Nhà máy A32 - Lá cờ đầu trong Phong trào Thi đua quyết thắng
Những năm qua, Nhà máy A32 đã sửa chữa thành công nhiều loại máy bay hiện đại, phục vụ cho các đơn vị Không quân huấn luyện, SSCĐ. Đạt được kết quả đó, ngoài việc làm tốt công tác đào tạo, tự chủ nguồn nhân lực chất lượng cao thì việc đẩy mạnh Phong trào Thi đua quyết thắng (TĐQT) được Nhà máy đặc biệt quan tâm.
Sửa chữa máy bay Su-22 tại Phân xưởng 7, Nhà máy A32.
Nhà máy A32 được thành lập ngày 18-6-1966, từ một bộ phận của Xưởng A33 với nhiệm vụ cơ động sửa chữa, hồi phục các máy bay chiến đấu của Không quân ta trong kháng chiến chống Mỹ; đến nay, Nhà máy đã có thể tự sửa chữa được nhiều loại máy bay phản lực hiện đại. Đại tá Phạm Ngọc Bôn - Chính ủy Nhà máy cho biết: “Để có được “thương hiệu” như ngày hôm nay là cả quá trình nỗ lực phấn đấu liên tục, bền bỉ của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân. Trong đó, Nhà máy đã chủ động tăng cường nội lực sản xuất các loại vật tư kim loại, phi kim loại; đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Bên cạnh đó, Phong trào TĐQT được đẩy mạnh, đi sâu vào mọi ngành, trở thành động lực quan trọng cho từng cơ quan, phân xưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ…”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những năm qua, yêu cầu sửa chữa máy bay phản lực chiến đấu đòi hỏi ngày càng cao, trong khi Nhà máy thiếu về công nghệ, tài liệu sửa chữa, vật tư, trang bị. Để làm chủ được công nghệ sửa chữa, lãnh đạo, Ban Giám đốc Nhà máy đã đề ra nhiều biện pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả như: Tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của cấp trên, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đầu tư trang bị công nghệ phục vụ nhiệm vụ sửa chữa, sản xuất. Cùng với đó, chủ động đầu tư xây dựng nguồn nhân lực có đủ trình độ, năng lực, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu bằng việc tự đào tạo; cử các đoàn cán bộ, nhân viên đi nước ngoài học tập; mời chuyên gia nước ngoài tham gia công tác huấn luyện; áp dụng từ huấn luyện lý thuyết gắn với thực tế sửa chữa, sản xuất; phối kết hợp với Trường Sĩ quan Không quân để đào tạo nhân lực; phát huy tinh thần tự nghiên cứu, học tập thông qua tài liệu, thông qua thực tế sửa chữa, sản xuất…
Bên cạnh đó, Nhà máy tổ chức tốt các phong trào thi đua xung kích vào thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị, trong đó tập trung thực hiện tốt các phong trào như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Thanh niên Quân đội tiến quân vào khoa học và công nghệ”, “Tuổi trẻ sáng tạo” gắn với đẩy mạnh thực hiện tốt Cuộc vận động 50; Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Mũi nhọn mang tính đột phá của Nhà máy là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Với tư tưởng chỉ đạo “Tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, triển khai mạnh mẽ phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” cán bộ, nhân viên kỹ thuật Nhà máy A32 đã tự thiết kế công nghệ dây chuyền sửa chữa tổng thể các loại máy bay phản lực chiến đấu với hơn 1.000 chủng loại phụ tùng, thiết bị lẻ mới. Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật không chỉ giải quyết những khó khăn, mà còn giúp Nhà máy làm chủ được dây chuyền công nghệ sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng các dòng máy bay Su-27 và Su-30MK2.
Thượng tá Đào Anh Tuấn - Quản đốc Phân xưởng 5 chia sẻ: “Phân xưởng luôn động viên, khuyến khích cán bộ, CN&VCQP thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Hiện nay, Phân xưởng có 5 tổ sáng kiến kỹ thuật, thường xuyên cho ra đời những sáng kiến có giá trị thiết thực. Phân xưởng đã làm chủ được toàn bộ hệ thống Supe 1 trên máy bay Su-30MK2 và nhiều sáng kiến có giá trị thực tiễn như: Các Bàn kiểm tra (Hệ thống đo xa lase; Hệ thống núm day; Màn hình đa chức năng Mphy I trên máy bay Su-30MK2) và hệ thống máy tính trên các dòng máy bay chiến đấu…”.
Đại tá Đỗ Văn Tài - Giám đốc Nhà máy cho biết thêm: “5 năm qua, Nhà máy có 387 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó có 174 đề tài sáng kiến được Hội đồng khoa học Nhà máy công nhận và ứng dụng vào sửa chữa máy bay Su-22M4/UM3K, Su-27SK/UBK; Su-30MK2. Nhà máy đã sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn 20 máy bay Su-22M4/UM3K, 5 máy bay Su-27SK/UBK bàn giao cho đơn vị bảo đảm chất lượng, an toàn; tiếp nhận, tiến hành sửa chữa trên dây chuyền 2 máy bay Su-30MK2; sửa chữa dự phòng tăng hạn 23 máy bay Su-22M/UM/UM3K/M4 tại đơn vị. Ngoài ra, Nhà máy còn sửa chữa, gia công các chi tiết cho một số đơn vị Phòng không, Hải quân…”.
Với phương châm “Thi đua để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc”, những năm qua, Nhà máy A32 luôn là lá cờ đầu trong Phong trào TĐQT của Quân chủng. Trong 5 năm (2019 - 2024), Nhà máy được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân chủng tặng bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Bài, ảnh: HỮU LỆ