Trung đoàn 228 bảo vệ vững chắc cầu Hàm Rồng
Đầu năm 1965, trước nguy cơ thất bại hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Đế quốc Mỹ điên cuồng đưa quân viễn chinh vào Miền Nam, tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đồng thời leo thang chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ném bom bắn phá ra Miền Bắc, nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn Miền Bắc đối với tiền tuyến Miền Nam.
Những người lính Hàm Rồng Trung đoàn 228 báo cáo thành tích chiến đấu với Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngay tại trận địa của đơn vị, sáng mồng 2 Tết Bính Ngọ (20-1-1966). Ảnh tư liệuLúc này, hệ thống giao thông từ Hà Nội vào đến đường mòn Hồ Chí Minh được chúng xác định có 60 điểm tập trung bắn phá, trong đó có cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa). Đây là mục tiêu cực kỳ quan trọng, là cửa ngõ huyết mạch vận chuyển từ Khu 3 vào Khu 4, từ đó đi tiếp vào các chiến trường Miền Nam. Do có chiến lược quan trọng như vậy, cho nên địch quyết tâm đánh để phá hoại cầu. Đối với ta, bảo vệ cầu là góp phần rất lớn trong việc chi viện sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam, góp phần chia lửa cho quân và dân Miền Nam. Chính vì vậy, ngày 6-5-1965, Bộ Tư lệnh Quân chủng giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 228 vào Thanh Hóa thay thế Trung đoàn cao xạ 234 bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh Quân chủng và Sư đoàn 365, Trung đoàn đã hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng 3 thứ quân, với các đơn vị bạn, đặc biệt là quân và dân tỉnh Thanh Hóa, vượt qua mọi khó khăn, thử thách ác liệt, ngày đêm chiến đấu bảo vệ từng tấc đất, từng khoảng trời, từng nhịp cầu và cho những chuyến hàng an toàn ra mặt trận. Tiêu biểu là các trận đánh, lập công xuất sắc trong 3 ngày (21 đến 23-9-1966), có 37 lần chiếc máy bay địch đánh phá, ném hơn 600 tấn bom vào khu vực cầu Hàm Rồng, nhiều trận địa của đơn vị bị địch bắn phá, vùi lấp nhưng Trung đoàn vẫn phát huy được hỏa lực mạnh mẽ, bắn rơi 8 máy bay, bảo vệ tốt mục tiêu được giao. Trong ngày 14-5-1967, 95 lần chiếc máy bay đến đánh cầu trong 6 đợt, Trung đoàn đã đánh trả quyết liệt, bắn rơi 5 máy bay. Đại đội 4 trên điểm cao 54, trận địa chốt bảo vệ cầu Hàm Rồng, trong điều kiện chiến đấu ác liệt, với khẩu hiệu “Thà gục trên mâm pháo, chứ không để cầu gục” và lòng quả cảm tuyệt vời đã cùng với các đơn vị bạn chiến đấu ngày đêm, bắn rơi nhiều máy bay địch, bảo vệ được cầu trong khói lửa, bom đạn của kẻ thù.
Trong 3 năm (1965-1968), Trung đoàn đã cùng với quân và dân Hàm Rồng bắn rơi 99 máy bay Mỹ, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cả nước, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Trong thời gian đế quốc Mỹ ngừng ném bom, Trung đoàn vẫn luôn đề cao cảnh giác trước âm mưu thủ đoạn mới của chúng, duy trì nghiêm nền nếp, chế độ SSCĐ, tích cực huấn luyện và củng cố xây dựng đơn vị. Từ năm 1969-1971, cùng với việc SSCĐ củng cố nâng cao chất lượng xây dựng đơn vị, Trung đoàn còn tham gia Chiến dịch đường 9 - Nam Lào, Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng Trung đoàn 241, bắn rơi 72 máy bay địch, góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch đường 9 - Nam Lào. Ngày 26-12-1971, Trung đoàn đã bắn rơi máy bay thứ 100 và 101 tại cầu Hàm Rồng. Đây là trận đánh có hiệu suất chiến đấu cao, 50% số máy bay vào đánh phá bị bắn rơi, được Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng khen ngợi.
Cay cú trước những thất bại trên chiến trường Miền Nam, để cứu vãn tình thế, tháng 4-1972, đế quốc Mỹ đã huy động lực lượng lớn máy bay của không quân và hải quân, đánh phá trở lại Miền Bắc với quy mô lớn và phức tạp ngay từ đầu. Lúc này nhiệm vụ bảo vệ giao thông vận chuyển, từ Bắc vào Nam có tầm quan trọng đặc biệt, Trung đoàn tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Hàm Rồng và các mục tiêu quan trọng khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trung đoàn đã tham gia các cụm chiến đấu phòng không mang tên “Quyết thắng”. Với Chiến dịch Linebacker 2, cuối tháng 12-1972, địch tập trung số lượng lớn máy bay chủ yếu là B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và các vùng lân cận. Từ tháng 4-1972 đến tháng 12-1972, Trung đoàn đã bắn rơi 19 máy bay Mỹ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của Đế quốc Mỹ ra Miền Bắc, buộc chúng phải ký hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam vào ngày 27-1-1973.
Từ năm 1973-1974, Trung đoàn tiến hành duy trì chế độ trực ban SSCĐ, tiếp tục bố trí đội hình ở khu vực Hàm Rồng để bảo vệ cầu và các mục tiêu quan trọng khác; góp phần cùng với quân và dân cả nước chuẩn bị thế và lực để giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Tháng 4-1975, thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Trung đoàn vinh dự được giao nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên Trung đoàn tổ chức đưa toàn bộ lực lượng và vũ khí trang bị vượt qua hàng nghìn km, hành quân thần tốc, bám sát đội hình chiến đấu, bảo vệ các binh đoàn chủ lực, góp phần vào Chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
(*) Theo “Lịch sử Trung đoàn 228”
ÁNH TUYẾT (Theo “Lịch sử Trung đoàn 228”)