22 giờ:55 phút Thứ sáu, ngày 28 tháng 4 , 2017

Bộ đội Phòng không-Không quân trong đội hình "Thần tốc, quyết thắng"

Để kịp thời tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tháng 3-1973, theo Chỉ thị của Bộ, Quân chủng PK-KQ đã thành lập Sư đoàn Phòng không 673 gồm 5 trung đoàn pháo cao xạ và 1 trung đoàn tên lửa, làm nhiệm vụ hoạt động tác chiến trên chiến trường Bình Trị Thiên. Cũng trong thời gian này, Quân chủng đã cơ động Sư đoàn Phòng không 377 gồm 6 trung đoàn Pháo Phòng không vào hoạt động tác chiến trên chiến trường Tây Nguyên.

 Trước khi Chiến dịch diễn ra, Quân chủng đã lần lượt chuyển vào chiến trường miền Nam 50% số trung đoàn Pháo Phòng không và 100% số tên lửa tầm thấp A-72, bảo đảm cho mỗi Quân khu có 1 trung đoàn Pháo Phòng không, 1 đại đội tên lửa A-72 và 1 tiểu đoàn súng máy 12,7mm. Tính đến thời điểm cuối năm 1974, lực lượng Phòng không ba thứ quân của ta trên toàn chiến trường miền Nam đã bắn rơi 124 máy bay địch các loại.
Bộ đội Phòng không-Không quân trong đội hình
Đội hình pháo binh trước giờ ra trận.
Ảnh tư liệu

Đối với lực lượng Không quân, ngay từ cuối năm 1973, Quân chủng đã tổ chức Lữ đoàn hỗn hợp 919 gồm không quân chiến đấu, không quân vận tải và không quân trực thăng. Các máy bay của Lữ đoàn 919 ngày đêm luyện tập ném bom, thả dù và cơ động bộ đội, luôn sẵn sàng chờ lệnh tham gia tác chiến hiệp đồng quân binh chủng. Đối với Bộ đội Tên lửa, Quân chủng chuẩn bị 2 trung đoàn tên lửa với trang bị đồng bộ, khí tài tốt đủ điều kiện sẵn sàng chờ lệnh cơ động chiến đấu. Riêng Bộ đội Ra đa thì cơ động thần tốc chuyển dần thế bố trí vào các tỉnh phía Nam, bảo đảm tác chiến trực tiếp cho Chiến dịch.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, lực lượng Phòng không tham gia có Sư đoàn 377 với 5 trung đoàn pháo cao xạ bảo vệ các hoạt động tác chiến, chia cắt địch trên đường 19, 21, 14 và hoạt động tác chiến nghi binh Chiến dịch ở Pleiku, Kon Tum. Trung đoàn 234 bảo vệ đội hình Sư đoàn bộ binh 10 tiến công ở hướng chủ yếu.Trung đoàn 593 bảo vệ đội hình Sư đoàn bộ binh 320A. Trung đoàn 232 bảo vệ pháo binh chiến dịch. Các phân đội A-72 được bố trí đi cùng với đặc công vào trước, ém sẵn trong thành phố Buôn Ma Thuột.

Trong Chiến dịch Trị Thiên - Huế, ta đã chủ động làm đường kéo pháo, đưa pháo cao xạ vào ém sẵn ở ven đô trước khi bộ binh đột kích nên đã bảo vệ hoạt động đánh chiếm Huế rất hiệu quả. Đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng pháo cao xạ luôn theo sát đội hình cùng các mũi đột kích vào đánh chiếm nội đô, có tiểu đoàn cao xạ đi trước đội hình, có tiểu đoàn cao xạ đi trong đội hình binh chủng hợp thành, bảo vệ các binh đoàn chủ lực cơ động thọc sâu trên các hướng, mũi trong suốt quá trình hành quân từ ngoài vào đánh chiếm các mục tiêu quan trọng chiến lược trong các thành phố.

Thất thủ trên chiến trường Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, quân địch bị đẩy vào tình thế tuyệt vọng, ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm huy động tổng lực công kích vào Sài Gòn - Gia Định với phương châm “Thần tốc, táo bạo, chắc thắng”. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, các lực lượng cơ động từ các hướng thần tốc tiến về bao vây quanh Sài Gòn. Trong tháng 4-1975, Bộ đội Không quân đã thực hiện 163 chuyến bay vận tải từ Bắc vào Nam, vận chuyển 120 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật và 6.250 cán bộ, chiến sĩ bổ sung cho chiến trường. Cùng với các lực lượng cơ động chiến lược của Bộ Quốc phòng, Bộ đội PK-KQ cũng nhanh chóng đưa lực lượng vào tham gia trận quyết chiến chiến lược.

Ngày 17-4-1975, Sư đoàn 367 nằm trong đội hình chiến đấu Quân đoàn 1 từ miền Bắc vào tập kết lực lượng ở khu vực Đồng Xoài. Sư đoàn 365 cũng cơ động vào triển khai bảo vệ khu vực duyên hải miền Trung. Sư đoàn 375 đang bảo vệ vùng giải phóng Trị - Thiên cũng được lệnh cấp tốc cơ động vào triển khai bảo vệ thành phố Đà Nẵng.Tiểu đoàn 8 Ra đa đã hành quân thần tốc trên đường Trường Sơn và nhanh chóng quản lý toàn bộ không gian tác chiến Chiến dịch. Trung đoàn Rađa 290 cũng được lệnh chuyển dịch vào triển khai từ Quảng Trị đến Phan Thiết để khép kín toàn bộ trường ra đa quản lý và bảo vệ vùng trời các tỉnh miền Nam. Tình báo trên không của Bộ đội Ra đa đã giúp cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh nắm chắc mọi hoạt động trên không của địch, nhất là các tốp máy bay di tản của Mỹ - Ngụy để chỉ đạo chính xác hoạt động tiến công. Bộ đội Tên lửa cũng nhanh chóng đưa 4 trung đoàn vào chiến trường. Họ được lệnh hành quân theo quốc lộ số 1 qua các thành phố lớn, vừa tạo niềm tin cho nhân dân vùng giải phóng, vừa tạo thế răn đe đối với địch. Đặc biệt, trong trận đánh lịch sử chiều 28-4-1975, Tư lệnh Quân chủng đã trực tiếp tổ chức chỉ huy “Phi đội Quyết thắng” sử dụng 5 máy bay A-37 thu được của địch, bất ngờ ném bom vào sào huyệt Tân Sơn Nhất. Trận đánh “táo bạo, bất ngờ” đó của Không quân ta đã góp phần tạo thế cho Chiến dịch phát triển nhanh, giành thắng lợi trong thời gian ngắn, ít tổn thất nhất; đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình tan rã và sụp đổ hoàn toàn của chế độ Ngụy quyền.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi; Tổ quốc đã thống nhất. Trong chiến công chung ấy, có sự đóng góp quan trọng của Bộ đội PK-KQ. Không chỉ chiến đấu mưu trí, kiên cường, dũng cảm, trong Chiến dịch, lực lượng PK-KQ đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và vũ khí trang bị. Trong chiến dịch này, Bộ đội PK-KQ hoàn thành xuất sắc 3 nhiệm vụ cơ bản đã được Bộ tin cậy giao phó: Tham gia trực tiếp tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng trên các chiến trường; tổ chức bảo vệ không phận vùng giải phóng và sẵn sàng đánh địch bảo vệ miền Bắc nếu Mỹ liều lĩnh cho không quân đánh phá trở lại. Kết quả ấy thêm một lần khẳng định truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của Bộ đội PK-KQ trong đội hình quân binh chủng hợp thành với quy mô lớn.

          QUỲNH VÂN (tổng hợp)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website