13 giờ:30 phút Thứ hai, ngày 15 tháng 8 , 2022

Công tác bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972

Cách đây 50 năm, với bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân, chúng ta đã quật đổ thần tượng “pháo đài bay B-52” của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy. Góp phần vào thắng lợi đó có vai trò quan trọng của ngành Hậu cần Quân chủng.

Nắm vững phương án tác chiến của Tư lệnh Quân chủng, sự chỉ đạo của Tổng cục Hậu cần và trên cơ sở bố trí đội hình tác chiến của các đơn vị, ngành Hậu cần Quân chủng đã tổ chức thành 3 cụm kho hậu cần ở Bắc sông Đuống, Nam sông Đuống và Nam sông Hồng để bảo đảm trực tiếp cho các lực lượng của Quân chủng chiến đấu. Trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội, ngành Hậu cần Quân chủng đã dự trữ vật chất bảo đảm cho sinh hoạt của các trung đoàn từ 7 đến 10 ngày, sư đoàn được dự trữ từ 3 đến 5 ngày; tổ chức dự trữ đạn pháo cao xạ trên nhiều khu vực, theo từng cấp, đủ từ 2 đến 3 cơ số, bảo đảm cho từ 2 đến 3 đợt chiến đấu trong khoảng từ 5 đến 7 ngày. Trong ngày, tiêu thụ đến đâu thì bổ sung thêm đến đó. Về đạn tên lửa, các trung đoàn chuẩn bị sẵn sàng từ 1,8 đến 2,1 cơ số. Các sân bay dự trữ xăng dầu cho máy bay đủ theo sức chứa của từng sân bay. Ngành Hậu cần Quân chủng còn tổ chức hệ thống kho dự trữ dầu bay ở các kho khu vực. Cùng với kho dự trữ của Quân chủng, kho dự trữ chiến lược của Tổng cục Hậu cần trên địa bàn tác chiến cũng chuẩn bị sẵn sàng chi viện bảo đảm cho Sư đoàn 361 bảo vệ Hà Nội, Sư đoàn 363 bảo vệ Hải Phòng, Sư đoàn 365 bảo vệ tuyến Hà Nội - Lạng Sơn, Sư đoàn 375 bảo vệ tuyến Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh.

Công tác bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch
Xe của Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261 tiếp đạn cho các trận địa
trong 12 ngày đêm, cuối tháng 12-1972.
Ảnh tư liệu

Một số loại vật chất bảo đảm cho sinh hoạt, một phần xăng dầu và đạn pháo cao xạ được Tổng cục Hậu cần chuyển thẳng tới các sư đoàn phòng không trên các hướng. Lượng còn lại, ngành Hậu cần Quân chủng tổ chức vận chuyển từ kho Quân chủng xuống sư đoàn, trung đoàn, thậm chí xuống tận các tiểu đoàn chiến đấu theo hiệp đồng, đồng thời kết hợp vận chuyển thương binh về tuyến sau. Về bảo đảm lương thực, thực phẩm, Quân chủng phân cấp cho các trung đoàn hiệp đồng khai thác tại địa phương khu vực tác chiến. Đạn pháo cao xạ tổ chức dự trữ trên từng khu vực gần trận địa, dựa vào lực lượng dân quân địa phương tổ chức vận tải tới trận địa sau từng đợt hoặc từng ngày chiến đấu.

Về bảo đảm vật chất quân nhu, các cấp đẩy nhanh việc tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa đang còn ở các bến bãi, nhà ga, bến cảng... về kho nơi sơ tán. Hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị địa phương bảo đảm vật chất tại chỗ cho các đơn vị theo từng khu vực. Ngoài lượng vật chất dự trữ thường xuyên và SSCĐ, Cục Quân nhu cấp cho Quân chủng gần 400 tấn lương khô, thực phẩm các loại và được cất trữ tập trung tại các hầm gần trận địa, sân bay để bổ sung kịp thời cho đơn vị. Nhờ vậy, trong suốt 12 ngày đêm của Chiến dịch, bộ đội phòng không luôn được ăn nóng, ăn tăng thêm định lượng bằng thực phẩm tươi và có đủ nước uống... Do đó, bộ đội luôn bảo đảm đủ sức khỏe chiến đấu liên tục, dài ngày.

Đối với công tác quân y, các đơn vị phòng không đã kết hợp chặt chẽ với cơ sở dân y địa phương hình thành tuyến cứu chữa người bị thương theo khu vực. Tuyến 1, quân y trận địa kết hợp với tổ chức y tế của cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã... làm nhiệm vụ cấp cứu ban đầu. Tuyến 2, kết hợp quân y đơn vị với trạm y tế các xã, khu phố làm nhiệm vụ bổ sung cấp cứu. Tuyến 3, kết hợp quân y với các bệnh viện, bệnh xá huyện, khu phố, nhà máy lớn... làm nhiệm vụ băng bó, cấp cứu, xử lý vết thương không quá phức tạp; tổ chức các đội phẫu thuật cơ động sẵn sàng xử trí tình huống khi cần thiết. Tuyến 4 gồm các bệnh viện quân y kết hợp với bệnh viện tỉnh, thành phố, đảm nhiệm xử lý các vết thương phức tạp, chuyên khoa sâu, chỉ đạo và chi viện kỹ thuật cho tuyến trước. Hà Nội tổ chức được 105 tổ, đội cấp cứu dân y và 30 tổ đội cấp cứu quân y; Hải Phòng tổ chức 53 tổ, đội cấp cứu dân y và 15 tổ đội cấp cứu quân y.

Trong công tác bảo đảm xăng dầu, đầu năm 1972, Tổng cục Hậu cần phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan thi công và đưa vào vận hành hai tuyến đường ống chiến lược: Lạng Sơn - Hà Nội và Bãi Cháy (Quảng Ninh - Hà Nội, nối với tuyến đường ống nam Hà Nội (Nhân Vực) vào tới Cam Lộ và sang phía Nam Đường 9 (3278km) đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, vận chuyển lượng lớn xăng dầu từ nước bạn viện trợ. Đồng thời, dưới sự điều hành của Ban Xăng dầu Trung ương, các kho xăng dầu quốc gia như: Hữu Lũng (Lạng Sơn); Trại Sơn (Thủy Nguyên - Hải Phòng) phối hợp với các kho chiến lược ở Bắc sông Hồng dự trữ đủ nhu cầu xăng dầu cho các đơn vị phòng không và các sân bay chiến đấu.

Với phương châm chủ động tích cực chuẩn bị, cùng với việc xác định đúng phương án tổ chức bố trí, phương thức bảo đảm, tổ chức dự trữ và hiệp đồng phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, nhân dân địa phương trong khu vực chiến đấu, nên trong suốt 12 ngày đêm chiến đấu liên tục, quyết liệt, ngành Hậu cần Quân chủng đã đáp ứng nhu cầu tiêu thụ vật chất, đạn dược cho chiến dịch, góp phần cùng quân và dân miền Bắc làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

ÁNH TUYẾT

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website