8 giờ:43 phút Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 , 2016

Không quân nhân dân Việt Nam Anh hùng

Với tầm nhìn xa trông rộng, năm 1924, Bác Hồ đã gửi đồng chí Lê Hồng Phong sang học phi công tại Liên Xô và sau khi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Đảng và Bác Hồ đã chủ trương nhanh chóng đưa Quân đội ta từng bước tiến lên chính quy hiện đại, có đầy đủ các lực lượng chủ chốt là Hải quân, Lục quân, Không quân, Phòng không.

 Thực hiện chủ trương đó, ngày 9 tháng 3 năm 1949, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Ban Nghiên cứu Không quân thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Ban Nghiên cứu Không quân có nhiệm vụ xây dựng cơ sở nghiên cứu bước đầu về không quân, tìm hiểu hoạt động của Không quân Pháp, tìm biện pháp chống lại chúng, chuẩn bị cơ sở vật chất, tài liệu và huấn luyện cán bộ... để đón thời cơ. Tuy nhiên, để kịp thời làm nhiệm vụ tác chiến phòng không trước sự phát triển và nguy cơ bị khống chế từ trên không của không quân Pháp, đầu năm 1951, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh quyết định giải thể Ban Nghiên cứu Không quân và chuyển lớp đào tạo không quân sang làm nhiệm vụ bổ túc cán bộ phòng không.
Không quân nhân dân Việt Nam Anh hùng

Phi công Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 trao đổi kinh nghiệm trước ban bay
(Ảnh: THÀNH TRUNG)

Năm 1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam đã được ký kết, miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Trước tình hình nhiệm vụ cách mạng của cả hai miền, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, đáp ứng với yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 3 tháng 3 năm 1955, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã ký quyết định thành lập “Ban nghiên cứu sân bay” với nhiệm vụ tiếp quản, chỉ huy và quản lý các sân bay hiện có, đồng thời giúp Bộ Quốc phòng nghiên cứu về tổ chức, xây dựng lực lượng Không quân. Ngày 3 tháng 3 năm 1955 đã ghi dấu mốc quan trọng trong quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu, phát triển và trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Không quân.

Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta, thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, Bộ đội Không quân đã thực hiện phương châm “Lấy ít đánh nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông”, “Tiêu diệt địch bảo vệ mục tiêu, giữ gìn và phát triển lực lượng ta”, “Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”, quyết tâm: “Mở mặt trận trên không thắng lợi”. Trong trận chiến đấu ngày 3, ngày 4 tháng 4 năm 1965 bảo vệ cầu Hàm Rồng - Thanh Hóa, biên đội Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương và biên đội Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm đã có những trận chiến đấu mưu trí dũng cảm bắn rơi 4 máy bay của Mỹ, trong đó có 2 chiếc F-8U và 2 chiếc F-105. Chiến công của Bộ đội Không quân non trẻ của chúng ta đã làm nức lòng chiến sĩ và đồng bào cả nước, được Bác Hồ và Trung ương Đảng khen ngợi. Chiến công đó đã trở thành truyền thống đánh thắng trận đầu của Bộ đội Không quân. 

 Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ đội Không quân đã cùng với quân và dân miền Bắc dũng cảm kiên cường, mưu trí, sáng tạo, đánh thắng từng bước leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ với ý chí: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Đã xuất kích là mang chiến thắng trở về”. Các đơn vị của Bộ đội Không quân đã nỗ lực vượt bậc, khắc phục khó khăn, vượt lên mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc và xảo quyệt của kẻ thù. Sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo, thông minh, góp phần nâng cao nghệ thuật tác chiến của dân tộc Việt Nam.

Không quân nhân dân Việt Nam Anh hùng

Máy bay Su-30MK2 của Trung đoàn 935, Sư đoàn 370 thực hiện ban bay huấn luyện (Ảnh: CÔNG GIANG)

Từ trận đánh thắng đầu tiên đến các chiến thắng liên tiếp trong suốt cuộc chiến tranh, đơn vị nào của Bộ đội Không quân cũng đánh thắng, lớp cán bộ, chiến sĩ nào cũng lập công, trong tình huống ác liệt nào cũng đảm bảo xuất kích tiêu diệt địch. Chúng ta đã đánh thắng địch cả trên trời, dưới đất và trên biển, cả ban ngày và ban đêm, đánh sâu vào tận hậu cứ địch, bắn rơi nhiều loại máy bay tầm thấp, tầm cao, cả máy bay chiến thuật và chiến lược, bắt sống nhiều giặc lái sừng sỏ từ cấp úy đến cấp đại tá, đánh bị thương tàu chiến Hạm đội 7 Mỹ, càng chiến đấu gian khổ ác liệt, chủ nghĩa anh hùng cách mạng càng được phát huy cao độ, làm ngời sáng lên phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Trong chiến dịch đại thắng mùa Xuân năm 1975, với tinh thần: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng”, cùng với Bộ đội Phòng không trong đội hình binh chủng hợp thành tiến vào Sài Gòn, Bộ đội Không quân đã nhanh chóng chớp thời cơ. Chỉ trong 6 ngày luyện tập, Phi đội Quyết thắng đã sử dụng máy bay A-37 thu được của địch bất ngờ cất cánh từ Sân bay Phan Rang tập kích sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều 28 tháng 4 năm 1975, góp phần thúc đẩy nhanh chóng sự di tản của Mỹ và làm sụp đổ tinh thần của ngụy quyền Sài Gòn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ đội Không quân đã bắn rơi 320 máy bay của Mỹ gồm tất cả các kiểu loại, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng pháo phòng không, tên lửa bắn rơi và bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống nhiều giặc lái, đánh chìm và đánh bị thương nhiều tàu chiến Mỹ. 

Nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng ta về mối quan hệ chiến lược giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Lào và Campuchia; với tinh thần quốc tế cao cả, Bộ đội Không quân đã tận tình giúp đỡ bạn trong xây dựng lực lượng, đào tạo nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Không quân cho bạn. Trong những thời điểm quan trọng, đặc biệt là trong chiến tranh biên giới Tây Nam từ 1977 - 1989, được bạn yêu cầu, lực lượng Không quân Việt Nam đã không quản ngại khó khăn gian khổ, hy sinh, đã sát cánh cùng binh chủng hợp thành của bộ đội tình nguyện Việt Nam và lực lượng của bạn cơ động chiến đấu trên nhiều chiến trường, góp phần giúp bạn giành được độc lập tự do, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Trong xây dựng hòa bình, Bộ đội Không quân đã chủ động khắc phục khó khăn, tự lực tự cường vươn lên làm chủ các loại vũ khí trang bị. Đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đột xuất được giao như bay chuyên cơ, bay cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai… tham gia xây dựng kinh tế, kết hợp tốt kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Với những chiến công và thành tích xuất sắc, Bộ đội Không quân đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, được tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng rất nhiều phần thưởng cao quý khác. 

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ đội Không quân đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh; đã phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ ít hiện đại đến hiện đại; vượt qua mọi gian khổ hy sinh, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, góp phần tô thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Trong giai đoạn cách mạng mới, để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy, yêu mến của Đảng, Nhà nước và nhân dân, phải tập trung xây dựng Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân chủng. Bảo đảm toàn Quân chủng là khối thống nhất về ý chí và hành động, tuyệt đối trung thành với Đảng với Tổ quốc và nhân dân, với chế độ XHCN. Chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng trong mọi tình huống. Xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong bất kỳ tình huống nào. Giữ vững và phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang của “Bộ đội Cụ Hồ”, “Người chiến sĩ PK-KQ ưu tú”.

Đồng thời, phải thường xuyên nghiên cứu nắm chắc tình hình, âm mưu thủ đoạn của địch, nhất là các đối tượng tác chiến để có những phương án, quyết tâm chính xác kịp thời, không ngừng hoàn thiện thế trận phòng không gắn với thế trận phòng thủ trên từng khu vực. Làm tốt tham mưu cho Bộ về công tác Không quân toàn quân. Tiếp tục nghiên cứu tổng kết những kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn chiến đấu trong các cuộc chiến tranh trước đây, đặc biệt là trong các chiến dịch lớn để vận dụng trong điều kiện mới. Từng bước nghiên cứu lý luận quân sự, nghệ thuật tác chiến không quân. Tiếp tục điều chỉnh biên chế tổ chức, thế bố trí chiến lược theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư xây dựng, hiện đại hóa các công trình chiến đấu. Coi huấn luyện chiến đấu là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của tất cả các cấp. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện chiến đấu với giáo dục chính trị. Huấn luyện phải sát với yêu cầu nhiệm vụ, lấy huấn luyện bay theo nhiệm vụ và đòi hỏi của thực tiễn chiến đấu là trung tâm; tập trung huấn luyện ứng dụng chiến đấu, chiến thuật, bay biển, bay đêm, bay trong mọi điều kiện thời tiết, huấn luyện hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng trong Quân chủng và hiệp đồng với các lực lượng vũ trang trong khu vực... nhằm nâng cao trình độ phi công, phù hợp với yêu cầu tác chiến và VKTBKT. Với tinh thần tự lực, tự cường, chủ động đổi mới quy trình đào tạo phi công, kỹ sư hàng không, nhân viên kỹ thuật, tránh phụ thuộc vào nước ngoài và tiết kiệm ngân sách, kinh phí cho nhà nước. Tích cực huấn luyện chuyển loại phi công, tổ bay, cơ động lực lượng trên các sân bay khác nhau; coi trọng tổ chức bắn đạn thật, diễn tập, làm chủ các loại máy bay mới nhằm nâng cao khả năng tác chiến trong mọi tình huống.

Mặt khác, phải chăm lo xây dựng tiềm lực khoa học - kỹ thuật của Quân chủng, trước hết là đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đầu ngành, thợ lành nghề bậc cao. Tiếp tục mua sắm, cải tiến, đổi mới trang thiết bị, sản xuất phụ tùng linh kiện thay thế... phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu của Quân chủng. Đảm bảo giữ tốt, dùng bền, khai thác sử dụng hết tính năng tác dụng của mọi loại vũ khí khí tài có trong biên chế. Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Quân chủng, đảm bảo ngày càng tốt hơn công tác hậu cần cho các nhiệm vụ. Không ngừng quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, giải quyết tốt chính sách hậu phương gia đình. Chú trọng đối tượng phi công, kỹ sư, thợ lành nghề và các gia đình chính sách... tích cực bảo đảm chế độ, tiêu chuẩn nhà ở, đất ở cho bộ đội. 

Phát huy những giá trị truyền thống của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng, Quân chủng PK-KQ anh hùng, Bộ đội Không quân cùng các lực lượng trong Quân chủng tiếp tục nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không quản gian khổ, hy sinh, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng chiến đấu, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; là một trong những lực lượng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

BBT
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website