8 giờ:35 phút Thứ sáu, ngày 27 tháng 1 , 2017

Câu đối ở Đền Hùng - Khí phách Việt, tâm hồn Việt

Đã từ lâu, Đền Hùng thờ đức Quốc Tổ Hùng Vương trở thành biểu tượng của lòng tự hào dân tộc, của niềm thương nỗi nhớ trong trái tim mỗi con Lạc cháu Hồng và là điểm tựa tinh thần cho mỗi bước đi của Tổ quốc Việt Nam. Xuất phát từ tình cảm ấy, người xưa đã tạc nên những câu đối thấm đẫm truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” ở Đền Hùng.

Trong kho tàng văn hóa của dân tộc ta, câu đối không chỉ thể hiện trí tuệ uyên thâm mà còn là hình thức chơi chữ tao nhã của người Việt. Câu đối là sự chắt lọc, kết tinh những giá trị tình cảm, đạo đức, văn hóa, tư duy, tình cảm, tư tưởng, chiêm nghiệm của người đời. Đặc biệt, câu đối thường được đặt ở những vị trí trang trọng, linh thiêng, tôn kính như ở ban thờ tổ tiên, đền, chùa, lăng, miếu... Điều đó càng nói lên ý nghĩa nhân văn sâu sắc của câu đối.

 

Câu đối ở Đền Hùng - Khí phách Việt, tâm hồn Việt
Câu đối bên ngoài Đền Thượng, có nghĩa là: “Qua cố quốc, ngắm Lô, Thao, sóng hồng nước biếc như xưa, sông hai dải bao quanh chầu Bạch Hạc/ Lên đình mới, vái lăng, tẩm, huyện Xích châu Thần còn đó, bốn mặt núi sông gìn giữ Chu Diên”. 

Ngay từ cổng chính, nơi nâng những bước chân đầu tiên của con cháu lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thắp nén tâm nhang cho mộ Tổ, đã có câu đối uy nghi ở bên trụ ngoài: “Đăng giả hệ hà tư, vạn cổ giang sơn đế tạo thủy/ Giai tai do vượng khí, thiên niên thành quách úy thông gian” (Lên đây nhớ về cội, vạn cổ giang sơn chốn này tạo dựng/ Đẹp thay nhờ vượng khí, nghìn năm thành quách cây cỏ tốt tươi).

Còn ở bên trụ trong có câu đối: “Thác thủy khai cơ, tứ cố sơn hà quy bản tịch/ Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn” (Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông về một lối/ Lên cao nhìn khắp, trập trùng đồi núi tựa cháu con)

Chùa Thiên Quang (còn có tên gọi khác là “Thiên Quang Thiền Tự”) được xây dựng từ thời Trần (thế kỷ 13-14) và được xây dựng lại vào thời Tự Đức thứ ba (năm 1850) theo kiến trúc truyền thống “nội công ngoại quốc” có câu đối: “Chức chưởng giả làm, khai tịch điền viên công hậu đại/ Quyền cư chủ tể, khuôn phù thiện tín chúng đàn na” (Chức chốn cửa thiền, khai mở rộng vườn công lao to lớn/ Quyền ngôi chủ tế, phù trì thiện nam tín nữ khắp nơi).

Đền Thượng có Kính Thiên Lĩnh Điện (điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh)-nơi tương truyền, các Vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để tiến hành nghi lễ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần Lúa, cầu mong cho nhân khang vật thịnh, mưa thuận gió hòa và mùa màng tốt tươi. Bên trụ ngoài ở đền có câu đối: “Qua cố quốc, miện Lô, Thao, y nhiên bích lãng hồng đào, khâm đái song lưu hồi Bạch Hạc/ Đăng tân đình, bái lăng tẩm, do thị Thần châu Xích huyện, sơn hà tứ diện khống Chu Diên” (Qua cố quốc, ngắm Lô, Thao, sóng hồng nước biếc như xưa, sông hai dải bao quanh chầu Bạch Hạc/ Lên đình mới, vái lăng, tẩm, huyện Xích châu Thần còn đó, bốn mặt núi sông gìn giữ Chu Diên).

Trụ bên trong có câu đối: “Thông thông úy úy, trung hữu lăng yên, tẩm yên, long phụ tiên mẫu chi tinh linh, khải hựu hậu nhân võng khuyết/ Cổ cổ kim kim, kiến thử sơn dã, thủy dã, thánh tổ thần tôn chi sáng tạo, ô hô tiền nhân bất vong” (Giữa cỏ cây tốt tươi, nào lăng, nào tẩm, tinh anh cha Rồng mẹ Tiên, phù hộ đời sau không chỗ nào sót/ Từ xưa đến tận nay, kìa núi, kìa sông, thánh tổ thần tôn sáng tạo, ô hô tiền nhân công đức chẳng quên).

Ở trong Đền Thượng có các câu đối:

- “Thử địa thử sơn Nam quốc kỷ/ Ngô vương ngô tổ Bắc thần tôn” (Đất này, núi này, dân nước Nam ghi nhớ/ Vua ta, tổ ta, như Bắc Đẩu trên cao)

- “Thần thánh khải Nam bang, chí kim địa bất cải tịch, dân bất cải tụ/ Huân cao phụng thanh miếu, thị vị mộc chi hữu bản, thủy chi hữu nguyên” (Thần thánh mở nước Nam, đến nay dân vẫn đông, đất vẫn rộng/ Công lao thờ tại miếu, ấy là cây có gốc, nước có nguồn).

- “Thiên thư định phận, chính thống triệu minh đô, Bách Việt sơn hà tri hữu tổ/ Quang nhạc hiệp linh, cố cung thành tụy miếu, tam giang khâm đái thượng triều tôn” (Sách trời đã định, chính thống dựng kinh đô, non sông Bách Việt đã có tổ/ Núi sáng linh thiêng, cố cung lập thành miếu, ba sông một dải hướng về nguồn).

- “Hồng Lạc cố cơ tồn, diệp chướng tằng man quần thủy hợp/ Đế vương linh khí tại, hào phong nộ vũ nhất phong cao” (Nền cũ Hồng Lạc còn đây, núi đồi trập trùng ba sông hợp lại/ Linh khí đế vương vẫn đó, mưa gào gió thét một ngọn núi cao).

Ở Lăng Hùng Vương, tương truyền thờ Vua Hùng thứ 6 được xây trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh có 2 câu đối chữ Hán:

- “Duật duật hoàng hoàng, phối thiên kỳ trạch, đế nhi tổ/ Thông thông úy úy, đắc địa chi linh, sơn diệc hùng” (Vời vợi lớn lao, ơn sánh ngang trời, vua là tổ/ Tươi tươi tốt tốt, khí thiêng của đất, núi oai hùng).

- “Duy Tổ quốc tinh thần, nhất thập bát truyền căn bản địa/ Khảo cố đô danh thắng, kỷ niên cổ tải đế vương lăng” (Tổ quốc linh thiêng, trải mười tám đời đây nơi đất gốc/ Khảo kinh đô cũ, mấy nghìn năm còn lại đến vương lăng).

Và một câu đối chữ Nôm: "Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản sông Đà, non nước vẫn quay về Đất Tổ/ Văn minh đương buổi mới, con Hồng cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ mồ ông".

Đền Giếng, tương truyền là nơi thờ hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) có tới 12 câu đối, trong đó có những câu như:

- “Thập bát truyền vi quân vi vương, trùng xuất tiên nga duy mạt tạo/ Ngũ thập tử quy sơn quy hải, biệt chung thần nữ thiệu anh phong” (Mười tám đời truyền làm quân vương, xuất hiện hai vị tiên nga cuối dòng họ/ Năm mươi người con lên núi xuống biển, một nàng thần nữ nối ngôi cha).

- “Hồng Lạc xuất anh tư, nhất cố thần, lưỡng cố hóa/ Tiên Long chung tu khí, sơn tắc danh, thủy tắc linh” (Hồng Lạc giống tinh anh, một là thần, hai là thánh/ Tiên Rồng hun tú khí, núi ắt đẹp, sông ắt thiêng).

- “Hoàng triều lăng tẩm hoàng đô tại/ Nam quốc thần tiên để nữ tông” (Lăng tẩm Vua Hùng vẫn còn ở kinh đô này/ Thần tiên nước Nam là dòng dõi con gái vua).

Mỗi câu đối như được chưng cất, kết đọng cả hồn thiêng sông núi suốt mấy nghìn năm, nhưng chủ đề xuyên suốt và nội dung cốt lõi của 25 câu đối trên 1 cổng đền và 4 nơi thờ tự (1 chùa, 2 đền, 1 lăng) ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng đều mang nặng công ơn trời biển của các Vua Hùng đã có công khai cơ lập quốc, gây dựng non sông, bồi đắp nòi giống Lạc Hồng để dân Việt nước Nam trường tồn đến ngày nay và nhắc nhở, động viên các thế hệ con cháu tiếp tục noi gương tổ tiên, cùng chung tay góp sức chăm lo gìn giữ, bảo vệ non sông gấm vóc ông cha để lại. Không những thế, tự thân mỗi câu đối đều bao hàm giá trị đạo đức văn hóa truyền thống của dân tộc ta-một dân tộc luôn coi trọng đạo lý “Cây có cội, sông có nguồn, chim có tổ, người có tông, dù xa cách muôn trùng vẫn luôn hướng về đất Tổ Hùng Vương”. Có thể nói, thật hiếm thấy khu di tích lịch sử nào trên đất nước ta lại có nhiều câu đối thấm đẫm khí phách Việt, tâm hồn Việt như ở Đền Hùng!

Theo qdnd.vn

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website