8 giờ:42 phút Chủ nhật, ngày 26 tháng 1 , 2025

Bước đột phá trong sửa chữa máy bay phản lực chiến đấu ở Nhà máy A32

Năm 2024, Nhà máy A32 đã thành công trong sửa chữa lớn và tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-30MK2 lên trên 20 năm. Kết quả đó khẳng định năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân của Nhà máy. Đây cũng là bước đột phá trong lịch sử sửa chữa máy bay quân sự của Quân đội ta.

Bước đột phá trong sửa chữa máy bay phản lực chiến đấu ở Nhà máy A42
Ban Giám đốc Nhà máy A32 chụp ảnh lưu niệm với phi công Trung đoàn 923, Sư đoàn 371 sau khi bay thử thành công máy bay Su-30MK2.

Ngoài nhiệm vụ chính là sửa chữa các loại máy bay phản lực chiến đấu, Nhà máy còn đảm nhận kiểm định, hiệu chuẩn, sửa chữa phương tiện đo, sửa chữa xe máy đặc chủng, trang thiết bị và sản xuất phụ tùng vật tư kỹ thuật phục vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và huấn luyện của Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ)... Su-30MK2 là loại máy bay có nhiều bộ phận, nhất là linh kiện điện tử, kỹ thuật số rất tinh vi, phức tạp. Từ trước đến nay, ngoài nhà sản xuất thì có rất ít quốc gia đủ khả năng sửa chữa dòng máy bay hiện đại này. Những năm qua, Nhà máy đã thành công trong sửa chữa nhiều máy bay chiến đấu Su-22, Su-27 phục vụ cho các đơn vị huấn luyện, SSCĐ. Nhà máy cũng đã tăng hạn sử dụng, sửa chữa cục bộ thành công cho 10 máy bay Su-30MK2. Tuy nhiên, khi nhận nhiệm vụ sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-30MK2 thì Nhà máy gặp không ít khó khăn, như: Quy trình công nghệ chưa hoàn chỉnh; đội ngũ kỹ sư, công nhân chưa có kinh nghiệm sửa chữa lớn trên máy này; phương tiện kiểm tra, linh kiện khan hiếm; số lượng công việc nhiều, phức tạp, đòi hỏi phải tập trung nhiều trí tuệ, nhân lực, vật tư thay thế. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, là một thử thách lớn đối với đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân ở các cơ quan, phân xưởng.

Trước những khó khăn, thử thách đó, lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy với sự quyết đoán, phát huy trí tuệ tập thể, dám nghĩ, dám làm đã động viên, khuyến khích cán bộ, kỹ sư, công nhân viên đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các cơ quan, phân xưởng, kỹ sư đầu ngành tìm tòi, nghiên cứu, chẩn đoán các hỏng hóc. Qua các lần sửa chữa cục bộ, tăng hạn sử dụng các máy bay Su-30MK2, đội ngũ kỹ sư, công nhân đã tích lũy được kinh nghiệm trong sửa chữa các chuyên ngành từ đó nghiên cứu, vẽ sơ đồ mạch điện, nguyên lý các khối máy, hệ thống các mảng, mô đun, linh kiện, của máy bay Su-30MK2 và đề ra các phương án khắc phục, thay thế. Kế thừa và phát triển công nghệ trước cùng với kết quả nghiên cứu mới, Nhà máy đã xây dựng, trình thẩm định bộ pháp lý sửa chữa máy bay Su-30MK2 với tổng trên 900 quyển/tập, gần 60 nghìn trang tài liệu phục vụ công tác sửa chữa, nghiệm thu, bay thử máy bay Su-30MK2. Đồng thời, tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, huấn luyện chuyển loại lý thuyết và thực hành công nghệ sửa chữa máy bay Su-30MK2 cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật.

Nhà máy đã chủ động tìm nguồn vật tư, linh kiện để phục vụ cho việc chẩn đoán, thay thế, sửa chữa. Bên cạnh đó, tự sản xuất hàng trăm vật tư kim loại, phi kim loại thay thế như: Các loại roăng, đệm; ống mềm chịu nhiệt, chịu hóa chất… Các cơ quan, phân xưởng phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để cải tiến, nâng cấp sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng được nhiều thiết bị để sửa chữa các hệ thống điều khiển vũ khí, ra đa, thiết bị lẻ đặc chủng. Quá trình sửa chữa với hàng chục nghìn linh kiện được tháo dỡ, tẩy rửa, xếp bộ đưa qua 11 phân xưởng, bộ phận để chẩn đoán, sửa chữa, lắp ráp, sơn mới, kiểm tra, kiểm định, bay thử.

Với lòng đam mê, sáng tạo, phát huy tinh thần thi đua “mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba”; các cơ quan, phân xưởng đã không quản ngày, đêm, làm việc cả ngày nghỉ, giờ nghỉ, tăng ca kíp để sửa chữa cho kịp tiến độ. Sự miệt mài, cố gắng của cán bộ, công nhân viên đã được đền đáp. Tháng 10-2024, Nhà máy đã tiến hành bay thử chiếc máy bay Su-30MK2 đầu tiên sau sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng lên trên 20 năm, sau đó bàn giao cho đơn vị phục vụ huấn luyện, SSCĐ.

Thành công của sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-30MK2 của Nhà máy A32 là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc, làm chủ hoàn toàn công nghệ sửa chữa máy bay phản lực chiến đấu của của ngành hàng không nước nhà. Khẳng định Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có đủ năng lực sửa chữa máy bay phản lực chiến đấu họ Su. Kết quả đó góp phần quan trọng giúp Nhà máy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Năm 2024, Nhà máy được Quân chủng PK-KQ tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”; nhiều tập thể và cá nhân được khen thưởng.

PHẠM BÁ NGUYÊN
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website