(Tiếp theo và hết)Phóng viên (PV): Sự ra đời của Luật Biển Việt Nam có thể được coi là kết quả của quá trình nội luật hóa UNCLOS. Thượng tướng có thể cho biết chủ trương, nguyên tắc của Việt Nam khi áp dụng hai văn bản pháp lý này vào việc phân định, quản lý biển và giải quyết các vấn đề trên biển?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trước hết, để sử dụng, bảo vệ và hoạt động trên vùng biển của Việt Nam, chúng ta dựa vào hai công cụ pháp lý cơ bản, về quốc tế là UNCLOS và về nội bộ là Luật Biển Việt Nam năm 2012. Hiện thế giới có nhiều công ước, luật quốc tế hoặc văn bản pháp lý nhưng không phải do tòa án đưa ra mà xuất phát từ cam kết của các nước có biển. Do đặc điểm của UNCLOS như vậy mà mỗi nước cần phải có luật biển của riêng mình, song về cơ bản đều phải tuân thủ và dựa trên cơ sở công ước này.
|
|
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân. Ảnh: KHÁNH NGÂN. |
Phải nói thêm rằng, các công ước hoặc luật quốc tế nói chung chứ không riêng về biển, đều ít nhiều có sự lỏng lẻo, trước hết là không có tính chế tài và chỉ là cam kết chính trị giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, các nước có thể diễn giải các công ước và luật quốc tế liên quan tới biển và đại dương theo ý chủ quan hay vì lợi ích của họ. Nhưng suy cho cùng, UNCLOS và một số luật quốc tế vẫn đạt được yêu cầu tối thiểu, đó là nêu ra “những vấn đề chung không thể diễn giải khác đi được”. Ví dụ, UNCLOS quy định về thềm lục địa của mỗi quốc gia có biển, các quy tắc ứng xử trên biển... Chúng ta bám vào những điều này để đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
Việc tham gia UNCLOS giúp chúng ta có khái niệm về biển Việt Nam, nhưng khái niệm đó chỉ được “cân, đong, đo, đếm” nhờ sự ra đời của Luật Biển Việt Nam vào năm 2012. Trong đó, việc đầu tiên là chúng ta xác định ranh giới biển Việt Nam, bao gồm đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo... Trên cơ sở UNCLOS, chúng ta đưa ra quy định về Cồn Cỏ, Trường Sa hay Phú Quốc... một cách cụ thể, tỉ mỉ. Nói cách khác, việc cụ thể hóa UNCLOS vào điều kiện của Việt Nam giúp chúng ta từ chỗ mường tượng về biển đã xác định rõ ranh giới, bản đồ cụ thể về biển Việt Nam để tổ chức lao động hòa bình, tự do thương mại, bảo vệ chủ quyền trên biển.
Thế nhưng, thách thức mà Luật Biển Việt Nam hay luật biển của các nước đang đối mặt là một số khu vực biển chồng lấn lên nhau, hoặc có sự lý giải khác nhau giữa các nước, khiến việc phân định trên biển rất khó khăn. Luật Biển Việt Nam giúp chúng ta xác định những khu vực chồng lấn, những khu vực có các quan điểm khác nhau giữa các nước để từng bước giải quyết.
|
|
Ngư dân xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định chuẩn bị ngư cụ trước chuyến ra khơi. Ảnh: TUẤN HUY. |
|
|
Ngư dân xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vận chuyển hải sản lên bờ. Ảnh: TUẤN HUY. |
Ngoài ra, sự ra đời của Luật Biển Việt Nam đã bác bỏ toàn bộ, rõ ràng, tuyệt đối những tuyên bố, yêu sách phi lý mà một số nước đưa ra. Thực hiện Luật Biển Việt Nam không chỉ là quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam mà còn là bảo vệ luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS.
PV: Một trong những đặc điểm của UNCLOS là quy định quyền và sự bình đẳng cho các nước. Vậy khi có quốc gia cố tình áp dụng sai, thậm chí là trái ngược hoàn toàn với những quy định của UNCLOS để đưa ra các yêu sách về chủ quyền và cách hành xử phi lý, các nước bị vi phạm quyền và lợi ích cần giải quyết theo hướng nào, thưa Thượng tướng?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Như tôi đã nói, UNCLOS là văn kiện không mang tính chế tài, nhưng vẫn có những điều không thể giải thích khác đi được, nhất là đối với những nước đã tham gia vào công ước này. UNCLOS đặc biệt có tác dụng với những nước tham gia bởi tính đa số và tính quốc tế hóa của nó.
Trong quan hệ với những quốc gia không tham gia UNCLOS thì chúng ta áp dụng Luật Biển Việt Nam để làm chế tài. Họ phải chấp nhận và tôn trọng Luật Biển Việt Nam, tuân thủ quy định của chúng ta về quản lý thềm lục địa, thềm lục địa kéo dài, xuất nhập cảnh... Nếu không thực hiện các quy định này nghĩa là họ xâm phạm lợi ích quốc gia-dân tộc của chúng ta. Luật Biển Việt Nam dựa trên cơ sở UNCLOS và bởi vậy, UNCLOS vẫn có ý nghĩa và sức nặng trong công cuộc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Bảo vệ chủ quyền trên biển trên cơ sở những quy định của UNCLOS trên hết là nuôi dưỡng biển như một ngôi nhà chung. Bảo vệ biển là bảo vệ môi trường biển, bảo vệ lao động hòa bình trên biển, bảo vệ thương mại tự do, vận tải biển, và hiện nay còn là bảo vệ trên mặt biển, dưới mặt biển, trên không trong khu vực biển. Chúng ta bảo vệ biển Việt Nam cũng là đóng góp vào việc bảo vệ biển chung của thế giới và bảo vệ luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, chúng ta cần bảo vệ pháp luật trên biển, bao gồm luật quốc tế và luật của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã tham gia vào nhiều luật quốc tế trên các lĩnh vực như tự do hàng hải, bảo vệ môi trường biển hay chống cướp biển...
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta đưa các vấn đề liên quan tới biển ra quốc tế không phải để quốc tế lên án một quốc gia nào đó, mà vì biển là tài sản chung, cần sự chung tay xử lý của cộng đồng quốc tế. Những luận giải vì lợi ích cục bộ, vì tham vọng chủ quyền trên biển đều có thể bị bác bỏ bởi chính UNCLOS và do đó, UNCLOS là công cụ đấu tranh bảo vệ biển chung cho nhân loại và cho từng nước.
Ngoài ra, Việt Nam xác định không dùng “sức mạnh cơ bắp” mà lựa chọn giải pháp đấu tranh hòa bình để giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền trên biển. Sử dụng “sức mạnh cơ bắp” chỉ là phương án cuối cùng.
PV: Việc bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên biển và triển khai các hoạt động kinh tế biển của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đang đứng trước những thách thức gì, thưa Thượng tướng?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đánh bắt, tận diệt tài nguyên biển bằng thuốc nổ, hóa chất, lưới vét, lưới cào hay đánh bắt vào mùa sinh sản của sinh vật biển là một vấn nạn nguy hiểm. Nhưng chớ quên, còn những vấn đề hủy hoại môi trường biển khác, chẳng hạn như phá hoại các nền tảng san hô.
Hiện nay, ở khu vực quần đảo Trường Sa có một hiểm họa cho môi trường biển, đó là việc một số bên khai thác san hô biển một cách thái quá để làm căn cứ quân sự hoặc sân bay. Ngoài tác động tiêu cực về mặt an ninh, việc thay đổi cấu trúc đáy biển và hủy hoại san hô-vốn được coi như “đất của biển”-đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, mà theo ngôn ngữ khoa học gọi là những thay đổi làm triệt hạ môi trường biển không có khả năng tự phục hồi. Đây là vấn đề cần đấu tranh và là trách nhiệm của không riêng quốc gia nào.
Đánh bắt cá theo luật pháp cũng là vấn đề mà các nước cần quan tâm. Trên thực tế, một số ngư dân chưa nắm được giới hạn biển của nước mình đến đâu, hoặc đôi khi vì cuộc sống mà họ cố tình khai thác thủy sản ở ngoài khu vực biển của nước mình. Trách nhiệm của mỗi quốc gia là cần tăng cường giáo dục ngư dân, đồng thời cương quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Với ngư dân Việt Nam, chúng ta đã giáo dục, hỗ trợ họ đánh bắt đúng luật bằng nhiều cách, ví dụ như tổ chức các lớp tập huấn, lắp máy định vị miễn phí cho ngư dân, cho họ vay vốn đóng tàu và có cẩm nang, sổ tay hướng dẫn họ đánh bắt đúng khu vực quy định... Với ngư dân các nước khác đánh bắt trái phép trong vùng biển của Việt Nam, chúng ta cương quyết nhưng thông cảm, bao dung và đặc biệt không sử dụng vũ lực với họ. Thậm chí, chúng ta còn cấp gạo, nước, dầu để họ trở về an toàn. Dĩ nhiên, chúng ta cũng yêu cầu các nước đối xử với ngư dân Việt Nam như vậy.
Tuy nhiên, việc một số quốc gia dung túng cho ngư dân sang đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài, trong đó có vùng biển của Việt Nam, là điều không thể chấp nhận được.
Đấu tranh với các hành động cố ý phá hoại môi trường biển, tận diệt các loài thủy sinh chính là hành động bảo vệ biển Việt Nam. Tất nhiên trong thực tế vẫn còn nhiều trở ngại nhưng chúng ta không bao giờ buông bỏ vấn đề này.
PV: Theo Thượng tướng, các mô hình hợp tác quản lý và bảo vệ biển cần bám sát nguyên tắc nào nhằm đạt được mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trên biển?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Hiện nay có nhiều nước, cặp nước, nhóm nước tổ chức ra những mô hình để bảo vệ biển trong các vấn đề về môi trường, tự do thương mại, chống cướp biển, chống buôn lậu, chống buôn người trên biển. Nhưng hãy nhớ rằng, những sự hợp tác đó cần phải tuân thủ luật biển quốc tế vì biển là tài sản chung, không phải của riêng nước nào và nhóm nước nào.
Thực tế cũng cho thấy các quốc gia trong khu vực đã và đang hợp tác ở cả bình diện song phương và đa phương về các vấn đề nói trên. Điều quan trọng là sự hợp tác đó phải xuất phát từ thực tâm và tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế.
PV: Trân trọng cảm ơn Thượng tướng!
Theo qdnd.vn