5 giờ:53 phút Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 , 2016

Buồng Hàng y:

Vươn tầm cùng những cánh bay

Cùng với việc các đơn vị không quân được đầu tư các thế hệ máy bay mới, hiện đại, các phi công Quân sự phải thực hiện nhiệm vụ với khối lượng, tính chất và áp lực công việc ngày một tăng. Bằng hệ thống buồng hàng y, ngành Y Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã có những nỗ lực vượt bậc để đáp ứng và đón đầu việc kiểm tra và chăm sóc sức khỏe cho lực lượng làm việc trong môi trường lao động mang tính đặc thù cao này.

 Từ cấp cơ sở

Theo giới thiệu của Đại tá Ngô Thanh Quang - Chủ nhiệm Quân y Quân chủng PK-KQ, chúng tôi về Trung đoàn 935 (Sư đoàn 370). Trong hệ thống buồng hàng y của các trung đoàn Không quân, buồng hàng y của Trung đoàn 935 có lẽ đã được hoàn thiện sớm hơn cả. Trong căn phòng rộng, thoáng đãng và sạch sẽ, các trang thiết bị được sắp xếp thật khoa học. Bên cạnh hệ thống bảng biểu, mẫu biểu, sổ sách và các trang bị thường có trong các bệnh xá máy siêu âm, máy điện tim, cáng cấp cứu; tận mắt nhìn thấy những trang bị đặc chủng dành riêng cho việc kiểm tra, chăm sóc sức khỏe phi công như máy kéo dãn cột sống, máy đo thích ứng sáng tối, máy xung điện… người ta dễ hình dung ra một bệnh viện thu nhỏ.

Vươn tầm cùng những cánh bay

Điều trị thoái hóa đốt sống lưng bằng máy kéo giãn cột sống. (Ảnh: VIẾT BÍNH)

Giới thiệu với chúng tôi cái máy kéo dãn cột sống, Đại tá Trần Trọng Tuyến - Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 370 kể: Sau khi thực hiện các bài bay nhào lộn phức tạp, do quá tải, đốt sống cổ và lưng bị thoái hóa, được chăm sóc bằng “anh bạn” này, tình trạng được cải thiện đáng kể. Sau một liệu trình điều trị, sự mỏi mệt, căng thẳng biến mất, phi công có được cảm giác thật thư thái.

Rồi, chỉ vào máy đo thích ứng sáng tối, anh Tuyến cho biết: Với nhiệm vụ bay, nhất là hoạt động bay đêm thì trang bị này thật sự cần thiết. Không chỉ kiểm tra thị lực, soi đáy mắt, nhờ nó mà phi công rèn luyện được khả năng thích ứng sáng, tối. Thử hình dung tình huống đang bay thì buồng lái đột ngột mất điện. Lúc đó, phi công phải nhanh chóng thích nghi với điều kiện làm việc trong bóng tối. Nghĩa là trong thời gian nhanh nhất phải nhận biết ngay ra các công tắc, núm, nút điều khiển. Để làm được việc đó, không gì thiết thực hơn là được tập trên máy đo thích ứng sáng tối này.

Đại úy Hoàng Phú Hùng - Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn giới thiệu thêm với chúng tôi về cái ghế mát xa đặt trong buồng hàng y. Anh kể, đó là quà tặng của Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Kim Tiến dành cho anh em phi công nhân dịp Bộ trưởng về thăm Trung đoàn năm 2013. Phú Hùng cũng không giấu được sự phấn khởi khi giới thiệu với chúng tôi về buồng hàng y của đơn vị. Anh tâm sự, từ khi được hoàn thiện tới nay, buồng hàng y mở cửa hàng ngày. Sau mỗi ban bay, dường như ngày nào cũng có phi công đến điều trị. Và, mặc dù rất bận rộn với vai trò của một Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn kiêm bác sĩ tai, mũi, họng, bác sĩ vật lí trị liệu, phục hồi chức năng song anh luôn tự hào đã góp phần giúp các phi công ổn định sức khỏe và tinh thần.

Đến tuyến cao nhất

Có mặt ở Viện Y học PK-KQ, tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Hải Đăng - Trưởng Ban Kế hoạch Tổng hợp. Anh Đăng cho biết, đến nay, chuyên ngành Y học hàng không với Khoa Khám tuyển và Khoa Nghiên cứu sinh lí hàng không đã được trang bị buồng giảm áp, ghế quay tiền đình, máy đo nhĩ lượng, máy đo thích ứng sáng tối… Từ nguồn vốn ODA giai đoạn 4, gần đây, Viện lại mới được bổ sung thêm buồng giảm áp thế hệ mới, hệ thống kiểm tra thần kinh tâm lí, máy siêu âm tim, máy chụp cộng hưởng từ.

Vươn tầm cùng những cánh bay

Điều trị thoái hóa đốt sống cổ. (Ảnh: VIẾT BÍNH)

Theo Thiếu tá Nguyễn Hải Đăng từ nguồn vốn của Bộ Quốc phòng, Viện Y học PK-KQ còn được đầu tư dự án mua hệ thống phóng ghế nhảy dù. Đây là thiết bị huấn luyện cho phi công tiêm kích trong một số tình huống khẩn cấp có thể phóng ghế khỏi máy bay sao cho giảm thiểu tối đa chấn thương cột sống. Cùng với đó, một chương trình hợp tác về khoa học công nghệ với Liên bang Nga theo nghị định thư về việc nâng cao chất lượng giám định sức khỏe phi công quân sự Việt Nam để thích ứng với các loại máy bay hiện đại do Liên bang Nga sản xuất đã được thực hiện.

Chuyên gia của Liên bang Nga đã tiến hành nghiên cứu môi trường lao động của phi công với 2 nội dung lớn: Sử dụng công cụ chẩn đoán thần kinh tâm lí và đo nhiệt độ da để đánh giá mức độ mệt mỏi, trạng thái nhiệt của phi công trong điều kiện làm việc tại môi trường nhiệt đới. Về phía các chuyên gia Việt Nam cũng đã nghiên cứu đề xuất tiêu chuẩn giám định và khám tuyển phi công Quân sự đối với máy bay thế hệ mới. Các đề tài đã được nghiên cứu công phu, khoa học, sẽ được nghiệm thu cấp Nhà nước vào quý 1/2015 này. Chương trình sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực trong quá trình khám và điều trị để nâng cao sức khỏe phi công…

Hiện thực hóa những giấc mơ

Còn nhớ, cũng dịp này năm trước, khi chúng tôi trao đổi về công tác theo dõi, kiểm tra và chăm sóc sức khỏe phi công, Thượng tá Phạm Thị Thanh Hoa - Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn 372 vẫn đang ước mơ một cái máy đo thích ứng sáng tối. Chị bảo, ở một đoàn bay thường xuyên phải huấn luyện và thực hiện những chuyến bay đêm, thì trang bị này là thực sự cần thiết.

Trong chuyến công tác vừa thực hiện ở Sư đoàn 371, nghe Đại tá Nguyễn Việt Hùng - Chính ủy Sư đoàn tả lại cái cảm giác thư giãn sau khi được chăm sóc bằng máy kéo dãn cột sống mới được trang bị, mỗi chúng tôi đều có cảm nhận rằng, ước mơ về một chế độ chăm sóc sức khỏe cho phi công, những quân nhân làm việc trong môi trường lao động mang tính đặc thù cao đang dần thành hiện thực.

Trao đổi với Đại tá Ngô Thanh Quang, được biết, cùng với việc các đơn vị Không quân được trang bị các loại máy bay thế hệ mới, ngày càng hiện đại, từ năm 2012, ngành Y Quân chủng đã có công văn đề nghị Cục Quân y về việc đầu tư trang bị buồng hàng y. Theo đó, mỗi trung đoàn Không quân sẽ có 3 buồng hàng y: Một ở tại đơn vị, một tại vị trí huấn luyện bay và một tại vị trí trực chiến ngoài sân bay. Về trang thiết bị, ngoài những trang cụ thông dụng như phế dung kế, máy điện tim, máy điều trị vật lí trị liệu, máy đo nồng độ cồn, bộ khám ngũ quan, cáng thương…, thì máy siêu âm xách tay, máy đo thích ứng sáng tối, máy kéo dãn cột sống là những trang bị đặc thù không thể thiếu.

Trong lộ trình thực hiện, đến nay, hơn 60% các đơn vị Không quân đã được trang bị các trang thiết bị đặc chủng này. Các đơn vị khác cũng đang trong quá trình triển khai. Song song với đó, đội ngũ y, bác sĩ đã được ngành Y chú trọng đào tạo để có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều y, bác sĩ đã được bố trí đi học đón đầu để có thể khai thác, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của việc triển khai thực hiện buồng hàng y là liên quan đến công tác quy hoạch doanh trại. Theo quy chuẩn, buồng hàng y có diện tích trung bình là 30m2, gồm 2 phòng giao nhau, một để khám và cấp thuốc, một để đảm bảo điều trị phục hồi chức năng. Với các đơn vị Không quân chưa được đầu tư xây mới nhà ở thì ngay cả nơi bố trí dụng cụ, trang thiết bị cũng chưa có, chưa kể đến việc khai thác, sử dụng chúng. Một trăn trở nữa đối với ngành Y Quân chủng là đội ngũ y, bác sĩ hàng y dù đã được trên chú trọng ưu tiên về biên chế nhưng vẫn còn thiếu ở một số đơn vị. Chính bởi vậy, do khối lượng công việc tại Trung đoàn bay nhiều nên có muốn đi tập huấn nâng cao nghiệp vụ cũng thật khó khăn trong việc sắp xếp thời gian.

Bất cập vẫn còn nhiều phía trước, song cùng với chế độ ăn thích hợp, dự án về nhà ở tương đương tiêu chuẩn khách sạn 4 sao thì hệ thống buồng hàng y đã và đang trong quá trình thực hiện đang thiết thực góp phần nâng cao sức khỏe của phi công, vươn tầm cùng những cánh bay vì bình yên bầu trời Tổ quốc.

HỒNG LINH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website