Đồng chí Nguyễn Xuân Mậu - Phó Chính ủy Quân chủng PK-KQ (đứng thứ 5 từ trái sang)
đến thăm Đại đội 45 ở Nghệ An, tháng 11-1972. Ảnh tư liệuTháng 10-1971, Bộ Tư lệnh Binh chủng Ra đa điều Trung đoàn Ra đa 291 xuống thay thế Tiểu đoàn 8 để tiểu đoàn này cơ động vào Nghệ An cùng với Trung đoàn Ra đa 290 ở Quân khu 4, bảo đảm ra đa cho các lực lượng phòng không của Quân chủng chiến đấu trên các khu vực Quảng Bình - Vĩnh Linh, Thanh Hóa - Nghệ An và khu vực đường số 7.
Ngay sau khi vào đến quê hương Bác Hồ kính yêu, Trung đoàn đã nhanh chóng tiếp nhận các đơn vị và tổ chức Sở chỉ huy Trung đoàn 291 sáp nhập với sở chỉ huy tiền phương của Binh chủng Không quân ở Nghi Lộc, Nghệ An. Vốn có kinh nghiệm lãnh đạo, Bí thư Đảng ủy Phan Huyền Cơ đã cùng các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn thống nhất các biện pháp ổn định tư tưởng, tổ chức, xây dựng phương án tác chiến, nền nếp chiến đấu và sinh hoạt của bộ đội. Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn đã phân công, phân nhiệm cho từng cán bộ Trung đoàn phụ trách triển khai từng công việc tác chiến, công tác đảng, công tác chính trị và bảo đảm chiến đấu.
Tối 20-11-1971, các Đại đội 45, 50 và 41 của Trung đoàn 291 đã dẫn đường cho Phi công Vũ Đình Rạng lái máy bay MiG-21 bắn bị thương máy bay B-52 của địch ở phía Nam Quân khu 4. Tháng 7-1972, Trung đoàn tổ chức hội nghị chuyên đề phát hiện máy bay B-52. Sau 3 ngày phát huy dân chủ bàn biện pháp phát hiện B-52, Trung đoàn trưởng Đỗ Năm kết luận hội nghị:
- Tất cả cán bộ, chiến sĩ các ngành, các lực lượng phải tích cực đóng góp nhằm thực hiện phương châm hành động “tất cả để phát hiện bằng được B-52”.
- Triển khai kế hoạch phát hiện B-52 từ trong Đảng đến quần chúng, từ cơ quan đến các đài ra đa.
- Kiên quyết chỉ đạo làm chuyển biến các đại đội chốt làm nòng cốt phát hiện B-52 như các đại đội 45, 16,18, 47.
- Chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ, kỷ luật trực ban chiến đấu.
Kết quả hội nghị làm cho tất cả cán bộ, chiến sĩ đều tin tưởng vững chắc nhất định sẽ phát hiện được B-52, bảo đảm cho các lực lượng phòng không, không quân tiêu diệt máy bay địch; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động. Mọi cán bộ, chiến sĩ đều được “nâng cao tầm tư tưởng vượt trên tầm B-52 và tầm pháo kích của địch”, hăng hái chuẩn bị chiến đấu nhằm “tất cả cho việc phát hiện bằng được B-52”.
Đầu tháng 11-1972, Đảng bộ Trung đoàn tiến hành Đại hội nhiệm kỳ với chủ trương là Đại hội lãnh đạo phát hiện B-52. Đại hội đã thống nhất quyết tâm lãnh đạo Trung đoàn nâng cao hiệu suất phát hiện B-52 lên cao hơn 80%, kiên quyết không để lọt tốp B-52 nào khi chúng ra ngoài vĩ tuyến 20. 21 giờ 44 phút ngày 22-11-1972, Đại đội 45, Trung đoàn 291 đã đảm nhận tình báo trực tiếp cho Trung đoàn Tên lửa 263 bắn rơi tại chỗ 1 chiếc B-52. Học tập và thi đua với Đại đội 45, các đại đội ra đa trong Trung đoàn đã đẩy mạnh phong trào huấn luyện vận dụng kinh nghiệm chiến đấu của đơn vị bạn, từng bước nâng cao chất lượng phát hiện B-52. Các trắc thủ tích cực rút kinh nghiệm để nhanh chóng xác định nhiễu B-52 và tín hiệu mục tiêu trên nền nhiễu tích cực dày đặc.
16 giờ 40 phút ngày 18-12-1972, trên bản đồ thu mạng tình báo quốc gia B1 xuất hiện 2 tốp F-115 từ Sầm Tơ (Lào) bay về phía Yên Bái. Chỉ huy Trung đoàn nhất trí nhận định: Có khả năng diễn ra tình huống đã dự kiến. Lập tức, Trung đoàn trưởng chỉ thị cho Đại đội 16 là đơn vị đang mở máy trực ban trong phiên từ 18 đến 20 giờ tập trung, quan sát phát hiện mục tiêu từ phương vị 220 đến phương vị 300. Đặc biệt chú ý phát hiện B-52.
Trong khi đó, trên các màn hiện sóng ra đa của Đại đội 16 ở Nghệ An xuất hiện 1 số dải nhiễu mới. Do đã có kinh nghiệm chiến đấu, Đại đội trưởng Trần An và Chính trị viên Trịnh Đình Nham đã thống nhất nhận định tình hình địch và ra lệnh cho các đài ra đa chống nhiễu phát hiện B-52. Chỉ trong giây lát, trắc thủ đài 843 Tô Trọng Huy và trắc thủ đài 514 Phạm Quốc Hùng khẳng định ngay: “Đó là nhiễu B-52”.
Tình báo nhiễu B-52 của Đại đội 16 được nữ chiến sĩ thông tin Thúy Ngà ở Sở chỉ huy Trung đoàn đánh dấu lên bản đồ đường bay. Trong khi đó, thấy đài ra đa P-12 của đơn vị đang mở máy trực báo ban báo cáo có nhiễu B-52, Đại đội trưởng Đại đội 45 Đinh Hữu Thuần cũng mở máy ra đa P-35 và báo cáo lên Sở chỉ huy Trung đoàn.
Do có kinh nghiệm phát hiện B-52, Đài trưởng Nghiêm Đình Tích cùng các trắc thủ Phạm Hoàng Cầu và Nguyễn Văn Xích đã xác định ngay dải nhiễu B-52. Sau mệnh lệnh của Đài trưởng, cả phiên ban đã thao tác quy trình chống nhiễu. Chỉ trong khoảnh khắc, trắc thủ số 1 Phạm Hoàng Cầu đã thông báo tình báo B-52 vào Sở chỉ huy Đại đội.
Những tình báo đó được Tiểu đội trưởng tiêu đồ Nguyễn Trường Kỳ thể hiện trên bảng đánh dấu đường bay rồi qua các chiến sĩ phát thanh, ghi chép, báo vụ truyền lên Sở chỉ huy Trung đoàn.
Ban đầu, tất cả cán bộ, chiến sĩ phán đoán B-52 lại tiếp tục vào đánh Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, vì đường bay này gần như trùng khít với đường bay địch đã vào đánh phá trong thời gian trước đó. Những lần ấy, các tốp B-52 thường bay đến phương vị 290 thì vòng lại. Nhưng lần này, chúng đã bay tới phương vị 300 và vẫn bay thẳng về vùng Tây Bắc nước ta.
Do vừa tiến hành sinh hoạt chính trị, quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, khả năng B-52 ra đánh phá Miền Bắc, nên sau khi thống nhất với các trắc thủ, đài trưởng báo cáo với Đại đội trưởng: Có khả năng B-52 vào đánh Miền Bắc. Báo cáo đó từ Đại đội 45 qua Sở chỉ huy Trung đoàn lên tới tổng trạm ra đa ở Hà Nội.
Nhận được báo cáo giữa lúc tất cả các đài ra đa của 2 trung đoàn ra đa 292, 293 đang mở máy bị nhiễu nặng, không có tình báo B-52, Tham mưu phó Binh chủng Hứa Mạnh Tài trực chỉ huy ở Tổng trạm vốn là người cẩn thận liền sử dụng đường dây hữu tuyến của ngành bưu điện trực tiếp chỉ thị cho Trung đoàn trưởng Trung đoàn Ra đa 291 và Đại đội trưởng Đại đội 45: “Có đúng B-52 sắp vào Miền Bắc?”. Chỉ thị đó được truyền ngay cho đài trưởng ra đa P-35.
Nhìn rõ tín hiệu trên màn hiện sóng, từng tốp 3 chiếc trên dải nhiễu nhẹ, lại vừa phát hiện thấy các tốp máy bay của không quân chiến thuật bắt đầu phóng nhiễu tiêu cực ở phía Tây Bắc Hà Nội, đài trưởng báo cáo dứt khoát: “Đúng B-52. Mục tiêu sắp bay vào khu vực Hà Nội”. Báo cáo đó qua đại đội trưởng lên Sở chỉ huy Trung đoàn và truyền thẳng về Tổng trạm.
Nhận được báo cáo, Tham mưu phó Binh chủng báo cáo với Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri: “Đúng B-52 đang vượt qua vĩ tuyến 20. Có khả năng B-52 vào đánh Hà Nội”. Lập tức Tư lệnh Quân chủng ra lệnh cho các lực lượng phòng không, không quân chuẩn bị đánh B-52 để bảo vệ trái tim thiêng liêng của cả nước.
19 giờ 34 phút, được sự yểm trợ của 20 chiếc F-4, các tốp B-52 lần lượt vào đánh Sân bay Nội Bài, Hòa Lạc, Kép, khu Đông Anh. Đồng thời, 19 lần chiếc máy bay không quân chiến thuật vào đánh đài phát tín hiệu ở Đại Mỗ, Xí nghiệp ca nô Hồng Hà, Yên Viên, Phà Đen…Các lực lượng phòng không ở khu vực Hà Nội đã tập trung hỏa lực đánh địch quyết liệt.
20 giờ 13 phút, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 phóng 2 quả đạn vào tốp B-52 có ký hiệu 671 đang bay từ Tam Đảo vào đánh Đông Anh, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc B-52 ở Phù Lỗ, huyện Đông Anh. Đây là chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi tại chỗ đầu tiên ở Hà Nội trong Chiến dịch Phòng không tháng 12-1972. Vừa lúc đó, ở Tổng trạm, Tham mưu phó Binh chủng Hứa Mạnh Tài gọi điện cho Trung đoàn trưởng Đỗ Năm: “Bộ đội Tên lửa bắn rơi tại chỗ chiếc B-52 ở Phù Lỗ”. Được tin, tất cả cán bộ, chiến sĩ trong Sở chỉ huy Trung đoàn và Đại đội 45, Đại đội 16 vô cùng phấn khởi vì nỗi băn khoăn “liệu có đúng B-52 không” đã được giải đáp. Đó là niềm vui, niềm tự hào của những chiến sĩ ra đa ở tuyến ngoài đã hoàn thành nhiệm vụ cảnh giới từ xa cho các lực lượng phòng không đánh địch bảo vệ thủ đô thiêng liêng của cả nước.
Trên đường B-52 bay ra, Đại đội 47 phát hiện được 1 chiếc loại lớn, độ cao 11km từ Thọ Xuân bay thẳng xuống Đô Lương. Nhận được tình báo, Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân chủng ra lệnh cho Trung đoàn Tên lửa 263 ở Nghệ An đã phóng 2 quả đạn bắn rơi tại chỗ 1 chiếc B-52 ở phía Nam Khe Bố.
Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 45 rút kinh nghiệm chiến đấu sau khi bảo đảm ra đa cho Chiến dịch Phòng không tháng 12-1972. Ảnh tư liệu
23 giờ, Đại đội 16 và Đại đội 45 lại tiếp tục phát hiện, khẳng định tình báo các tốp B-52 do Đại đội Trinh sát nhiễu và Đại đội 11, Trung đoàn Ra đa 290 phát hiện. Trong trận thứ 2 này, Bộ đội Ra đa đã kịp thời báo động cho các lực lượng phòng không Hà Nội chuyển cấp chiến đấu sớm 40 phút. Đó là trân tập kích đường không thứ 2 trong đêm 18-12 của 21 lần chiếc B-52 và 32 lần chiếc máy bay không quân chiến thuật đánh vào Hà Nội.
Như vậy, ngay trong trận đầu tiên, đêm đầu tiên của Chiến dịch, Bộ đội Ra đa, mà Trung đoàn 291 làm nòng cốt đã bảo đảm tốt tình báo ra đa, không để quân và dân ta bị bất ngờ trước chiến dịch tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, chủ động phát hiện các triệu chứng tập kích đường không chiến lược của địch, phát hiện và xác định B-52 từ xa. Những tình báo đó đã bảo đảm cho Bộ Tư lệnh Quân chủng nắm chắc địch, hạ quyết tâm sử dụng lực lượng chính xác và bảo đảm cho các lực lượng phòng không 3 thứ quân chuyển cấp chiến đấu sớm từ 30 đến 40 phút. Trong ngày đầu tiên, Bộ đội PK-KQ đã bắn rơi 8 máy bay địch, có 3 chiếc B-52, 2 chiếc rơi tại chỗ.
Chiến công xuất sắc của Trung đoàn đã góp phần cùng các lực lượng phòng không đánh thắng trận đầu, lập nên kỳ tích đầu tiên trong Chiến dịch là bắn rơi tại chỗ máy bay B-52.
Với những kinh nghiệm chống nhiễu phát hiện B-52, trong các đêm tiếp theo của Chiến dịch, kíp chiến đấu tăng cường của đài P-35 đều phát hiện và xác định B-52 từ xa, có lúc cách Tây Nam hoặc Đông Nam Đô Lương (Nghệ An) 320 km, thông thường trên 200km. Trong tổng số 165 lần tốp B-52 toàn Binh chủng phát hiện, Trung đoàn phát hiện được 151 lần tốp (đạt 91,6%). Do được bảo đảm ra đa tốt, các lực lượng phòng không 3 thứ quân ở khu vực Hà Nội, Hải Phòng thường xuyên báo động chuyển cấp chiến đấu sớm từ 30 đến 40 phút và chủ động đánh địch, đã bắn rơi 81 máy bay địch, có 34 máy bay B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ), làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lịch sử.
ĐINH VĂN THÀNH (Theo lịch sử Trung đoàn 291)