5 giờ:18 phút Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 , 2016

Cải tiến “rồng lửa” - trí tuệ Việt Nam:

Kỳ cuối: Bài học về kỷ luật công nghệ

Tại Nhà máy A31, chúng tôi đã gặp đại diện của các cán bộ, công nhân, những người đã từng tham gia thực hiện thành công Dự án cải tiến Tổ hợp TLPK C-125M1 thành C-125-2TM. Trung tá Phạm Đức Giang - Phó Giám đốc Nhà máy, Đại úy Bùi Tân Chinh - Phó trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tá Đinh Văn Nhượng - Phó Quản đốc Phân xưởng 2, Đại úy Hoàng Văn Cảnh - Phó Quản đốc Phân xưởng Đài điều khiển, Đại úy Bùi Thế Mạnh và Thượng úy Nguyễn Quang Thành - Trợ lí Phòng Kỹ thuật, Trung tá Giang Chí Ninh - Tổ trưởng Tổ hiệu chỉnh khí tài Petrora, Phân xưởng Đài điều khiển… đã kể lại những câu chuyện mà họ rất tâm đắc, có những chuyện đã thuộc nằm lòng.


Kỳ 1: Hành trình tiếp nhận, chuyển giao công nghệ
Kỳ 2: Nội địa hóa "rồng lửa"

Câu chuyện thứ nhất: Các công nhân Nhà máy thực sự rất ấn tượng với những thùng linh kiện, vật tư từ CH Belarus chuyển sang. Chúng được sắp xếp rất cẩn thận, theo những vị trí đã được định sẵn. Và, trong quá trình làm việc, chuyên gia muốn lấy gói hàng nào đó thì họ biết ngay nó nằm ở vị trí nào, trong hòm số bao nhiêu.

Kỳ cuối:  Bài học về kỷ luật công nghệ

Lắp đặt khối đài điều khiển tại Nhà máy A31 (Cục Kỹ thuật).

Câu chuyện thứ 2: Các chuyên gia thường đến trước giờ làm việc từ 5 đến 10 phút để chuẩn bị cho buổi làm việc. Trước giờ nghỉ, họ dọn dụng cụ, vệ sinh nơi làm việc rất gọn gàng, sạch sẽ. Một đồng chí chuyên gia rất nghiện thuốc lá. Tuy nhiên, ông không bao giờ hút thuốc ở nơi làm việc. Mỗi khi thèm thuốc, ông lẳng lặng ra khỏi phòng…

Câu chuyện thứ 3: Một chuyên gia đã mất gần nửa buổi sáng để đi tìm một ống gen cho vừa một mối hàn. Thấy thợ kỹ thuật mình thắc mắc, ông bảo, một vật tư dù rất nhỏ cũng phải được đảm bảo đúng chủng loại.

Câu chuyện thứ 4: Trong thực hiện cải tiến khí tài, các chuyên gia yêu cầu cán bộ, công nhân kỹ thuật Nhà máy, khi làm nhất thiết phải đặt bảng quy trình công nghệ trước mặt. Khi thực hiện xong một thao tác kỹ thuật nào đó, phải đánh dấu ngay thao tác mình vừa thực hiện, thay vì cứ làm xong hàng loạt rồi mới đánh dấu một thể như trước đây.

Câu chuyện thứ 5: Những ngày đầu thực hiện Dự án, khi bạn yêu cầu ta thực hiện một mối hàn, cứ nghĩ, đó là công việc khá giản đơn, bất cứ thợ hàn nào cũng đảm nhiệm được. Rốt cục, thử tay nghề, chỉ có mối hàn của Thiếu tá CN Phạm Công Hảo là đạt yêu cầu.  Bạn cho biết, một mối phải được đảm bảo độ thẩm thấu, độ “ngấu” và có thẩm mĩ; phải tạo kết cấu thật chắc giữa các mối; nhất là giữa các kim loại không cùng tính chất…

Tâm sự chuyện nghề, Trung tá Giang Chí Ninh chia sẻ, đó là những câu chuyện nhỏ đem lại những bài học lớn cho mỗi cán bộ, công nhân Nhà máy A31… Anh bảo, từ trực quan, điều mà mỗi cán bộ, công nhân đều nhận thấy rất rõ là các chuyên gia Belarus đã tổ chức công việc rất chặt chẽ, từ việc chuẩn bị vật tư, dụng cụ, tài liệu, sơ đồ công nghệ đến quá trình tổ chức thực hiện. Sáng, giao việc gì cho ai làm, chiều, kiểm tra việc thực hiện của từng người. Tác phong đầu giờ giao việc, cuối giờ kiểm tra đã trở thành nền nếp. Việc giao ban đã được duy trì thường xuyên hàng ngày và theo định kỳ. Cải tiến xong mỗi tổ hợp, bạn lại tổ chức rút kinh nghiệm một lần để tiếp tục triển khai công việc trên những cơ sở khoa học.

Thượng úy Nguyễn Quang Thành - Trợ lý Phòng Kỹ thuật Nhà máy cũng cho biết, từ trước tới nay, cán bộ, công nhân A31 đã được nghe nói, được quán triệt rất nhiều về kỷ luật công nghệ. Song, chỉ khi phải trả giá bằng chính thực tiễn công việc mình làm, lúc đó, mới thực sự hiểu nó là gì và việc thực hiện nó quan trọng như thế nào. Chỉ qua thời gian thực hiện cải tiến Tổ hợp tên lửa đầu tiên, chúng ta đã phải thay đổi tư duy, nền nếp để phù hợp với quy trình công nghệ mới. Thay vì làm việc bằng kinh nghiệm, giờ đây mọi thao tác đều phải dựa trên sơ đồ lắp ráp và nguyên lý. Mà không riêng gì tác phong công nghiệp, song song với đó, các vấn đề khác như vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường, nhà xưởng… cũng phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt.

Về điều này, chúng tôi đã từng được nghe những lời rất tâm huyết từ Trung tá Nguyễn Văn Trường - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 213 qua một thời gian tiếp nhận và huấn luyện chuyển loại khí tài mới. Anh cho biết, các kíp chiến đấu của Trung đoàn không chỉ thực hiện chặt chẽ quy trình công nghệ,  mà ngay cả đối với công tác bảo quản, bảo dưỡng khí tài, đơn vị cũng phải duy trì tốt. Độ ẩm tăng có thể làm hỏng một linh kiện. Với khí tài mới, chỉ cần hỏng một linh kiện là phải thay cả khối….

Vui mừng thông báo với chúng tôi kết quả việc thực hiện Dự án, Đại tá Lê  Ngọc Trung - Trưởng Phòng Tên lửa, Cục Kỹ thuật và Đại tá Trương Xuân Bách - Giám đốc Nhà máy A31 khẳng định, Dự án cải tiến Tổ hợp TLPK C-125 M1 thành C-125-2TM đã thay đổi cả nhận thức, tư duy và kỹ năng cho cán bộ ngành Tên lửa; đặc biệt đã đem lại cho ta một bức tranh toàn cảnh về phương thức bảo đảm kỹ thuật cho khí tài cải tiến, khí tài mới. Và, phương thức chuyển giao công nghệ theo quy trình: bạn làm, ta quan sát; ta và bạn cùng làm; ta làm, bạn giám sát kỹ thuật  có thể được coi là một quy trình chuẩn có thể áp dụng hiệu quả cho các dự án khác. Trong quy trình ấy, chúng ta không chỉ chủ động mà còn phát huy được khả năng sáng tạo để trí tuệ của Bộ đội Tên lửa Việt Nam sẽ ngày một tỏa sáng cùng “rồng lửa”.

HỒNG LINH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website