Hồi sinh những vùng đất chết
Theo ước tính, trên lãnh thổ nước ta hiện nay còn khoảng 800 nghìn tấn bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh và gần 6,6 triệu héc ta bị ô nhiễm bom mìn. Số bom mìn, vật nổ này nằm rải rác ở các địa phương, nhất là tại các sân bay, trận địa, kho tàng, nhà máy… suốt từ Bắc vào Nam. Vì vậy, những người lính công binh Lữ đoàn 28, Quân chủng PK-KQ luôn xác định nhiệm vụ dò, phá bom mìn, vật nổ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài để “hồi sinh những vùng đất chết”, góp phần xây dựng các công trình quân sự, dân sự phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, quản lý vùng trời của các đơn vị trong Quân chủng và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Bài 1: “Ra trận” trong thời bình
Chúng tôi có dịp gặp Trung tá Đào Văn Dũng - Trợ lý Trinh sát kiêm hóa học, Phòng Tham mưu, Lữ đoàn 28 khi anh đang chuẩn bị cho chuyến công tác cơ động làm nhiệm vụ tại Sân bay Cần Thơ. Trong gian kho nhỏ của bộ phận Trinh sát, rất nhiều vật dụng như: Hộp máy dò, hòm hồ sơ bom, mìn; quần áo, găng tay, giày, mũ bảo hộ… được sắp đặt gọn gàng, khoa học; những dụng cụ nhà bếp như nồi cơm điện, bát, đũa, xoong, chảo bảo đảm công tác hậu cần đời sống cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Đội rà phá bom mìn được bao gói cẩn thận. Anh chia sẻ: “Thời gian anh em chúng tôi cơ động đi thực hiện nhiệm vụ nhiều hơn ở đơn vị. Năm 2020, anh em trong Đội đã rong ruổi hơn 6 tháng để thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật nổ ở khu vực Sân bay Cần Thơ, Phan Thiết và khu vực Trường Sơn Đông… Thế nên, mọi thứ luôn phải sẵn sàng như này để khi có lệnh là anh em lên đường trong thời gian ngắn nhất”.
Cán bộ, chiến sĩ Đội trinh sát Lữ đoàn 28 đào tìm bom, mìn, vật nổ tồn sót dưới lòng đất.
Tại góc nhỏ nhà kho, Thượng úy QNCN Trần Hồng Việt - Tiểu đội trưởng Trinh sát, đang kiểm tra lại chất lượng các máy dò bom, mìn. Anh tỉ mẩn ghi chép, thống kê những bộ có chất lượng tốt, ổn định và cả những bộ cần hiệu chỉnh, sửa chữa. Trò chuyện với các anh, chúng tôi như cuốn vào công việc của những người lính làm nhiệm vụ đầy khó khăn, gian khổ và vô cùng vất vả này.
Không hề quá khi nói rằng, mỗi lần thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật nổ ở bất cứ đâu, mỗi người lính công binh đều xác định như một lần “ra trận”, công việc của họ luôn phải đối mặt với những hiểm nguy. Với thâm niên hơn 10 năm gắn bó cùng công việc luôn tiềm ẩn những hiểm nguy, anh Dũng không thể nhớ hết mình và đồng đội đã bao nhiêu lần cơ động đến bao nhiêu vùng đất, dò tìm, hủy nổ được bao nhiêu quả bom, mìn… Nhưng chuyến công tác thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật nổ khu vực nhiễm Dioxin tại Sân bay Đà Nẵng để cho các chuyên gia thực hiện nhiệm vụ tẩy chất độc vào năm 2012 là chuyến công tác đáng nhớ nhất của anh. Anh Dũng không bao giờ quên, những ngày Hè bỏng rát, khu sân bay ngập nắng lửa từ sớm, nhiệt độ ngoài trời thường xuyên trên 40 độ C, nhưng vì dò bom mìn ở vùng đất nhiễm độc, họ còn phải dùng thêm bộ đồ phòng hóa OZK vừa nặng, vừa kín. Nhiệt độ cơ thể có lúc lên tới hơn 50 độ C. Làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, nguy hiểm, độc hại, nên họ phải gồng mình hoàn thành công việc và đáp ứng những yêu cầu vô cùng khắt khe của các quan sát viên quốc tế.
Trong lần đi làm nhiệm vụ này, cũng là lần đầu tiên anh Dũng và toàn đội công tác gặp nhiều loại bom, mìn lạ mà các anh chưa từng gặp, chưa từng được học hay đọc ở tài liệu nào. Anh kể, khi đã tập kết hết lượng bom mìn dò được về bãi, buổi trưa bỗng có một quả mìn tự phát nổ, một quả cùng loại chưa nổ nhưng liên tục xì khói trắng. Anh rất lo lắng, cả trưa không nghỉ, anh tìm kiếm cách xử lý thông qua nghiên cứu tài liệu, hỏi đồng đội ở các quân, binh chủng bạn, cuối cùng được biết đó là loại mìn phát quang. Anh biết rằng đào từ dưới đất lên, lớp thép ngoài đã gỉ, lõi mìn là phốt pho trắng, nên khi gặp môi trường có oxi nó tự phát nổ. Do vậy, khi đã hiểu được nguyên lý của loại mìn này, anh đã tìm ra giải pháp xử lí đơn giản mà hiệu quả là vùi xuống đất hoặc ngâm xuống nước.
Là người dày dạn trong nghề, anh Dũng đúc rút ra kinh nghiệm của bản thân và truyền lại những kinh nghiệm cho anh em trong Đội, nhất là những đồng nghiệp trẻ về cách phân biệt các loại bom, mìn, cách xử lý… Theo anh Dũng, thực ra các loại bom to rất dễ xử lý nếu nắm chắc nguyên lý hoạt động, sơ đồ vị trí ngòi nổ và mạch điện. Nhưng bom bi lại là loại bom thường xảy ra nhiều nguy hiểm bởi người xử lý thường có tâm lý chủ quan. Tuy bé và dù đã nằm dưới đất nhiều năm, bề ngoài đã gỉ sét nhưng chúng được thiết kế với những kết cấu rất vững chắc, có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Đã rất nhiều lần, bản thân anh Dũng trực tiếp xử lý thành công những quả bom nguy hiểm; điển hình như năm 2015, khi xử lý quả bom M118 tại Sân bay Hòa Lạc, vì phải đưa quả bom có trọng lượng 3 tạ từ đáy ao bùn lên mặt đất, tổ công tác đã phải thuê máy xúc bên ngoài vào thực hiện nhiệm vụ; mới đầu người lái máy xúc đã từ chối công việc, nhưng sau khi được anh Dũng giải thích và cùng trực tiếp ngồi trên buồng lái, người lái máy xúc đã đồng ý lái máy xúc đưa quả bom lên mặt đất và mang đi tiêu hủy an toàn. Anh Dũng cho biết, anh thường xuyên trực tiếp ngồi cùng xe chở bom mìn, vật nổ về bãi tập kết. Để kiểm soát và nhắc nhở lái xe về tốc độ, tránh cung đường sóc, tuyệt đối không được phanh gấp, vì có rất nhiều loại bom, mìn sẽ bị kích nổ chỉ với một cú va chạm rất nhẹ. Bên cạnh đó, những loại đạn pháo, tên lửa phục vụ các lực lượng trong Quân chủng bắn đạn thật, khi phóng ra gặp sự cố không nổ, các anh cũng phải tìm cách xử lý an toàn.
Công tác rà phá bom mìn, vật nổ là công việc vô cùng vất vả, thường xuyên đối mặt với hiểm nguy rình rập. Làm sao để đảm bảo an toàn tính mạng cho mình, cho đồng đội và cả các phương tiện khí tài, đòi hỏi rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh của người lính làm nhiệm vụ này.
BÍCH PHƯỢNG
>>> Bài 2: Bản lĩnh người lính rà phá bom mìn