9 giờ:9 phút Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 , 2016

Trận đánh xuất sắc của Trung đoàn 921

Trận đánh xuất sắc của Trung đoàn 921

Những ngày cuối năm 1967, máy bay MiG-21 của ta liên tục xuất kích và bắn rơi nhiều máy bay Mỹ; cản phá thành công các đợt tập kích của địch vào thủ đô Hà Nội; khẳng định chiến thuật “đánh nhanh, thọc sâu” và tinh thần mưu trí, dũng cảm của Không quân Việt Nam anh hùng. Trong trận đánh máy bay cường kích ngày 18 tháng 11 năm 1967, biên đội Phạm Thanh Ngân và Nguyễn Văn Cốc đã hạ gục 3 chiếc máy bay F-105.

 Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà số 10 nằm trên phố Thái Hà (Hà Nội) vào một chiều đầu Xuân 2015, Trung tướng Nguyễn Văn Cốc, Anh hùng phi công bồi hồi nhớ lại: Đó là một trong số trận đánh hiệp đồng tuyệt đẹp của không quân và tên lửa phòng không ta. Vì không chỉ có Bộ đội Không quân chúng tôi hạ gục 3 chiếc máy bay cường kích F-105 của địch mà tên lửa đối không của ta cũng hạ được 6 chiếc máy bay các loại.

 Rồi ông kể: Ngày 18 tháng 11 năm 1967, mới hơn 6 giờ sáng, biên đội chúng tôi đã vào vị trí sẵn sàng xuất kích. Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Binh chủng, không quân địch sẽ hoạt động từ 7 giờ 50 đến 8 giờ 30 phút.  Đúng 7 giờ, Sở chỉ huy Trung đoàn 921 vào cấp 1. Khoảng 30 phút sau, biên đội MiG-21 gồm Phạm Thanh Ngân bay số 1 và tôi - Nguyễn Văn Cốc bay số 2 cũng nhận được lệnh vào cấp 1. Chúng tôi cất cánh, lấy hướng 265 độ bay vào khu chờ Thanh Sơn. Một tốp máy bay địch gồm 12 chiếc F-105 và 4 chiếc F-4 bám sau, xuất hiện trên bầu trời Yên Bái - Phú Thọ. Chúng bay từ Thái Lan sang, vòng xuống núp sau dãy núi Tam Đảo hướng vào Thủ đô Hà Nội. Để tạo được cự ly và góc tiến vào tiếp cận địch, Sở chỉ huy Trung đoàn đã điều chỉnh đường bay từ hướng 265 độ về 250 độ, dẫn biên đội vòng về hướng 360 độ để bám theo địch. Tập trung quan sát từ bên trái phía trước rồi sang bên phải, khi phát hiện được mục tiêu, chúng tôi liền nhanh chóng thông báo cho nhau. Sau đó vài giây, cả 2 đều nhìn thấy rõ 4 chiếc F-105 đang bay theo đội hình “bàn tay xòe”, khoảng cách giữa chúng tương đối rộng, cự ly tới địch giảm dần. Đến vị trí có góc tiến vào thích hợp, Phạm Thanh Ngân ép độ nghiêng phải bám theo 4 chiếc máy bay địch và bay cao hơn chúng 1.500 - 2.000m. Anh nhắc tôi tăng cường cảnh giới phía sau. Khi biết chắc không có địch bám theo, Phạm Thanh Ngân báo về Sở chỉ huy và ra lệnh: “Số 2 vứt thùng dầu phụ, chuẩn bị công kích!”.

Trận đánh xuất sắc của Trung đoàn 921

Bộ đội Không quân xuất kích ngày đêm, lập công xuất sắc:   (Ảnh Tư liệu)

Theo dự kiến ban đầu, Phạm Thanh Ngân định vào tiếp cận công kích chiếc số 1 trong đội hình của địch. Nhưng như vậy sẽ rất khó tạo điều kiện cho tôi đồng thời công kích. Vì vậy, khi phát hiện thấy tốp F-105 có xu hướng vòng phải, anh liền chuyển sang công kích chiếc số 4 để vừa giữ được bí mật, vừa tạo thuận lợi cho tôi tiến hành công kích địch. 4 chiếc F-105 của địch vừa bay vừa thả nhiễu. Phạm Thanh Ngân đưa chiếc số 4 vào vòng ngắm. Khi còn cách mục tiêu khoảng 5km, anh mới bật ra đa và ấn nút phóng tên lửa. Chiếc máy bay địch lập tức bùng cháy. Lúc này chiếc máy bay F-105 số 3 trong đội hình địch đang ở ngay trước mắt, Phạm Thanh Ngân nhanh chóng ép độ nghiêng phải, tiếp tục công kích chiếc thứ 3. Sau khi phóng tên lửa, thấy cự ly từ mình tới địch quá gần, không còn cách nào khác, anh kéo gấp lấy độ cao để thoát ly. Tôi đã nhìn thấy rất rõ chiếc số 3 của địch nổ tung.

Trong khi Phạm Thanh Ngân công kích chiếc số 4 của địch, tôi liền bám theo chiếc số 1 rồi tăng lực toàn phần để rút ngắn cự ly và đạt tốc độ chênh lệch thích hợp so với máy bay địch. Khi cự ly tới mục tiêu thích hợp, tôi liền ấn nút phóng, quả tên lửa lao trúng mục tiêu, chiếc F-105 bốc cháy như một bó đuốc khổng lồ. Sau khi bắn rơi 3 chiếc F-105, chúng tôi liền thoát ly quay về hạ cánh an toàn tại sân bay Kép.

Kết thúc câu chuyện, người Phi công Anh hùng từng được Bác Hồ tặng 9 huy hiệu tương ứng với 9 lần hạ gục máy bay địch cười thật đôn hậu: Trong trận đánh này, thành công nhất của chúng tôi là đã cùng với lực lượng phòng không tiêu diệt được 9 máy bay các loại, bẻ gẫy hoàn toàn mũi tiến công lớn của không lực Hoa Kỳ vào đánh phá mục tiêu phía Bắc Thủ đô Hà Nội. Thêm vào đó, trận đánh ngày 18 tháng 11 năm 1967 càng thể hiện rõ ưu điểm của việc vận dụng nhuần nhuyễn 2 chiến thuật: “đánh nhanh, thọc sâu” và “số 2 đồng thời công kích”. Chúng tôi đã liên tục tấn công làm cho địch không kịp đối phó nên đã đạt được hiệu xuất chiến đấu cao như vậy đó.

QUỲNH VÂN

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website