Từng bước làm chủ kỹ thuật khí tài ra đa mới
Những năm gần đây, ngành Ra đa được tiếp nhận, khai thác, sử dụng nhiều loại ra đa mới, cải tiến như: Ra đa tầm xa như ELM-2288ER, ELM-2084, RV-02, VRS-2DM-W, 36-D6 và ra đa cải tiến P-18M… Chính vì vậy, nhiệm vụ của ngành Kỹ thuật Ra đa ngày càng nhiều và nặng nề hơn.
Ra đa RV-02 do Viện Kỹ thuật PK-KQ thiết kế, chế tạo. Ảnh: NHƯ NGỌC
Đại tá Trần Quốc Việt - Trưởng Phòng Ra đa (Cục Kỹ thuật), cho biết: “Trong thời gian qua, ngành Kỹ thuật Ra đa đã bảo đảm đủ khí tài ra đa về số lượng, chất lượng và đồng bộ cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, quản lý vùng trời và các nhiệm vụ đột xuất. Với khí tài mới, ngành đã từng bước làm chủ và tiến tới sửa chữa những hỏng hóc phức tạp”.
Trong vài năm trở lại đây, cùng với lượng khí tài mới được đầu tư, hệ thống kho tàng, trạm xưởng cũng được củng cố và xây dựng mới. Đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật chuyên ngành ra đa có trình độ tương đối đồng đều và được điều chỉnh hợp lý ở các đơn vị. Không chỉ được trang bị nhiều loại khí tài mới phục vụ nhiệm vụ quản lý vùng trời, các nhà máy sửa chữa ra đa của Quân chủng cũng được đầu tư đồng bộ từ các chương trình, dự án khác nhau, năng lực tiếp cận các chủng loại ra đa mới có nhiều tiến bộ.
Thời gian qua, toàn ngành đã có nhiều biện pháp để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật ra đa cho các nhiệm vụ với hệ số kỹ thuật thường xuyên đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Các đơn vị cơ bản vẫn duy trì được việc sửa chữa hỏng hóc thông thường theo đúng phân cấp; các đài trạm sửa chữa được 75% hỏng hóc thông thường, cấp trung đoàn, sư đoàn sửa chữa được 20% còn lại. Các hỏng hóc nặng, phức tạp được đưa về các nhà máy để khắc phục, sửa chữa. Các nhà máy đã bước đầu tiếp cận, xây dựng quy trình sửa chữa các chủng loại ra đa mới. Tất cả các đài ra đa sau khi đưa vào trang bị đều mở máy thực hiện các nhiệm vụ theo đúng tính năng, không có hiện tượng hư hỏng do yếu tố con người.
Trong thời gian tới, các nhà máy sửa chữa khí tài ra đa tích cực tiếp cận các loại khí tài: ELM-2288ER, ELM-2084; VRS-2DM, RV-02… qua đó xây dựng các quy trình sơ bộ sửa chữa vừa cho các chủng loại khí tài mới này. Bên cạnh đó, ngành cũng đang tích cực kiến nghị cấp trên tiếp tục đầu tư chiều sâu công nghệ cho Nhà máy Z-119 và Nhà máy A-29 có đủ năng lực sửa chữa các đài ra đa thế hệ mới, đồng thời sản xuất một số chủng loại vật tư phục vụ cho công tác sửa chữa. Đề xuất nghiên cứu, trang bị cho các trạm sửa chữa của các trung đoàn các thiết bị kiểm tra, chuẩn đoán hỏng hóc cơ động, đa năng để phục vụ công tác tìm kiếm và khắc phục các hỏng hóc thông thường đối với các khí tài ra đa mới. Hoàn thiện về tổ chức hệ thống bảo đảm kỹ thuật ra đa trong toàn Quân chủng thống nhất và đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ bảo đảm theo phân cấp; bố trí ban ra đa tại các phòng Kỹ thuật sư đoàn phòng không và không quân, bố trí các trợ lý ra đa tại các đơn vị cơ sở.
Việc thực hiện quản lý và bảo đảm kỹ thuật (đặc biệt là công tác bảo đảm vật tư) cho các đài ra đa thế hệ mới theo phương thức mới cũng được chú trọng đặc biệt. Đối với các mảng mạch có ứng dụng là các linh kiện khả trình, các chương trình phần mềm ứng dụng độc quyền của nhà sản xuất đơn vị sẽ xác định mảng mạch hỏng, sử dụng mảng mạch tương đương có trong Zip để thay thế; tổ chức đăng ký vào sổ sách, bao gói, bảo quản mảng mạch hỏng gửi về Quân chủng nghiên cứu sửa chữa hoặc sản xuất mới.
Ngành cũng duy trì nghiêm nền nếp công tác kỹ thuật theo các chế độ bảo quản, bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất, quy định của Điều lệ Công tác Kỹ thuật QĐND Việt Nam, Điều lệ Công tác Kỹ thuật PK-KQ và các quy định có liên quan khác. Duy trì nghiêm công tác trực ban, nắm tình hình, báo cáo và thực hiện bảo đảm kỹ thuật theo phân cấp. Bên cạnh đó, việc phát huy tốt các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm tốt công tác định hướng nghiên cứu khoa học góp phần quan trọng phục vụ trực tiếp công tác bảo đảm kỹ thuật cho khí tài, giúp giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc.
BÍCH PHƯỢNG