Kí ức Tết Trường Sa
Dẫu năm tháng cứ vùn vụt qua đi, nhưng mỗi độ Xuân về, những kí ức về lần được ăn Tết sớm ở Trường Sa lại ùa về, níu lòng tôi khắc khoải nơi địa đầu sóng nước thiêng liêng.
Hôm rồi, Đại tá Phạm Văn Hòa - Chỉ huy trưởng Đảo Trường Sa Lớn, kiêm Chủ tịch Thị trấn Trường Sa nhắn tin cho tôi: “Tết này, chú có ra ăn Tết với anh em không…?”. Tôi bảo với anh, dù không ra được, thì trong tôi vẫn luôn đầy ắp những kí ức đẹp đẽ và thiêng liêng về Tết Giáp Ngọ năm 2014 ở nơi ấy.
Chiến sĩ Trạm Ra đa 11, Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377) cùng cán bộ, chiến sĩ
và nhân dân trên đảo Trường Sa Lớn gói bánh chưng ăn Tết.
Nỗi nhớ về Tết ở Trường Sa bắt đầu bằng câu nói hết sức ngớ ngẩn của tôi với Trung úy Trịnh Công Khoái – Bí thư Chi bộ Đội Bảo đảm kỹ thuật Sân Bay Trường. Ấy là khi Khoái đi nhờ một cán bộ khác trên đảo cạo hộ chân tóc. Tôi bảo rằng, ở bốn bề biển biếc thế này, có cô gái nào để khoe đâu mà Bí thư làm đẹp tỉ mỉ thế?. Khoái cười hiền mà bảo tôi rằng, ngày thường gọn gàng, ngăn nắp, nhưng Tết thì phải đẹp hơn chứ. Sau câu hỏi vô tư đến vô tâm (cố ý) ấy, tôi biết Khoái chạnh lòng. Từ chạnh lòng nên Khoái tâm sự rằng: Tết ở đất liền thì việc làm đẹp đi du Xuân sẽ “bõ công” hơn, nhưng làm đẹp để đón Tết ở Trường Sa ngoài làm cho nhau chỉnh chu hơn thì còn là việc làm “thượng tôn” nét văn hóa cổ truyền đẹp đẽ của dân tộc. Ở Trường Sa, ai cũng ý thức được điều ấy.
Tết ở Trường Sa cũng bánh chưng xanh, cũng thịt lợn, cũng dưa hành, cũng câu đối đỏ. Cũng hoa mai, hoa đào rực rỡ… đủ đầy. Và phải tinh ý lắm, chúng ta mới có thể nhận thấy sự riêng biệt trong cái Tết cổ truyền của dân tộc ở nơi ấy.
Chiều 30 Tết năm ấy, Trung tá Nguyễn Văn Thắng – Chính trị viên Trạm ra đa 11, Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377) bật mí cho tôi nhận ra cái riêng biệt Tết ở Trường Sa, đó là hãy nhìn sâu vào đôi mắt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo lúc chuông chùa ngân điểm giây khắc giao thừa, lắng nghe thơ chúc Tết của Bác và nghe Chủ tịch nước chúc Tết.
Tôi không thể nào quên được những đôi mắt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo trong cái thời khắc ấy. Có một đặc điểm chung từ ánh nhìn phát đi trong những đôi mắt ấy là mọi đôi mắt đều nhìn phả nhoài về phía mênh mông biển biếc. Nhìn như để kiếm tìm điều gì đó trong cuồn cuộn những con sóng tràn lấp lên nhau. Dây khắc ấy đi qua nhanh thôi, nhưng những nụ cười ngấn nước, những tiếng hát vong vỏng hòa tiếng sóng biển cũng đủ làm trái tim người làm báo như tôi khắc khoải, cảm phục
Trong cái thời khắc đón giao thừa thiêng liêng, vẫn Trung tá Nguyễn Văn Thắng, người đã bật mí cho tôi nhận ra điều riêng biệt ấy đã đến bên tôi và hỏi rất chân thành rằng, khi Tết đến tôi mong điều gì nhất?.
Chia lá dong và thực phẩm ăn Tết trên đảo Trường Sa Lớn.
Tết là dịp để người thân dù đi đâu, ở đâu cũng tìm về chung vui ở quê hương, bên gia đình. Tôi đã từng có những cái Tết xa nhà trong đời quân ngũ. Cũng có những giây khắc nhớ quê hương, gia đình, người thân ra riết trong lúc đất trời giao hoan năm cũ qua đi, năm mới đến. Dẫu đã xác định rõ ràng, là người lính thì nhiệm vụ trực ban, SSCĐ bảo vệ nhân dân đón Tết là nhiệm vụ thiêng liêng, hàng đầu, nhưng đón Tết ở đất liền vẫn có cái cảm giác gần gũi nhiều hơn. Còn cái cảm giác vời vợi trong nối nhớ, lằn lên trong đôi mắt kiếm tìm hình ảnh người thân, gia đình trong lúc giao thời thì chỉ có Tết ở Trường Sa.
Và nỗi nhớ mãi trở thành kí ức đẹp đẽ, thiêng liêng.
Bài, ảnh: NGÔ TIẾN MẠNH