7 giờ:12 phút Thứ hai, ngày 5 tháng 7 , 2021

Công nghiệp quốc phòng tạo bước đột phá trong quản lý, bảo vệ vùng trời quốc gia

Những năm qua, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư xây dựng tiến thẳng lên hiện đại; được trang bị nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) tiên tiến, trong đó có những loại do ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) nghiên cứu, phát triển. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí, Phó tư lệnh Quân chủng PK-KQ có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân xoay quanh vấn đề này.

 Những bước đi đúng hướng, hiệu quả

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, thời gian qua, Quân chủng PK-KQ đã được trang bị một số loại VKTBKT hiện đại nhờ sự nỗ lực của ngành CNQP Việt Nam. Đồng chí có thể chia sẻ về nội dung này?

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí: Những năm qua, dưới sự chỉ đạo và quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân chủng PK-KQ đã tích cực phối hợp với các đơn vị CNQP triển khai nhiều dự án nghiên cứu, qua đó sản xuất được các loại VKTBKT mới, hiện đại, nổi bật như: Radar cảnh giới tầm trung RV-01, RV-02; nhiên liệu tên lửa phòng không; các loại máy bay không người lái; hệ thống radar cảnh giới VRS-2DM; cải tiến, nâng cấp các loại tên lửa; cải tiến theo hướng đánh đêm tự động và bán tự động cho pháo phòng không; đặc biệt đã nghiên cứu xây dựng, triển khai hệ thống tự động hóa cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia (hệ thống VQ)...

Công nghiệp quốc phòng tạo bước đột phá trong quản lý, bảo vệ vùng trời quốc gia
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí. 

PV: Đồng chí vừa gắn cụm từ “đặc biệt” cho hệ thống VQ. Vậy, sự đặc biệt đó được thể hiện như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí: Trước hết, cần phải nói đến đặc điểm của công tác quản lý, bảo vệ vùng trời nước ta. Kể từ khi Việt Nam hội nhập quốc tế đến nay, ngành hàng không liên tục phát triển, khiến mật độ các chuyến bay trên vùng trời nước ta ngày càng tăng, hiện có hơn 4.000 chuyến bay/ngày. Ngoài ra, còn có hoạt động bay không có trong kế hoạch, dự báo bay của không quân các nước, nhất là trên khu vực Biển Đông và vùng trời tiếp giáp. Do vậy, nếu thực hiện theo cách truyền thống sẽ dẫn đến thông tin tình báo trên không bị chậm đáng kể, không còn nhiều ý nghĩa cho việc quản lý, điều hành bay; đặc biệt khi có máy bay lạ đột nhập vào vùng trời nước ta sẽ làm lỡ thời cơ hạ lệnh cho các lực lượng chuyển cấp làm nhiệm vụ tác chiến.

Trước thực tế đó, năm 1998, Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng hệ thống VQ. Trên cơ sở đó, Bộ Quốc phòng giao Quân chủng PK-KQ phối hợp với Viettel xây dựng, phát triển hệ thống này, với hai giai đoạn chính: Giai đoạn 1 nghiên cứu xây dựng, triển khai một hệ thống tự động hóa, thực hiện chức năng cảnh giới vùng trời quốc gia; giai đoạn 2 nghiên cứu xây dựng, phát triển hệ thống tự động hóa chỉ huy, điều hành tác chiến PK-KQ hiện đại, để thực hiện chức năng bảo vệ vùng trời quốc gia.

PV: Đến nay, kết quả đạt được cũng như tác dụng của hệ thống VQ như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí: Sau một thời gian quyết tâm, kiên trì thực hiện, giai đoạn 1 đã hoàn thành. Nhờ đó, Quân chủng PK-KQ được trang bị một hệ thống tự động hóa tương đối đầy đủ, hiện đại trong lĩnh vực cảnh giới và quản lý vùng trời quốc gia; đánh dấu bước chuyển đổi mới, căn bản, mang tính đột phá về phương thức thu thập, xử lý, thông báo, báo động tình hình trên không cho tác chiến PK-KQ.

Thông tin về tình hình trên không được quản lý, thông báo đầy đủ, kịp thời, chính xác, tin cậy và gần như tức thời; quản lý đồng thời số lượng mục tiêu lớn, mật độ cao... Đối với giai đoạn 2, đã nghiên cứu xây dựng, phát triển hệ thống tự động hóa chỉ huy, điều hành tác chiến PK-KQ cơ bản, để triển khai các sở chỉ huy tự động hóa cố định và tiếp đó là tự động hóa cơ động theo tổ chức chiến đấu và VKTBKT. Hiện, quá trình nghiên cứu, phát triển hệ thống này đang được thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng tốt.

Việc đưa hệ thống VQ vào trang bị không chỉ đánh dấu bước phát triển mới của CNQP Việt Nam mà còn tạo bước đột phá quan trọng trong quản lý, bảo vệ vùng trời quốc gia. Hệ thống giúp người chỉ huy nắm bức tranh toàn cảnh hệ thống khí tài chiến đấu ở đơn vị; tự động tính toán hiểm họa với các mục tiêu; ghi, lưu, tái hiện bức tranh tình huống trên không; hỗ trợ một phần lệnh tự động hóa tác chiến PK, KQ... Việc đưa hệ thống VQ vào trang bị trên diện rộng nhằm bảo đảm cho Tổ quốc không bị bất ngờ vì các tình huống trên không, đồng thời nâng cao chất lượng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của bộ đội PK-KQ.

Công nghiệp quốc phòng tạo bước đột phá trong quản lý, bảo vệ vùng trời quốc gia

Kiểm tra việc khai thác, vận hành hệ thống VQ phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại Quân chủng Phòng không-Không quân (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: HOÀNG HÀ  

Cần tiếp tục khai phá tiềm năng

PV: Các loại VKTBKT do CNQP nghiên cứu, phát triển và trang bị cho Quân chủng PK-KQ có những ưu điểm gì, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí: Những năm trước đây, VKTBKT chúng ta có được chủ yếu từ viện trợ hoặc mua sắm. Khi tiếp nhận, chúng ta chỉ được bàn giao “phần cứng” và huấn luyện khai thác sử dụng. Vì thế, khi đối tác tiếp tục phát triển “phần mềm”, vũ khí, khí tài đó sẽ được nâng cấp, khiến thứ chúng ta đang có lập tức trở nên lạc hậu. Do đó, tự chủ về CNQP là yêu cầu tất yếu khách quan, giúp chúng ta đáp ứng nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ các loại VKTBKT phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.  

VKTBKT do CNQP Việt Nam nghiên cứu, phát triển và trang bị cho Quân chủng PK-KQ có rất nhiều ưu điểm, trong đó có những ưu điểm vượt trội như: Giúp chúng ta hoàn toàn làm chủ về mặt công nghệ để nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm phù hợp với nhiệm vụ, hình thức tác chiến, cách đánh, đặc điểm khai thác sử dụng của lực lượng PK-KQ và điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu Việt Nam; có tính năng tương đương trở lên, so với các sản phẩm cùng loại nhập ngoại; bảo đảm bí mật quân sự; thuận lợi trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa, đặc biệt có thể bổ sung, nâng cấp, phát triển; tiết kiệm nguồn kinh phí rất lớn cho Nhà nước và quân đội.

Công nghiệp quốc phòng tạo bước đột phá trong quản lý, bảo vệ vùng trời quốc gia
Chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 276 (Quân chủng Phòng không-Không quân) luyện tập SSCĐ bảo vệ vùng trời. Ảnh minh họa/qdnd.vn. 

PV: Đồng chí có thể chia sẻ những nhận định từ quá trình phối hợp nghiên cứu, phát triển VKTBKT giữa Quân chủng PK-KQ với các đơn vị CNQP?

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí: Trước hết cần khẳng định, việc phát triển CNQP của chúng ta đang đi đúng hướng. Chúng ta đã lựa chọn đúng và tập trung được nguồn lực cho đơn vị đầu tàu tham gia nghiên cứu, phát triển các loại VKTBKT. Do được đảm nhiệm chu trình khép kín, từ nghiên cứu, sản xuất, bán hàng đến chăm sóc khách hàng và tiếp tục nghiên cứu để phát triển, nâng cấp sản phẩm đạt trình độ cao hơn nên động lực và khả năng sáng tạo luôn được thúc đẩy, giúp tạo ra những thành quả lớn hơn. Nó hoàn toàn khác với câu chuyện giao nhiệm vụ nghiên cứu, dẫn đến thực trạng có làm, có kết quả, song không thể ứng dụng, hoặc có ứng dụng vào thực tiễn nhưng đem lại hiệu quả không cao.

Từ quá trình làm việc với đơn vị nghiên cứu, phát triển CNQP, tôi càng có điều kiện để khẳng định, người Việt Nam rất trí tuệ, giàu tính sáng tạo và tiềm năng của chúng ta còn rất lớn. Chỉ cần có tâm huyết, có cơ chế phối hợp và điều hành khoa học, hợp lý, đồng thời được hỗ trợ các điều kiện cần thiết khác, chắc chắn chúng ta sẽ làm được nhiều điều lớn lao hơn, có ý nghĩa hơn nữa trong lĩnh vực CNQP.

Trong quá trình hợp tác, căn cứ vào nhiệm vụ, tình hình và nhu cầu thực tế công tác huấn luyện, SSCĐ, Quân chủng PK-KQ đã đặt ra "bài toán" với đơn vị nghiên cứu, phát triển; tiến hành phản biện cách giải "bài toán" của đối tác, để từ đó tìm ra “đáp số” tối ưu; định kỳ tổ chức làm việc, đối thoại với tinh thần trung thực, thẳng thắn, cầu thị, nhờ đó đã đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng của từng sản phẩm... Đó là những kinh nghiệm bước đầu mà chúng tôi đúc rút ra.

PV: Theo đồng chí, để bộ đội PK-KQ hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ bầu trời Tổ quốc, cần phải có sự hỗ trợ gì từ nền CNQP trong thời gian tới?

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí: Bảo vệ Tổ quốc luôn là nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng nhất, là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Trong thời bình, cùng với đấu tranh làm thất bại chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực phản động, thù địch, chúng ta phải luôn chủ động, nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đánh bại đòn tấn công hỏa lực của đối phương, mà chống tập kích đường không là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đặt lên vai người chiến sĩ PK-KQ trách nhiệm rất nặng nề. Vì vậy, cùng với mua sắm VKTBKT, CNQP Việt Nam cần có những bước tiến nhanh, mạnh hơn nữa. Trong đó cần tập trung cho việc nghiên cứu, sản xuất các loại tên lửa phòng không tầm trung; nghiên cứu, phát triển hệ thống phòng không tầm thấp, bởi đây đã, đang và sẽ tiếp tục là lực lượng nòng cốt, chủ lực trong xây dựng thế trận phòng không nhân dân. Ngoài ra, cần chú trọng đúng mức cho nghiên cứu, sản xuất các loại radar hiện đại hơn nữa... qua đó giúp bộ đội PK-KQ thực hiện tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không; quản lý và bảo vệ vững chắc vùng trời quốc gia trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí.

Theo qdnd.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website