13 giờ:24 phút Thứ sáu, ngày 21 tháng 7 , 2017

Những người con bất tử

Chiến tranh đã lùi về quá khứ, nhưng vẫn có những người lính vì nước, vì dân, quên mình ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc bầu trời và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Những thông điệp bằng máu về bản lĩnh, trí tuệ và lẽ sống mà họ để lại còn ngân mãi trong hàng triệu trái tim và trở thành niềm tin thôi thúc mỗi người cần phải sống có ý nghĩa hơn, có trách nhiệm hơn với cộng đồng, quê hương và sống trọn vẹn với Tổ quốc thân yêu của mình.

Kỳ 1: Những thông điệp bằng máu

Hàng năm, cứ mỗi độ 27-7, lòng tôi lại trào dâng sự biết ơn vô bờ với những người đã ngã xuống hay hi sinh một phần xương máu của mình cho Tổ quốc. Trong nỗi khắc khoải, thương nhớ ấy, trái tim tôi lại rung lên những cung bậc thổn thức về lẽ sống của đồng đội mình khi họ đã anh dũng hi sinh lúc đất nước thanh bình.

Những người con bất tử
Lễ dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Nhà tưởng niệm liệt sĩ Phòng không-Không quân
(số 171, Trường Chinh, Hà Nội). Ảnh: CTV

14 giờ 15 phút, ngày 12-11-2009, khi đang ngồi học trên giảng đường, tôi nhận được điện thoại của nhà báo Tùng Duy (Báo Tiền phong). Những thông tin mà anh thông báo làm trái tim tôi như ngưng lại, khi biết 2 người anh, người đồng đội kính mến của mình là Thượng tá Nguyễn Văn Vinh - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 931 và Thượng úy Đặng Hồng Vinh - Phó Phi đội trưởng Phi đội 2, Trung đoàn 931 đã vĩnh viễn ra đi lúc 14 giờ 00 ngày 12-11-2009 khi máy bay MiG-21 gặp nạn trong khi thực hiện nhiệm vụ bay trinh sát khí tượng chuẩn bị cho ban bay huấn luyện.

Đã từng trực tiếp chuẩn bị máy bay cho các anh bay và ít nhiều biết được trình độ bay của các anh, nên trên đường ngược Yên Bái, trong tôi luôn đặt câu hỏi: Vì sao? Vì sao? Rồi khi tới nơi các anh ngã xuống và nghe các nhân chứng kể lại, nước mắt tôi cứ ứa ra.

Nguyên nhân chính vụ tai nạn do nhân chứng kể lại và kết luận của Hội đồng điều tra tai nạn của Quân chủng xác định là do trong lúc đang vòng đối chuẩn về hướng đường băng, giai đoạn sau vòng 3, lực đẩy của động cơ giảm đột ngột do miệng phun động cơ tự mở, vì máy bay đang vòng với độ nghiêng lớn, tốc độ giảm nhanh dẫn tới độ cao càng giảm nhanh. Phi công buồng sau can thiệp bằng cách lấy quyền điều khiển động cơ về buồng sau và bật tăng lực với mục đích tăng nhanh tốc độ để đưa máy bay về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, do độ cao thấp, tốc độ nhỏ và 2 phi công đã có hành động dũng cảm điều khiển máy bay vòng tránh khu dân cư nên không đủ thời gian, điều kiện để đưa máy bay ra khỏi trạng thái nguy hiểm và các anh đã anh dũng hi sinh. Từ kết luận điều tra bay và nguyện vọng của đại đa số nhân dân, nhất là nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, ngày 12-1-2010, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã có Tờ trình số 87/TTg-BTL đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho hai phi công nói trên. Ngày 4-5-2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 537/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho hai phi công vì đã có hành động dũng cảm hi sinh quên mình vì nhân dân.

Nỗi đau càng lớn hơn khi những năm sau đó, tôi không ít lần phải chứng kiến sự hi sinh của đồng đội trong khi thực hiện nhiệm vụ. Gần đây nhất, ngày 26-8-2016, nhận tin Học viên phi công Phạm Đức Trung (22 tuổi, quê Ninh Bình) của Trường SQKQ đã anh dũng hi sinh khi thực hành bay đơn. Nguyên nhân chính được các cơ quan chức năng cho biết lúc 8 giờ 45 phút cùng ngày, sau khi cất cánh từ Sân bay Tuy Hòa (Phú Yên), phi công lấy độ cao bay tập luyện, máy bay bị hỏng động cơ, Trung đã nhận được lệnh quay về sân bay, rồi lệnh tiếp theo là nhảy dù, nhưng em đã không bật dù, cố hạ cánh khẩn cấp giữa cánh đồng lúa để đảm bảo an toàn cho người dân đang lưu thông dưới Quốc lộ 1 và anh dũng hi sinh trong khi tay  vẫn ôm chặt cần lái.

Khi vào Trường Sĩ quan Không quân, tôi xúc động hơn khi được nghe Thiếu tướng Nguyễn Duy Cường - khi đó là Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân (nay là Phó Giám đốc Học viện PK-KQ) kể về nhiều tấm gương anh dũng hi sinh, trong đó có tấm gương của Thượng tá Dương Văn Thanh. Theo Thiếu tướng Nguyễn Duy Cường kể lại, ngày 29-4-2005, trong khi huấn luyện bay đơn cho học viên khóa 30, anh  kèm  Trung úy phi công Đào Việt Hưng cùng bay trên chiếc máy bay L-39 mang số hiệu 8732 huấn luyện chiến đấu cùng biên đội bay thực hiện nhiệm vụ ở độ cao thấp, nhưng rồi sau đó, một bất trắc đã xảy ra lúc 15 giờ 25  phút cùng ngày, máy bay của anh đã đột ngột chết máy trên không. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, anh vẫn bình tĩnh quan sát, rồi báo cáo về Sở Chỉ huy bay. Mặc dù được lệnh nhảy dù thoát hiểm nhưng anh vẫn cố gắng giữ trạng thái máy bay và lệnh cho phi công trẻ Đào Việt Hưng ở buồng lái sau nhảy dù thoát hiểm. Ở thời điểm mong manh giữa sự sống và cái chết, anh vẫn bình tĩnh vòng máy bay sang trái để tránh nguy hiểm cho các khách du lịch đang vui chơi tại khu nghỉ dưỡng Vinpearl Land. Khi đưa được máy bay ra khỏi khu vực Vinpearl Land thì máy bay không còn đủ độ cao để thực hiện các thao tác thoát hiểm và đã rơi xuống biển sau 3 giây. Khi đồng đội và các lực lượng chức năng tìm thấy anh cùng chiếc máy bay L-39, hai tay anh vẫn nắm chặt cần lái. Anh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 9-1-2007.

Được biết, Thượng tá Dương Văn Thanh hi sinh khi con anh là Dương Lê Minh, sinh năm 1984 đang là học viên phi công quân sự tại Trường SQKQ. Theo như Thiếu tướng Nguyễn Duy Cường kể lại thì ngày ấy, công tác tư tưởng cho Dương Lê Minh được nhiều cấp tiến hành và Minh quyết tâm trở thành phi công giỏi để không phụ sự hi sinh anh dũng của cha mình. Tốt nghiệp loại giỏi, Dương Lê Minh về công tác tại Tổng công ty trực thăng Việt Nam. Tuy nhiên, ngày 18-10-2016, trong khi bay huấn luyện, Dương Lê Minh đã hi sinh cùng 2 học viên của mình tại núi Dinh, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ghép lại những mảnh ký ức về những đồng đội đã anh dũng hi sinh trong thời bình, trái tim tôi như thắt lại khi biết chỉ trong 15 năm trở lại đây, đã có 29 vụ tai nạn máy bay làm 38 phi công, thành viên tổ bay, học viên bay hi sinh. Sự hi sinh, mất mát đó đã phản ánh tính chất khốc liệt của nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của Quân đội nói chung, Quân chủng PK-KQ nói riêng, đặc biệt là đội ngũ phi công quân sự.

>>> Kỳ 2: Vượt lên nỗi đau

NGÔ TIẾN MẠNH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website