22 giờ:4 phút Thứ hai, ngày 5 tháng 6 , 2017

Xây dựng nếp sống lành mạnh, giản dị cho cán bộ, đảng viên

Trước thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên sa đà vào ăn uống, nhậu nhẹt quá đà và một số cơ quan tiếp khách rình rang, lãng phí, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nêu rõ: “Khắc phục ngay tình trạng ăn uống, chè chén, “liên hoan”, “gặp mặt” không lành mạnh, với động cơ không trong sáng”.

Tiếp đó, Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” đã yêu cầu: “Chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, “chè chén” xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội”; đồng thời khi tiếp khách “không tổ chức ăn uống lãng phí”.

Vệt bài dưới đây sẽ góp phần làm sáng tỏ thực trạng, tìm nguyên nhân và đề xuất các giải pháp giải quyết vấn đề trên.

Bài 1: Ăn uống quá đà, tiếp khách lãng phí và những hệ lụy

Có những câu chuyện tưởng như rất riêng tư vì liên quan đến quyền cá nhân của mỗi con người, nhưng lại tạo ra những “làn sóng” bàn tán xì xào, thậm chí gây phản cảm trong dư luận xã hội, nhất là chuyện ăn uống, tiệc tùng liên quan đến cán bộ, đảng viên. Việc ăn uống quá đà, nhậu nhẹt lãng phí không những làm tổn hại đến hình ảnh người cán bộ, đảng viên trong con mắt quần chúng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến việc giữ vững kỷ luật của Đảng và kỷ cương, đạo đức công vụ.

“Ma men” làm giảm tư cách cán bộ

Văn hóa ẩm thực là nét văn hóa hình thành tự nhiên và gắn liền với cuộc sống con người. Để giữ nét đẹp văn hóa trong ăn uống, ông cha ta đã có nhiều lời căn dặn chí tình như: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “Ăn trông nồi ngồi trông hướng”, nhưng đồng thời cũng cảnh tỉnh, khuyên răn: “Quá khẩu thành tàn”, “Rượu nhạt uống lắm cũng say”…

 

Xây dựng nếp sống lành mạnh, giản dị cho cán bộ, đảng viên
Ảnh minh họa. Nguồn:  24h.com.vn.
Từ trong truyền thống, người Việt ta trọng tình cảm, thích ngồi với nhau hàn huyên, tâm sự bên bàn trà, chén rượu. Vì thế từ lâu, việc tổ chức ăn uống, tiệc tùng, giao lưu với anh em, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác… đã trở thành một nét văn hóa khá đặc trưng trong tâm lý người Việt. Xét ở góc độ tích cực, nét văn hóa ẩm thực này có tác dụng củng cố, tăng cường gắn kết các mối quan hệ, làm cho tình cảm giữa con người với con người thêm thân thiện, nồng ấm. Tuy vậy, nếu sa đà vào ăn uống, nhậu nhẹt bê tha sẽ làm tổn hại sức khỏe, tư cách của chính mình.

 

Thời gian qua, trong khi phần lớn cán bộ, đảng viên vẫn giữ được hình ảnh, tư thế, tác phong, lối sống lành mạnh khi tham dự các cuộc liên hoan ăn uống tập thể, tiệc tùng, vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên tổ chức ăn uống lãng phí, “chè chén” xa hoa, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Đáng nói hơn, có nhiều cán bộ ăn uống, nhậu nhẹt đến mức bê tha nên có những cử chỉ, hành vi thiếu chuẩn mực và đã bị cấp ủy, tổ chức đảng phải xử lý kỷ luật.

Có thể điểm lại một số vụ việc nổi cộm như: Tháng 8-2014, ông Bùi Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ và ông Phạm Thành Chung, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước sau khi nhậu nhẹt đã xô xát nhau ngay tại quán karaoke. Tháng 9-2016, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó trưởng Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ (Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Thuận) do ăn nhậu quá đà đã cầm cốc bia đập vào đầu một “bạn nhậu” nguyên là cán bộ từng công tác ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy khiến ông này phải đi cấp cứu tại bệnh viện với 9 mũi khâu trên đầu! Tháng 10-2016, cũng vì “ma men” chi phối trong khi nhậu, ông Nguyễn Hữu Truyền, Bí thư Đảng ủy xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắc Lắc) đã đánh ông Nguyễn Hưng là cán bộ địa chính xã khiến ông này bị thâm tím mặt mày.

Không chỉ có chuyện cán bộ “ẩu đả” cán bộ trong quán ăn, bên bàn nhậu mà có những cán bộ cũng vì rượu, bia quá chén, không làm chủ được bản thân nên đã có những hành vi làm tổn hại đến nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của người dân. Cách đây 7 năm, ông Trần Hoài Bảo, Phó chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An) có hành vi uống rượu say rồi đánh gây thương tích bà lão ngoài 60 tuổi khiến dư luận rất bức xúc. Tháng 12-2015, ông Trần Quang Hùng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) sau khi uống rượu say vẫn lái xe ô tô nên đã gây ra vụ tai nạn liên hoàn, làm 8 người dân bị thương. Hậu quả là ngoài bị phạt tù giam 18 tháng, ông Hùng còn phải bồi thường cho các gia đình bị hại hơn 138 triệu đồng.

Không hủy hoại khủng khiếp như ma túy, nhưng có lẽ nếu không vì “ma men dẫn lối chỉ đường” thì những cán bộ nêu trên đã không có những cử chỉ lệch lạc, hành vi sai trái như thế.

Ông Hà Hữu Đức, Phó vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho biết: Cách đây 6 năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 “Về những điều đảng viên không được làm”, trong đó nêu rõ: “Đảng viên không được uống rượu, bia đến mức bê tha”. Trong nhiệm kỳ Đại hội XI (2011-2015), cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp đã kỷ luật 8.683 đảng viên vi phạm đạo đức, lối sống, trong đó có nhiều đảng viên bị kỷ luật do sa đà vào ăn uống, chè chén đến mức bê tha, không giữ được tư cách.

Nợ nần vì… ăn uống, tiếp khách

“Miệng ăn núi lở”. Lời người xưa cảnh báo đến nay vẫn còn tính thời sự nóng hổi. Cũng chỉ vì ăn uống, tiếp khách quá nhiều mà không ít người tự biến mình vừa là “khổ chủ”, vừa là “con nợ”. Mấy năm trở lại đây, người dân không khỏi phiền lòng vì “vấn nạn” tiếp khách, ăn uống tràn lan có xu hướng gia tăng ở nhiều cơ sở, cơ quan, ban, ngành. Dư luận từng “điểm mặt chỉ tên” nhiều nơi đã dính líu nợ nần tràn lan do chi tiêu ăn uống, tiếp khách quá nhiều!

Đồng Thái là một trong những xã khó khăn của huyện miền núi Ba Vì (TP Hà Nội). Tháng 7-2015, dư luận từng xôn xao trước việc xã Đồng Thái không những gánh khoản nợ hơn 33 tỷ đồng xây dựng cơ bản mà địa phương này còn nợ hơn 2 tỷ đồng cho việc chi thường xuyên như: Hội nghị, tuyên truyền, lễ hội... trong đó có khoản nợ 200 triệu đồng do ăn uống, tiếp khách.

Là một xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng bãi ngang ven biển của huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), nhưng xã Quang Thái cũng trở thành “con nợ” vì ăn uống quá đà. Khi tiến hành thanh tra vào tháng 9-2015, cơ quan chức năng cấp trên phát hiện UBND xã Quang Thái đã ghi nợ các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn hơn 260 triệu đồng.

Hồi đầu năm 2015, đội ngũ cán bộ xã Khánh Thuận, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) từng bị một phen “hú vía” bởi một chủ quán nhậu trên địa bàn đã mang xăng đến dọa đốt trụ sở UBND xã vì lý do trong 3 năm (2012-2014), nhiều cán bộ xã này đã tổ chức ăn uống, ghi nợ chủ quán nhậu với số tiền lên đến gần 50 triệu đồng nhưng đòi mãi mà họ không chịu trả.

Không chỉ có cán bộ cơ sở sa đà vào việc ăn uống, ghi nợ tràn lan ở các quán ăn, nhà hàng khiến ngân sách xã bị “âm”, nhiều cơ quan cấp huyện, cấp tỉnh cũng “thoải mái” chi các khoản tiếp khách, làm cho việc bội chi ngân sách Nhà nước thêm tăng cao. Ví như Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) đã từng báo cáo cấp trên phải chi gần 300 triệu đồng cho các khoản ăn uống, tiếp khách trong 4 tháng đầu năm 2016, dẫn đến kinh phí hoạt động 7 tháng cuối năm của cơ quan này bị thiếu hụt trầm trọng. Tháng 8-2016, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương cũng ghi nợ đến 310 triệu đồng chỉ vì lý do “phải” đón tiếp quá nhiều đoàn khách của trên và các địa phương “đến thăm, trao đổi kinh nghiệm công tác”. Nhưng đáng nói hơn là Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai trong năm 2015 đã sử dụng tới 3,2 tỷ đồng ngân sách để chi phí tiếp khách “đoàn ra đoàn vào”, trong đó có những “bữa cơm dọc đường” ghi trên phiếu tới hơn 26 triệu đồng!

Theo báo cáo kết quả kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, nhiều cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến cơ sở quyết toán nhiều khoản chi thường xuyên không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, trong đó có cả các khoản chi cho đoàn ra đoàn vào ăn uống, tiếp khách không đúng quy định. Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước 116,8 tỷ đồng. Trong năm 2016, hệ thống Kho bạc Nhà nước ở các địa phương đã từ chối thanh toán 178 tỷ đồng cả trong chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó có hàng ngàn khoản chi thường xuyên như hội họp, tiếp khách, ăn uống… không thực hiện theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước.

Trong khi ngân sách Nhà nước còn eo hẹp, nợ công đang ở mức cao, đời sống của người dân ở nhiều nơi còn rất khó khăn mà không ít cán bộ vẫn thích rình rang đi nhà hàng, quán xá để ăn uống, nhậu nhẹt và nhiều cơ quan, địa phương vẫn “vung tay quá trán” trong việc chi tiêu đón tiếp khách, hội họp, thăm viếng không những tạo dư luận xã hội không tốt mà còn gây lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức của Nhà nước. 

(Còn nữa)

Ông Hà Hữu Đức, Phó vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ủy ban Kiểm tra Trung ương:
 
Ăn uống là chuyện tế nhị, liên quan đến nhu cầu của mỗi người, nhưng là cán bộ, đảng viên thì phải giữ gìn sự chuẩn mực, điều độ khi tham dự liên hoan, tiệc tùng để góp phần xây dựng nếp sống lành mạnh ở cơ quan và cộng đồng. Thời gian qua, một số cán bộ uống rượu, bia say rồi gây xô xát với người khác bị dư luận lên án cũng là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống. Sai phạm của họ nhất thiết phải xử lý nhằm siết chặt kỷ luật của Đảng, giữ gìn kỷ cương công vụ, đồng thời để răn đe, cảnh báo người khác.
 

Ông Vũ Đức Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính:

Nếu không siết chặt quản lý các khoản kinh phí chi thường xuyên, nhất là tiết giảm tối đa các khoản chi phí đón tiếp, mời khách ăn uống bằng tiền ngân sách thì các địa phương, cơ quan sẽ làm tăng thêm tình trạng bội chi ngân sách Nhà nước, từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước và nhân dân.

Theo qdnd.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website