Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Trường Sĩ quan Không quân (20-8-1959 / 20-8-2024)
Xây dựng Trường Sĩ quan Không quân “Cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại”
Ngày 20-8-1959, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 427 thành lập Trường Huấn luyện hàng không (tiền thân của Trường Sĩ quan Không quân (SQKQ) ngày nay). Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển, Trường SQKQ luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo (GD, ĐT), nhất là công tác đào tạo phi công quân sự. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Trường SQKQ, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với Đại tá Ngô Vĩnh Phúc - Hiệu trưởng Nhà trường xung quanh vấn đề này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Huấn luyện bay đội hình biên đội 4 chiếc Yak-130 tại Trung đoàn 940, Trường SQKQ.Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật về công tác GD, ĐT của Nhà trường trong những năm qua?
Đại tá Ngô Vĩnh Phúc: Từ ngày thành lập đến nay, Trường SQKQ đã tổ chức huấn luyện trên hàng chục loại máy bay khác nhau; đào tạo, bổ túc, chuyển loại, nâng cao được hơn 100 khóa sĩ quan lái máy bay với hơn 1.000 phi công; đào tạo được hàng vạn sĩ quan chỉ huy tham mưu, chính trị, kỹ thuật, sĩ quan dù - tìm kiếm cứu nạn đường không và nhân viên chuyên môn kỹ thuật hàng không. Bên cạnh đó, Nhà trường còn đào tạo phi công và nhân viên các chuyên ngành kỹ thuật hàng không cho nước bạn Lào, Campuchia; liên kết đào tạo phi công cho Binh đoàn 18 và huấn luyện quân sự cho học viên dự khóa bay Hàng không dân dụng Việt Nam. Các thế hệ phi công, sĩ quan, nhân viên kỹ thuật hàng không tốt nghiệp đã và đang công tác ở hầu hết các đơn vị trong Quân đội. Nhiều đồng chí đã trở thành anh hùng, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, đảm nhiệm cương vị lãnh đạo, chỉ huy trong Quân chủng và các đơn vị khác trong Quân đội, Công an.
Đặc biệt thời gian gần đây, Trung đoàn 940 của Trường được tái thành lập và được giao nhiệm vụ huấn luyện đào tạo phi công quân sự trên máy bay thế hệ mới Yak-130. Chỉ trong thời gian ngắn tổ chức huấn luyện chuyển loại, các phi công của Nhà trường đã cơ bản làm chủ được và tham gia các cuộc diễn tập bắn, ném bom, đạn thật với các đơn vị trong và ngoài Quân chủng đạt kết quả xuất sắc. Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của Nhà trường cũng như khẳng định trình độ, khả năng huấn luyện bay và SSCĐ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, phi công của Trường, thực hiện tốt phương châm “Chất lượng đào tạo của Nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.
Với những thành tích xuất sắc trong huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, Trường SQKQ, Trung đoàn 910 và 26 cán bộ, giảng viên, học viên của Nhà trường vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
PV: Đặc thù của Nhà trường là vừa đào tạo học viên các chuyên ngành tại Khu Trung tâm, vừa huấn luyện bay đào tạo phi công ở các trung đoàn như một đơn vị huấn luyện chiến đấu; điều đó có thuận lợi, khó khăn gì, thưa đồng chí?
Đại tá Ngô Vĩnh Phúc: Trường SQKQ có nét rất đặc thù so với các nhà trường khác là có 4 trung đoàn bay, trong mỗi trung đoàn lại có các giảng viên và học viên. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp cũng chính là những người thầy của học viên. Trình tự, nội dung công tác của người chỉ huy, cơ quan, giảng viên và học viên phi công trong 3 giai đoạn bay cũng tương đồng với trình tự, nội dung công tác trong 3 giai đoạn của trận chiến đấu trên không: Chuẩn bị chiến đấu, thực hành chiến đấu và rút kinh nghiệm sau chiến đấu. Do vậy, thuận lợi cơ bản của Nhà trường là tính thực tiễn rất cao trong GD, ĐT. Kết quả giảng dạy và học tập ở Khu Trung tâm được kiểm chứng ngay ở các trung đoàn. Ngược lại, hoạt động huấn luyện bay đào tạo phi công ở các trung đoàn là cơ sở thực tiễn để tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học ở Khu Trung tâm của Nhà trường.
Bên cạnh đó, Nhà trường cũng gặp không ít khó khăn, đó là các đơn vị của Nhà trường đóng quân trên địa bàn trải dài từ Bình Định đến Bình Thuận, đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý mọi hoạt động của bộ đội phải rất sâu sát, cụ thể, chặt chẽ. Trong khi hoạt động huấn luyện bay đào tạo phi công của Nhà trường diễn ra trên không gian rất rộng, ở khu vực rừng núi, đồng bằng và trên các khu vực ven biển, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp. Do vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, phi công của Nhà trường phải “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, có khả năng dự báo chính xác để luôn chủ động trong mọi tình huống.
PV: Để nâng cao chất lượng GD, ĐT, Nhà trường đã có những định hướng gì trong thời gian tới?
Đại tá Ngô Vĩnh Phúc: Sự nghiệp xây dựng và vảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao cho nhiệm vụ GD, ĐT; đòi hỏi Trường SQKQ phải có những giải pháp mới, sáng tạo, đột phá mang tính toàn diện nhằm nâng cao chất lượng GD, ĐT. Quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD, ĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng GD, ĐT; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng GD, ĐT; đổi mới toàn diện, đồng bộ chương trình, nội dung gắn với đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học; xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; bảo đảm tốt cơ sở vật chất hiện đại phục vụ nhiệm vụ GD, ĐT trong điều kiện mới.
PV: Đồng chí cho biết một số giải pháp chính để xây dựng Trường SQKQ “Cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại” và đạt “Chuẩn nhà trường thông minh”?
Đại tá Ngô Vĩnh Phúc: Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân chủng PK-KQ “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” thì vai trò đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Trường SQKQ càng được khẳng định. Hiện nay, Nhà trường đang được Bộ Quốc phòng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để nâng cao chất lượng GD, ĐT. Đồng thời, liên kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học trong cả nước để nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các đề tài, nhiệm vụ khoa học, công nghệ phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, Nhà trường chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ số lượng, hợp lý về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ học vấn, năng lực sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn. Phấn đấu đến năm 2030, Nhà trường có từ 95% trở lên giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn theo quy định, 20-30% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, 25% giảng viên đạt trình độ tiến sĩ và có từ 5-6 giảng viên đủ điều kiện xét đề nghị chức danh Phó giáo sư… Từ năm 2030, xây dựng Trường SQKQ thông minh, hiện đại, có đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn, có hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng phát triển, hiệu quả; hệ thống quản lý, điều hành thông minh, cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, đa năng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
MAI VĂN ĐÔNG (Thực hiện)