời các cán bộ trung (lữ), sư đoàn có chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn tham gia quá trình đào tạo (thỉnh giảng, giám khảo thi, tham gia đạo diễn diễn tập).
Mặt khác, Học viện không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng thực tập, diễn tập, thi tốt nghiệp cuối khoá. Theo đó, học viên đào tạo dài hạn Sĩ quan Chỉ huy tham mưu cấp phân đội phòng không, không quân và kỹ sư hàng không được thực tập cuối khoá 2 tháng ở các đơn vị chiến đấu và các nhà máy; học viên đào tạo Sĩ quan Chỉ huy tham mưu chiến thuật-chiến dịch được thực tập 1 tháng ở các trung đoàn phòng không, không quân. Thực hiện việc xây dựng kế hoạch và bảo vệ quyết tâm chiến đấu trên bản đồ kỹ thuật số đối với học viên đối tượng cán bộ trung (lữ), sư đoàn trưởng. Học viện cũng sắp xếp để một cuộc diễn tập, học viên được thực hiện nhiều nội dung, nhiều bước, mỗi vai có nhiều học viên tham gia (ở các bước khác nhau), đặc biệt là vai trung (lữ) đoàn trưởng phòng không, không quân; tổ chức học tập, thi kiểm tra đánh giá chất lượng tại các đơn vị có vũ khí trang bị mới, cải tiến mà Học viện chưa được trang bị (học viên phân đội tên lửa C125-2TM).
Bên cạnh đó, Học viện coi trọng việc rút kinh nghiệm huấn luyện với các đơn vị chiến đấu, nhà máy trong Quân chủng PK-KQ và toàn quân. Qua rút kinh nghiệm, nhà trường nắm được tình hình học viên ra trường thông qua nhận xét, đánh giá của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị như: Thực hiện chức trách được giao; năng lực hoàn thành nhiệm vụ; phẩm chất đạo đức; ý thức tổ chức kỷ luật... Trên cơ sở đó, nhà trường phát hiện được những hạn chế và kịp thời hoàn thiện, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo để tăng cường rèn luyện nâng cao bản lĩnh, năng lực lãnh đạo chỉ huy, tổ chức huấn luyện và SSCĐ, phù hợp với yêu cầu thực tế của đơn vị.
Ngoài ra, Học viện còn chú trọng tăng cường duy trì, quản lý, rèn luyện về lễ tiết tác phong quân nhân; khả năng thực hiện điều lệnh và công tác tổ chức quản lý, huấn luyện, rèn luyện bộ đội theo yêu cầu xây dựng đơn vị VMTD; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng vào giảng dạy vũ khí trang bị kỹ thuật mới, cải tiến; bổ sung kịp thời những vấn đề mới của khoa học quân sự hiện đại và thực tiễn ở các đơn vị.
Lịch sử hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Học viện PK-KQ cho thấy sự kết hợp giữa GD-ĐT với thực tiễn SSCĐ và chiến đấu, thực hiện nhà trường gắn với đơn vị là một truyền thống quý báu của Học viện. Truyền thống đó sẽ tiếp tục được kế thừa và phát triển trong giai đoạn cách mạng mới để không ngừng nâng cao chất lượng GD-ĐT, tạo nguồn lực cán bộ có chất lượng cao cho Quân đội và Quân chủng PK-KQ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong tình hình hiện nay.
Đại tá, TS HÀ XUÂN TRƯỜNG - Giám đốc Học viện PK-KQ