8 giờ:5 phút Chủ nhật, ngày 26 tháng 1 , 2025

Học viện Phòng không - Không quân đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo

Những năm gần đây, cùng với đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, quy trình và phương pháp đào tạo, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Phòng không - Không quân (PK-KQ) cũng thường xuyên quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác chuyển đổi số (CĐS); đồng thời, ứng dụng hiệu quả vào công tác quản lý, hoạt động dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo (GD, ĐT).

Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo
Giờ huấn luyện thực hành tại Phòng học mô phỏng của học viên chuyên ngành Pháo phòng không, Học viện PK-KQ.

Thiếu tướng Trần Trọng Tuyến - Chính ủy Học viện cho biết: “Những năm qua, để nhanh chóng triển khai chủ trương CĐS, Học viện đã thành lập Ban Chỉ đạo Xây dựng Chính phủ điện tử; xây dựng và thực hiện “Chiến lược CĐS trong lĩnh vực GD, ĐT đến năm 2030”; mô hình “Nhà trường thông minh tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, nhằm triển khai có hiệu quả các quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về CĐS quốc gia; trong đó xác định rõ mục tiêu trong từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện cụ thể; tiến hành CĐS từng phần, từng mảng, theo từng giai đoạn, tiến tới chuyển đổi toàn diện, tổng thể. Cùng với đó, Học viện tích cực bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ về CĐS và xây dựng văn hóa số để hướng đến mục tiêu thực hiện thành công CĐS”.

Trong điều kiện hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền, dịch vụ Internet trong Học viện còn chưa đồng bộ; việc mã, số hóa các dữ liệu và nguồn nhân lực phục vụ cho CĐS còn nhiều khó khăn; hệ thống các phần mềm quản lý, phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu mặc dù đã được quan tâm đầu tư, song một số hạng mục còn chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế... Trước tình hình đó, thời gian qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của trên, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hóa, bám sát chuẩn đầu ra của các đối tượng đào tạo theo yêu cầu thích ứng CĐS. Bên cạnh đào tạo các chuyên ngành, Học viện đã chú trọng nâng cao chất lượng dạy, học, sử dụng ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng sử dụng, ứng dụng công nghệ số trong công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, để sau khi ra trường, học viên có đủ trình độ, năng lực, thích ứng với yêu cầu CĐS ở đơn vị cơ sở.

Về nguồn nhân lực, hằng năm, Học viện đã cử hàng trăm lượt cán bộ, nhân viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng công nghệ thông tin và các ngành liên quan đến CĐS do các cơ quan, nhà trường, đơn vị trong và ngoài Quân đội tổ chức. Sau khi được đào tạo, bồi dưỡng, lực lượng này sẽ làm nòng cốt trong thúc đẩy CĐS và xây dựng, thực hiện các phương án bảo đảm an toàn thông tin, giữ bí mật quân sự, phòng chống thông tin giả, khủng bố an ninh mạng… Học viện cũng tăng cường liên kết với các cơ sở có uy tín, chuyên sâu để chuyển giao, hỗ trợ các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý, điều hành, góp phần đẩy nhanh việc CĐS trong Học viện. 

 Hiện nay, Học viện đã đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, nhất là các giảng đường, phòng làm việc; mạng truyền số liệu quân sự, hệ thống thông tin liên lạc, thư viện điện tử, trung tâm điều hành huấn luyện, phòng bảo vệ luận văn, đồ án…. Các dữ liệu, thông tin quản lý được mã, số hóa, có độ bảo mật cao cùng với hệ thống phần mền quản lý, giảng dạy nghiên cứu khoa học. Học viện cũng khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế từ nền tảng công nghệ mà CĐS mang lại vào đổi mới hình thức, phương pháp dạy, học và kiểm tra, đánh giá kết quả trên cơ sở áp dụng công nghệ số với các phương pháp dạy học hiện đại; khuyến khích, hỗ trợ, áp dụng các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số, như: Bài giảng điện tử, học liệu điện tử, phần mềm mô phỏng; thi, kiểm tra, chấm thi, đánh giá kết quả bằng phần mềm, bảo đảm khách quan, công bằng, nhanh chóng, chính xác và bảo mật thông tin. 100% các đề tài nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên, học viên đều được xây dựng trên các phần mềm công nghệ và số hóa sau khi được nghiệm thu.

Đại tá Lê Công Thành - Phó Giám đốc Học viện chia sẻ: “Học viện đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ứng dụng các công nghệ mới, như: Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud Computing)… để phân tích, tổng hợp, dự báo, hỗ trợ công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý ra quyết định, điều hành các hoạt động thường xuyên. Hiện nay, Học viện đã số hóa 1.406 đầu tài liệu dạy học với 112.500 trang; xây dựng 16 giáo trình điện tử và 45 phần mềm dạy học; quản lý 31 phòng học mô phỏng huấn luyện, mô phỏng vũ khí, khí tài trang bị chuyên ngành, 4 phòng học chuyên dùng có ứng dụng công nghệ số. Tất cả các hoạt động của Học viện được theo dõi, quản lý bởi 318 camera kết nối với trung tâm chỉ huy, điều hành huấn luyện. Các phòng họp, giao ban, hội nghị trực tuyến luôn thông suốt với cấp trên, cấp dưới và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Việc tương tác giữa các chủ thể - đối tượng trong nhiều hoạt động, tình huống, hoàn cảnh cụ thể như cách ly, phòng chống dịch bệnh, hành quân dã ngoại… bằng không gian số và được bảo mật tuyệt đối”.

Những thành công bước đầu trong CĐS ở Học viện PK-KQ đã làm thay đổi căn bản, toàn diện các yếu tố trong công tác chỉ huy, quản lý, điều hành và tương tác trong các hoạt động từ truyền thống sang hiện đại nhờ ứng dụng công nghệ số. Đây là nền tảng vững chắc để Học viện PK-KQ từng bước xây dựng nhà trường thông minh, nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt công tác, xây dựng Học viện “Cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

DƯƠNG QUỐC CHIẾN
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website