16 giờ:20 phút Thứ năm, ngày 27 tháng 7 , 2017

Nhớ mãi trận đánh ở Tứ Kỳ

Năm tháng trôi qua, nhưng kỷ niệm về những trận chiến đấu ác liệt với Không quân Mỹ vẫn còn đọng mãi trong tôi. Ngày ấy với vai trò là trắc thủ góc tà của Tiểu đoàn 83, Trung đoàn tên lửa 238, tôi đã cùng các đồng đội cơ động chiến đấu trên nhiều trận địa, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Nhưng trận đánh để lại cảm xúc sâu sắc nhất với tôi cùng đồng đội là trận đánh ở Tứ Kỳ (Hải Dương), ngày 11-10-1972.

Nhớ mãi trận đánh ở Tứ Kỳ 
Triển khai tên lửa ở trận địa mới. Ảnh:
Tư liệu

Tháng 10-1972, Tiểu đoàn 83 đang trực chiến ở trận địa Gia Lộc, thì nhận được điện khẩn từ Trung đoàn yêu cầu Tiểu đoàn 83 nhanh chóng cơ động về trận địa Tứ Kỳ, sẵn sàng trực chiến đánh máy bay Mỹ. Ngay sau tiếng còi báo động vang lên, Tiểu đoàn trưởng Mai Xuân Mẫn hạ lệnh thu hồi khí tài rời khỏi trận địa. Trong vòng 30 phút, toàn bộ khí tài của Tiểu đoàn đã thu hồi xong. Tiểu đoàn trưởng ra mệnh lệnh hành quân theo Quốc lộ 5, về trận địa Tứ Kỳ triển khai chiến đấu.

Sau khi trinh sát trận địa, Tiểu đoàn trưởng hạ lệnh: “Toàn Tiểu đoàn chiếm lĩnh trận địa, triển khai khí tài sẵn sàng chiến đấu”. Đến 3 giờ sáng thì mọi khâu đã chuẩn bị xong. 11 giờ 22 phút, ngày 11-10-1972, còi báo động kéo 3 hồi dài. Từ lán trực chiến, chúng tôi nhanh chóng lao về phía xe điều khiển. Các hoạt động trong xe thật nhịp nhàng và khẩn trương. Lệnh của Tiểu đoàn trưởng Mai Xuân Mẫn sắc gọn: “Kíp chiến đấu sục sạo tìm mục tiêu...”. Tiêu đồ 5x5 - Nguyễn Văn Bào nhận lệnh từ mạng tình báo quốc gia thông báo với Tiểu đoàn trưởng: “Máy bay Mỹ từ đảo Guam và Hạm đội 7 đã tập kết ở cự ly 500km, hướng vào Hải Phòng - Hà Nội”. Sĩ quan điều khiển Lê Đức Nghĩa ấn tay quay, mở mạch chiến đấu để kiểm tra việc sẵn sàng chiến đấu của toàn xe điều khiển...

Bên phải tôi là trắc thủ cự ly Trần Hữu Việt, bên trái là trắc thủ phương vị Nguyễn Mạnh Hùng, tất cả chúng tôi cùng một lúc thao tác theo khẩu lệnh của sĩ quan điều khiển. Tiếng tiêu đồ vang lên trong xe: “Máy bay Mỹ đang hướng về Hải Phòng - Hà Nội. Cự ly cách trận địa 450km, 400km, 350km, 300km, 250km, 200km...”. Lệnh từ Trung đoàn: “Tiểu đoàn 83 sẵn sàng chiến đấu”. Tôi vê tay quay đều đều trên màn hình, căn tọa độ theo đường tim ngang, tim dọc để phát hiện mục tiêu. Máy bay đã vào cự ly cách trận địa 100km. Trên màn hình chúng tôi phát hiện những chấm nhỏ li ti, lẫn trong dải nhiễu dày đặc quét ngang dọc bằng những sóng cao tần có nhiều biên độ nhiễu khác nhau. Đây là thủ đoạn do máy bay EB-66 của Mỹ từ Biển Đông phát nhiễu để che cho máy bay ném bom vào đất liền đánh phá. Sĩ quan điều khiển lệnh cho các trắc thủ: “Bám sát mục tiêu lẫn trong dải nhiễu theo độ cao, góc và phương vị”. Cùng lúc đó đài ra đa của Tiểu đoàn thông báo: “Máy bay Mỹ từ hướng Đông Nam hướng vào Hải Phòng - Hà Nội...”. Trắc thủ tiêu đồ 5x5, giọng dồn dập: “Thông báo! Máy bay địch cách trận địa 50km, 45km, 40km...”.

Tôi tập trung cao độ vào màn hình, nhìn những dải nhiễu dày đặc quét ngang dọc. Bằng kinh nghiệm qua nhiều trận đánh, tôi phát hiện những chấm sáng to nhấp nháy ổn định là máy bay Mỹ, được máy gây nhiễu che đi. Cự ly càng gần, mục tiêu càng rõ. Tiểu đoàn trưởng sau khi quan sát màn hình và nghe báo cáo, đã ra lệnh cho toàn kíp chiến đấu: “Bỏ tốp máy bay đầu, bắt tốp ở giữa đội hình”. Thông thường các tốp máy bay Mỹ mang bom vào đánh phá, thường bay ở giữa đội hình. Tốp đi đầu và cuối là máy bay tiêm kích, có nhiệm vụ bảo vệ các máy bay cường kích mang bom. Đồng thời, bắn phá các trận địa phòng không và đánh chặn máy bay của ta. Với khẩu lệnh dứt khoát, sĩ quan điều khiển lệnh cho kíp trắc thủ chúng tôi bắt chiếc máy bay ở giữa của tốp thứ 4.

Máy bay vào đến cự ly 30km, tốc độ 250km/giờ, độ cao 5km rất ổn định. Tôi báo cáo với sĩ quan điều khiển Lê Đức Nghĩa: “Khả năng máy bay F-105 ném bom...” . Bên ngoài, trên bầu trời máy bay Mỹ gầm rú, săn lùng những trận địa cao xạ và tên lửa để đánh phá. Bỗng khẩu lệnh sắc gọn của Tiểu đoàn trưởng vang lên: “Phóng cự ly 25 km, 2 quả, giãn cách 6 giây”! Sĩ quan điều khiển hô to: “Mở mạch chiến đấu, đồng thời rướn người nâng cao thế”. Tôi, Hùng, Việt thao tác chính xác từng vòng quay đưa mục tiêu vào trung tâm cánh sóng. Hai quả tên lửa rời bệ phóng lao vun vút vào không trung, kéo theo hai vệt lửa đỏ rực. Vê tay quay chúng tôi kẹp chặt mục tiêu vào chính giữa hai đường tim ngang dọc trên màn hình với niềm tin thắng lợi. Bỗng sĩ quan điều khiển Lê Đức Nghĩa thông báo: “Có Sơ-rai phóng xuống trận địa”. Nhìn trên màn hình 2 tín hiệu trắng sáng to đang lao xuống, cùng với đạn tên lửa bay lên. Sĩ quan điều khiển vẫn bình tĩnh đếm giãn cách cự ly... Tiểu đoàn trưởng Mai Xuân Mẫn ra lệnh: Hạ cao thế để đảm bảo an toàn cho người và khí tài. Theo mệnh lệnh, sĩ quan điểu khiển ấn nút hạ cao thế, không khí trong xe trầm xuống.

Một thoáng suy nghĩ nhanh, tôi nghĩ đến tình huống gạt Sơ-rai. Chưa kịp đề nghị, thì sĩ quan điều khiển Lê Đức Nghĩa đã rướn người ấn nút nâng cao thế và báo cáo với Tiểu đoàn trưởng. Màn hình điều khiển tên lửa sáng rực, hai quả tên lửa đã đưa vào trung tâm cánh sóng. Kíp chiến đấu thao tác nhanh và chính xác, đưa mục tiêu vào chính giữa màn hình và tọa độ tiêu diệt. Giọng sĩ quan điều khiển lại vang lên: “Tên lửa cách máy bay Mỹ 23, 22, 21, 20, 19, 18km... Tên lửa gặp mục tiêu, đạn nổ tốt. Máy bay Mỹ đã bị tiêu diệt “. Một quầng sáng lớn bao trùm chiếc máy bay F-4, nhìn trên màn hình các mảnh vụn của máy bay và đạn tên lửa bắn ra như những mụn than. Đồng thời, sĩ quan điều khiển lệnh cho kíp chiến đấu chúng tôi gạt Sơ-rai và hạ cao thế. Chỉ trong tích tắc, hai quả Sơ-rai nổ ầm ầm trên trận địa, tạo thành hai hố bom nhỏ.

Cửa xe bật mở, lúc đó vào 14 giờ chiều. Những luồng gió mát ùa vào, xua đi sự căng thẳng trên nét mặt mọi người. Đồng đội tôi từ các xe bệ đạn, xe tính toán, xe thu phát, xe nguồn, các chuyên gia quân sự Liên Xô từ hầm trú ẩn lao lên ôm nhau, cùng chia vui thắng lợi. Những phút giây lâng lâng, kiêu hãnh đó cứ theo mãi tôi vào những trận đánh mới. Sự mưu trí, sáng tạo, dũng cảm và áp dụng các phương pháp: Bắn đón, bắn đuổi, bắn theo độ cao góc tà, bắn máy bay trong tình huống có Sơ-rai và đặc biệt bắn máy bay B-52 Mỹ trong giải nhiễu dày đặc. Đó chính là nghệ thuật chiến đấu của Bộ độ Tên lửa phòng không Việt Nam q

NGUYỄN VĂN CÔN

(Nguyên Trắc thủ góc tà, Tiểu đoàn 83, Trung đoàn 238)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website