Huyền thoại về một thời “Vào hang bắt cọp”:
Kỳ 3: Hạ gục chiếc B-52 đầu tiên trên vùng trời Việt Nam
Trước những gian nan, thử thách, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 238 đã quyết tâm khắc phục khó khăn, vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật bằng cách dồn ghép các bộ khí tài và tập trung sức lực cho Tiểu đoàn 84 đánh địch. Dồn ghép khí tài Tên lửa là việc không đơn giản như dồn ghép các linh kiện khẩu pháo, mô tô lại cho nhau. Vấn đề ở đây là mỗi bộ khí tài có đặc tính kỹ thuật riêng của nó mà chỉ có nhà máy mới có khả năng điều chỉnh các bộ phận đó đồng bộ với nhau.
Giao nhiệm vụ bổ sung trên đường hành quân vào tuyến lửa Vĩnh Linh. Ảnh tư liệuỞ giữa mảnh đất Vĩnh Linh này, lấy đâu ra nhà máy, lấy đâu ra các phương tiện đo lường hiện đại để hiệu chỉnh. Nếu vậy, chỉ có cách duy nhất là kéo khí tài ra Hà Nội đổi lấy bộ khác là xong và Quân chủng cũng điện vào cho ra lấy khí tài khác. Nhưng như vậy Trung đoàn phải vài tháng nữa mới đánh được, vả lại, bộ khí tài khác trong quá trình hành quân có bảo đảm 100% không? Thủ trưởng bàn và suy nghĩ, cán bộ, chiến sĩ bàn và suy nghĩ đặt ra tất cả các vấn đề tính năng khí tài để giải quyết. Cuối cùng là quyết tâm dồn lắp xe YA của Tiểu đoàn 84, xe PA và AA của Tiểu đoàn 82. Anh em cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ kỹ thuật, kỹ sư thức trắng hàng tuần để hiệu chỉnh máy móc, khí tài. Đến 15-7-1967 thì dồn lắp xong, chiều hôm đó đang triển khai thì bị bom đánh xăm hỏng mất anten, chỉ còn bộ anten ấy là duy nhất. Anh em trong Ban Kỹ thuật Trung đoàn bảo đảm sẽ tìm cách vá lại ăng ten trong 2 ngày. Thế là anh em lại hì hục tìm kiếm vật liệu vá lại ăng ten và đến đêm 17-7-1967 thì chuẩn bị xong. Toàn bộ Trung đoàn tập trung sức người, trí tuệ cho 1 đơn vị đánh, gọi là hỗn hợp.
Tiểu đoàn trưởng Phiên (Tiểu đoàn phó 81 cử sang làm Tiểu đoàn trưởng thay cho Thạch Toàn đã hi sinh trên đường đi công tác do bom tọa độ tại Quảng Bình). Tiểu đoàn phó Dũng, Sĩ quan điều khiển Lê Hỷ, Kíp trắc thủ: Ngân, Ngoạn, Thính. Và anh em kỹ thuật viên của 81, 82, 83, 84 còn lại trong Vĩnh Linh.
Như vậy, xe YA là của Tiểu đoàn 82, xe PA là của Tiểu đoàn 81, xe AA là của Tiểu đoàn 83, RMA là của Tiểu đoàn 82, máy nổ của Tiểu đoàn 84, bệ phóng của Tiểu đoàn 82 và Tiểu đoàn 84. Một bộ khí tài Tên lửa hỗn hợp xuất hiện trên chiến trường Vĩnh Linh này để đối đầu với B-52 Mỹ.
Ngày 18-7-1967 toàn bộ mọi công tác chuẩn bị xong xuôi, lúc này chúng tôi dùng hai P-12; một của Tiểu đoàn 81 triển khai làm đài cảnh giới, triển khai cách trận địa T6 3km, một P-12 khác của Tiểu đoàn 84 triển khai trực tiếp bắt B-52 phục vụ cho Tiểu đoàn. Ngoài ra còn dùng P-10 của Trung đoàn cao xạ 218.
Ngày 17-9-1967, vào lúc 16 giờ chiều, Trung đoàn nhận được thông báo khả năng B-52 hoạt động vùng trời Đông Nam sông Bến Hải. Trung đoàn lệnh báo động Tiểu đoàn 84. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên ra lệnh cho đơn vị vào cấp 1. Theo lệnh của Tiểu đoàn trưởng, Sĩ quan điều khiển Lê Hỷ truyền lệnh cho các xe mở máy kiểm tra chức năng khí tài. Lúc này đài ra đa của Tiểu đoàn thông báo “bờ Nam có nhiễu cường độ mạnh…có mục tiêu”. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho sĩ quan điều khiển hạ cao áp, mở ăng-ten thu nhiễu. Sau khi kiểm tra, đồng chí Lê Hỷ khẳng định có nhiễu B-52. Trên mặt hiện sóng của các trắc thủ góc tà, phương vị, cự ly cũng hiện lên những giải nhiễu đậm.
- Sục sạo mục tiêu phương vị..., cự ly …, độ cao…, tiếng Tiểu đoàn trưởng vang trong cabin. Các trắc thủ lúc này cũng đồng loạt báo cáo “nhiễu B-52”.
Tín hiệu B-52 lờ mờ hiện trên nền nhiễu to gấp đôi mục tiêu bình thường, toàn kíp chiến đấu đồng thanh hô: “Tiêu”! “Kiểm tra mục tiêu”! “ Đúng mục tiêu”!
Sĩ quan điều khiển Lê Hỷ thao tác nhanh chóng đưa đường tâm năng lượng cánh sóng vào mục tiêu và giao tay quay, đồng thời hô “ Bám sát”!…
Tiểu đoàn trưởng ra lệnh: Tiêu diệt B-52…
Sĩ quan điều khiển thông báo:
- Quả một phóng phương vị..., cự ly…
- Quả hai phóng phương vị..., cự ly…
Mặt đất rung chuyển! Hai con rồng lửa nối đuôi nhau vọt lên không trung. Trên màn viko hiện lên hai chấm sáng. Các trắc thủ, sĩ quan điều khiển đồng thanh hô to:
- Hai đạn, điều khiển tốt!
Ánh chớp lóe lên trên mặt hiện sóng. Quả đạn thứ nhất, nổ! Quả đạn thứ hai, nổ! Mục tiêu tan ra, lấp lóe, lả tả trên màn hiện sóng.
Cùng lúc, đài quan sát mặt trận thông báo: “B-52 bốc cháy, lao xuống biển!”. Lúc đó là 17giờ 5 phút ngày 17-9-1967. Toàn kíp chiến đấu ôm chầm lấy nhau hô đến khản giọng: “Pháo đài bay B-52 bị ta tiêu diệt bằng tên lửa Sam 2 rồi…!”.
Tin vui như cánh chim nhanh chóng bay đi. Bác Hồ đã gửi thư khen và quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì cho Tiểu đoàn 84.
Vậy là, Trung đoàn 238 dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã được trên tin cho hành quân vào Khu 4 nơi Vĩnh Linh tạo điều kiện để đánh thắng B-52, mở đầu cho một thời kỳ tác chiến mới của bộ đội Tên lửa “Đánh vào đối tượng máy bay chiến lược B-52 của Mỹ”.
QUỲNH VÂN (lược trích)