5 giờ:23 phút Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 , 2016

Cải tiến “rồng lửa” - trí tuệ Việt Nam:

Kỳ 2: Nội địa hóa "rồng lửa"

Tôi đã từng có mặt tại Trường bắn TB-1 vào những ngày cuối tháng 11/2011, trực tiếp chứng kiến màn bắn nghiệm thu ngoạn mục tổ hợp TLPK C-125-2TM thứ 2. Trong đêm đông lạnh thấu xương, khi “rồng lửa” rời bệ phóng, đem theo quầng lửa khổng lồ tiêu diệt mục tiêu, các chuyên gia Belarus nhảy lên ôm lấy nhau và chúc mừng kíp bắn của Tiểu đoàn 123, Trung đoàn 284 (Sư đoàn 365). Một chuyên gia nhờ Thượng tá Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc Nhà máy A31, khi ấy là Trợ lý Phòng Tên lửa, nói với tôi: Hãy bảo cô ấy viết bài ca ngợi Bộ đội Tên lửa Việt Nam. Họ rất thông minh và sáng tạo…

Kỳ 1:  Hành trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ
Kỳ cuối:  Bài học về kỷ luật công nghệ

Đem theo hình ảnh kiêu hãnh của “rồng lửa” nơi trường bắn và niềm vui được cất giữ 4 năm nay, tôi tìm đến Đại tá Lê Ngọc Trung - Trưởng phòng và Trung tá Cao Anh Hùng - Trợ lý Phòng Tên lửa (Cục Kỹ thuật). Là người trực tiếp phụ trách việc theo dõi, chỉ đạo thực hiện Dự án nên mỗi kỷ niệm với anh Cao Anh Hùng dường như đã ăn vào tâm can.

Nghe tôi gợi chuyện, anh bảo, những lời khen mà tôi trực tiếp nghe ở Trường bắn từ các chuyên gia là rất thực. Bởi, sau một thời gian huấn luyện chuyển giao công nghệ cải tiến tên lửa ở Nhà máy A31 cho ta, bạn đã từng thốt lên khâm phục: Chúng tôi đã từng thực hiện những Dự án như thế này ở nhiều nước trên thế giới. Song chỉ ở Việt Nam, các bạn mới có được những đề nghị thật thông minh để “nội địa hóa” khí tài…

Kỳ 2:  Nội địa hóa

Thực hành bắn nghiệm thu Tên lửa cải tiến C-125-2TM tại Trường bắn TB-1.   (Ảnh: LÊ TỬ DÂN)

Trung tá Cao Anh Hùng nhớ lại, ngay sau khi cải tiến xong Tổ hợp thứ nhất và tăng hạn 10 đạn tên lửa, qua nghiên cứu tài liệu, tham gia cải tiến, hiệu chỉnh, huấn luyện và bảo đảm cho bắn nghiệm thu, Phòng Tên lửa đã đề nghị với bạn một số điều chỉnh để nâng cao chất lượng tổ hợp TLPK C-125-2TM cho phù hợp với điều kiện khai thác, sử dụng ở Việt Nam. Ví như, đề nghị nâng cao chất lượng các đầu giắc cắm, sơn tẩm phủ bề mặt tủ, khối đề phù hợp với khí hậu nhiệt đới có độ ẩm cao; nâng cấp phần mềm bảo đảm để kíp chiến đấu có thể tự cài đặt các bài tập huấn luyện; thay đổi phương trình điều khiển, nâng quỹ đạo tên lửa ở giai đoạn cuối khi tên lửa tiếp cận mục tiêu trong chế độ bắn bằng kênh ảnh nhiệt, để tránh luồng phụt của tên lửa che mất mục tiêu gây ra sai số bám sát hoặc cửa sổ bám sát bắt nhầm vào buồng lửa trong chế độ bám sát tự động (ACT)…

Sau này, trong thời gian bảo hành 3 tổ hợp đầu tiên xảy ra hỏng hóc, trong đó có những hỏng hóc phải thay thế bằng các modul, khối Zip, trong quá trình cùng phối hợp làm việc với nhóm chuyên gia bảo hành đầu tiên, các cán bộ chuyên trách của Phòng Tên lửa đã khẳng định với các chuyên gia của bạn về khả năng có thể tự đảm nhiệm được nhiệm vụ phát hiện và tìm nguyên nhân hỏng hóc. Cho nên, lúc đầu các chuyên gia Belarus trực tiếp sang kiểm tra, sửa chữa; chỉ sau đó không lâu, các chuyên gia kỹ thuật Việt Nam đã được phép mở kẹp chì để thay các modul, khối hỏng từ trong Zip. Trong quá trình đó, chúng ta đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong khai thác, sử dụng và bảo đảm kỹ thuật cho khí tài cũng như tổng hợp được một số điểm còn chưa phù hợp với điều kiện khí hậu và sử dụng ở Việt Nam, đề xuất với bạn những điều chỉnh, bổ sung trong giai đoạn 2 của Dự án.

Ngay cả cán bộ, công nhân Nhà máy A31 cũng đã có những sáng kiến, giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả và độ bền của khí tài, như việc nghiên cứu và áp dụng giải pháp làm kín các đầu sa bằng phương pháp dùng dây amiăng cuốn chặt cao su non vào đấu cáp, sau đó lắp ốp đầu sa và siết chặt ốc; nghiên cứu và chế tạo mới bộ gioăng đệm cánh cửa các tủ của trụ anten YHB; làm mới toàn bộ các mặt biển bằng phương pháp ăn mòn… Những giải pháp, đề xuất này đã được các chuyên gia Belarus đánh giá rất cao.

Câu chuyện của Trung tá Cao Anh Hùng làm tôi nhớ lại những trao đổi của Thượng tá Nguyễn Văn Trường - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 213 khi anh phụ trách đoàn cán bộ, chiến sĩ đi huấn luyện chuyển loại và bắn nghiệm thu tên lửa cải tiến đầu năm 2013 ở Trường bắn TB-1. Anh cho biết, khí tài cải tiến  không chỉ được nâng cao một số tính năng chiến thuật, kỹ thuật cơ bản như mở rộng vùng tiêu diệt, tăng khả năng cơ động, khả năng chống nhiễu; những phần được “nội địa hóa” theo đề nghị của ta đã thiết thực nâng cao đáng kể hiệu suất huấn luyện và SSCĐ. Với việc tạo giả mục tiêu quang truyền hình chẳng hạn. Trên thực tế huấn luyện, trong bám sát mục tiêu, nhiều trắc thủ của chúng ta còn yếu; đơn vị lại rất khó kiếm mục tiêu để bám sát; việc tạo giả mục tiêu quang truyền hình đã nâng cao chất lượng bám sát của trắc thủ. Cùng với đó, những thông số về mục tiêu tạo giả, thay vì chỉ mang tính định lượng như trước đây, giờ đã được số hóa nên rất cụ thể, sát với thông số của mục tiêu thật.

Nhìn lại quá trình thực hiện dự án, Đại tá Lê Ngọc Trung cho biết, không chỉ dừng ở những kết quả trên, trong quá trình làm việc với các chuyên gia và tham gia thực hiện Dự án, chúng ta còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm và bài học quý báu, nhất là bài học về kỷ luật công nghệ. Đó là những thành quả có tính chiều sâu, vượt ra khỏi khuôn khổ của dự án.

HỒNG LINH

>>> Kỳ cuối: Bài học về kỷ luật công nghệ

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website