Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên ở đơn vị
Bài cuối: Nâng cao kỹ năng thuyết trình trước công chúng
Để có một buổi tuyên truyền miệng hiệu quả thì bên cạnh việc chuẩn bị tốt đề cương tuyên truyền, người báo cáo viên (BCV), tuyên truyền viên còn phải có kỹ năng, phương pháp nói chuyện trước công chúng. Một bài tuyên truyền miệng có nội dung mới, thiết thực, mang tính thời sự, được trình bày theo lOgic chặt chẽ, ngôn ngữ chính xác, phổ thông và có tính biểu cảm thì sẽ thu hút được sự quan tâm của bộ đội và nhân dân.
Phần thi thực hành nội dung tuyên truyền của thí sinh tại Học viện PK-KQ.Trao đổi về kỹ năng thuyết trình với các thí sinh tại Hội thi BCV giỏi các đơn vị, Đại tá Hoàng Văn Lâu - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng đánh giá cao sự nỗ lực tìm tòi tài liệu cũng như phương pháp thuyết trình của đội ngũ BCV; đồng thời cũng chỉ ra nguyên nhân hạn chế trong trình bày bài nói là do thí sinh chọn chủ đề rộng, hoặc do nắm nội dung chưa chắc, hay do chưa thoát ly được đề cương nên phần thực hành tuyên truyền của một số thí sinh trình bày giống như đang giảng bài chính trị. Đồng chí Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng lưu ý: Bộ đội và nhân dân đến nghe BCV, cán bộ tuyên truyền nói chuyện luôn mong muốn được lĩnh hội những thông tin mới. Do đó, BCV phải biết cập nhật nhiều thông tin mới vào bài nói, phải tăng sức hấp dẫn của buổi nói chuyện bằng cách trình bày độc đáo, nếu bài nói có nhiều số liệu thì phải làm cho con số biết nói và cuối cùng là phải cố gắng thoát ly đề cương.
Một bài tuyên truyền, với cùng một nội dung thông tin, nhưng người nói biết sử dụng cách tiếp cận, trình bày mới lạ, cách đặt câu, sử dụng từ độc đáo, khác biệt, ít người hoặc chưa ai dùng thì sẽ tạo ra sự hấp dẫn, thu hút sự chú ý, hứng khởi của người nghe. Tham gia Hội thi BCV giỏi Học viện PK-KQ, với chuyên đề “Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”; Đại tá Nguyễn Quang Hưng - Chính trị viên Hệ 1 trình bày bài nói với phong thái tự tin, ngôn ngữ mạch lạc, rõ ràng, giọng điệu phù hợp, vừa nói vừa bao quát, giao lưu với mọi người, qua đó gây ấn tượng, tạo được sự thân thiện với người nghe. Đại tá Nguyễn Quang Hưng chia sẻ kinh nghiệm: “Ưu thế đặc trưng của người BCV là có thể sử dụng kênh phi ngôn ngữ gồm tư thế, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười, thái độ, hành vi… khi trình bày bài nói. Điều đó đòi hỏi người BCV phải nắm chắc đề cương, tích cực trau dồi, rèn luyện bản lĩnh sân khấu, chuẩn bị kỹ về trang phục, tư thế, tác phong, tâm thế, tinh thần trước khi nói. Trong khi nói, phải sử dụng từ ngữ chính xác, phổ thông, không quá nhanh hoặc quá chậm; mà phải nói có ngữ điệu… để cuốn hút người nghe. Đồng thời, phải bao quát hội trường, giao lưu để nắm bắt sự phản ứng của người nghe, từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp trình bày cho phù hợp”.
Tại Hội thi BCV giỏi Sư đoàn 371, Thượng tá Phạm Đức Hinh - Chính ủy Trung đoàn 927 chọn chuyên đề “Tình hình vi phạm kỷ luật, pháp luật, tội phạm hình sự; tình hình tự tử, tự sát có liên quan đến Quân đội; nguyên nhân và các giải pháp phòng ngừa”. Do vậy, bài tuyên truyền của anh phải sử dụng nhiều số liệu làm luận cứ để chứng minh cho các luận điểm. Điều này có thể sẽ dẫn đến sự khô khan trong bài nói nếu như anh không có sự sáng tạo trong thể hiện các con số. Thượng tá Phạm Đức Hinh chia sẻ: “Sử dụng số liệu thực tế, con số sao cho người nghe dễ hiểu, không choáng ngợp bởi hàng dãy biểu bảng, hàng trang con số dài dòng là điều rất khó. Bởi vậy, trong bài nói của mình, tôi luôn cố gắng để làm tròn số cho dễ nhớ, dễ trình bày; đổi những con số thành hình ảnh để người nghe có thể hình dung dễ dàng, tìm ra trong dãy số các con số ấn tượng nhất và so sánh chúng với những con số khác để làm tăng ý nghĩa kinh tế, chính trị, tư tưởng và xã hội của chúng”.
Để một buổi tuyên truyền miệng đạt hiệu quả, bên cạnh việc tăng hàm lượng thông tin, xử lý tốt số liệu và có cách trình bày độc đáo, phân bổ thời gian bài nói hợp lý thì người báo cáo viên còn phải biết kết hợp tốt giữa đề cương tuyên truyền với sử dụng trình chiếu và các phương tiện trực quan. Thượng tá Lã Xuân Khu - Chính ủy Trung đoàn 240, Sư đoàn 363, chia sẻ: “Hiện nay công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão, cùng với việc chuẩn bị tốt đề cương tuyên truyền, rèn luyện kỹ năng truyền đạt hấp dẫn trước công chúng thì công tác tuyên truyền miệng cần được hỗ trợ thêm từ máy chiếu đa năng và phương tiện trực quan như bảng viết, video clip, sơ đồ, bản đồ, biểu bảng, hiện vật, mẫu vật, sa bàn, tranh ảnh, đồ họa… Việc ứng dụng công nghệ và sử dụng phương tiện trực quan để minh họa cho bài nói sẽ góp phần tăng sự hấp dẫn của buổi nói chuyện”.
Từ kết quả Hội thi BCV giỏi cấp cơ sở, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên quan tâm, duy trì nghiêm nền nếp công tác tuyên truyền miệng và hoạt động BCV. Đội ngũ BCV cần tích cực rèn luyện kỹ năng, tác phong, bản lĩnh trong thực hiện nhiệm vụ; không ngừng học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, đặc biệt là trình độ khai thác, sử dụng công nghệ thông tin để tiếp cận có hiệu quả các phương pháp tuyên truyền trực quan. Thông qua công tác tuyên truyền miệng và hoạt động BCV góp phần nâng cao nhận thức, tư tưởng, hành động cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn Quân chủng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
THÀNH TRUNG, ĐỨC LƯU