Nga lùi kế hoạch phóng thử ICBM Sarmat tới cuối năm 2017
Ngày 4-7, tờ báo Nga Kommersant dẫn các nguồn tin thân cận đăng tải, vụ phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thế hệ mới Sarmat, sản phẩm của Viện thiết kế Makeyev sẽ được lùi tới cuối năm 2017.
Theo nguồn tin trên, việc lùi kế hoạch phóng thử ICBM Sarmat là để tiến hành thêm các bài kiểm tra, thử nghiệm bổ sung đối với nguyên mẫu đạn tên lửa mới tại Xí nghiệp chế tạo máy Krasnoyarsk. ICBM Sarmat được thiết kế để thay thế cho các đơn vị ICBM giếng phóng có sức hủy diệt mạnh nhất thế giới hiện nay là R-36M2 Voevoda (tên mã NATO: SS-18 mod. 5/6 Satan) với đạn tên lửa 15A18. Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, việc triển khai các ICBM Sarmat sẽ bắt đầu từ năm 2019.
Trong kế hoạch ban đầu, vụ phóng thử ICBM Sarmat phải được thực hiện trong năm 2016, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, vụ thử đã bị trì hoãn nhiều lần tới tháng 6-2017. Giới chức quân sự Nga cho biết, việc trì hoãn phóng thử là để dành thêm thời gian thực hiện các bài kiểm tra và thử nghiệm bổ sung giúp phát hiện lỗi và hoàn thiện thiết kế của ICBM thế hệ mới.
Để đảm bảo cho các vụ phóng thử nghiệm, xí nghiệp chế tạo máy Krasnoyarsk tới cuối năm 2017 sẽ lắp ráp hoàn chỉnh 3 nguyên mẫu ICBM Sarmat đảm bảo các thông số về trọng lượng, kích thước và kỹ thuật tương ứng với sản phẩm sẽ được chế tạo loạt trong tương lai.
So với ICBM R-36M2 Voevoda, Sarmat chỉ nặng bằng một nửa (khoảng hơn 100 tấn), nhưng có sức tấn công tương đương với 10 đầu đạn hạt nhân có sức công phá cỡ Megaton (triệu tấn thuốc nổ TNT). Điểm đặc biệt là tầm bắn của ICBM mới vượt quá ngưỡng 11.000km giúp nó tấn công bất kỳ vị trí nào trên Trái Đất theo nhiều quỹ đạo bay khác nhau.
Liên quan tới ICBM Sarmat, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov nhấn mạnh, ICBM mới có thể vượt qua hầu như mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và phương Tây nhờ trang bị đầu đạn có khả năng tự cơ động quỹ đạo. Tới năm 2020, lực lượng hạt nhân chiến lược Nga sẽ được trang bị lại 100% chứ không phải là 70% như các tuyên bố trước đó.
Đánh giá về khả năng chiến đấu của Sarmat, ông Y. Borisov cho biết, việc sử dụng các quỹ đạo phóng qua hai cực của Trái đất buộc Mỹ phải tái triển khai lại hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp không chỉ ở các hướng tiếp giáp với Nga, mà là bao quanh lãnh thổ nước này. Đây là việc làm cực kỳ phức tạp, tốn kém và chưa chắc đã có hiệu quả.
Lực lượng tên lửa chiến lược Nga dự kiến sẽ triển khai ICBM Sarmat trước tiên ở 2 đơn vị là Sư đoàn tên lửa chiến lược số 13 và 62.
Theo qdnd.vn