9 giờ:35 phút Thứ ba, ngày 19 tháng 7 , 2022

Công tác chuẩn bị chiến đấu trước Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội

Ngay sau ngày Mỹ dùng máy bay B-52 ném bom đèo Mụ Giạ, phía Tây tỉnh Quảng Bình (tháng 4-1966); Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Quân chủng PK-KQ chuẩn bị cách đánh B-52. Thực hiện chỉ thị của Bác và Bộ Tổng tư lệnh, giữa năm 1966, Quân chủng điều Trung đoàn tên lửa 238 vào Vĩnh Linh nghiên cứu cách đánh B-52.

Công tác chuẩn bị chiến đấu trước Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội
Pháo cao xạ cơ động chiếm lĩnh trận địa,
bảo vệ các đơn vị tên lửa đánh máy bay B-52.
Ảnh tư liệu 

Mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 ra miền Bắc năm 1972, Mỹ cho máy bay B-52 đánh vào thành phố Vinh, Thanh Hóa và Hải Phòng. Các đơn vị tham gia chiến đấu trong các trận này đều không bắn rơi B-52, kể cả Trung đoàn 238 đã từng bắn rơi 6 chiếc B-52 ở Khu 4. Lúc này địch đã tăng cường cải tiến các phương án gây nhiễu làm ta không thể phát hiện được mục tiêu B-52...

Sau 3 trận đánh B-52 không thành công ở Vinh, Thanh Hóa và Hải Phòng, cuối tháng 4-1972, Bộ Tư lệnh Quân chủng giao nhiệm vụ cho Tham mưu phó Vũ Xuân Vinh, Nguyễn Dương Hán cùng một số cán bộ chủ chốt, có trình độ của các phòng tác chiến, huấn luyện, khoa học quân sự xây dựng phương án đánh B-52 bảo vệ Hà Nội, gọi tắt là “Phương án tháng 5”.

Ngày 13-7-1972, Bộ Tư lệnh Quân chủng ra chỉ thị về việc “Tiếp tục nghiên cứu và triển khai kế hoạch đánh máy bay B-52”. Tổ tài liệu có sự tham gia của Viện Khoa học quân sự nghiên cứu bổ sung “Phương án tháng 5”, xây dựng thành “Phương án tháng 7”. “Phương án tháng 7” xác định lực lượng đánh B-52 là Bộ đội Tên lửa và Bộ đội Không quân (chủ yếu là MiG-21). Sau khi “Phương án tháng 7” được Bộ Tổng Tham mưu thông qua, Bộ Tư lệnh Quân chủng chỉ đạo Bộ Tham mưu hướng dẫn các binh chủng, sư đoàn, khẩn trương chuẩn bị phương án đánh B-52.

Qua lời khai của giặc lái, cuối tháng 7-1972, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Quân chủng tiếp tục nghiên cứu, bổ sung phương án đánh B-52 trong “Phương án tháng 7”. Bộ Tư lệnh thành lập tổ nghiên cứu, biên soạn tài liệu “Cách đánh B-52” do đồng chí Nguyễn Sinh Huy - Trưởng Phòng Tác huấn tên lửa phụ trách. Đến cuối tháng 9-1972, tài liệu “Cách đánh B-52” được hoàn thành gọi tắt là “Phương án tháng 9”.

Sau khi “Phương án tháng 9” được Bộ Tổng Tham mưu thông qua, từ ngày 29-10 đến ngày 3-11-1972, Quân chủng tổ chức Hội nghị bàn cách đánh B-52 của Bộ đội Tên lửa tại Sư đoàn 361. Sau khi bổ sung, hoàn chỉnh, tài liệu “Cách đánh B-52” được in rô-nê-ô, đóng bìa đỏ nên còn được gọi là cuốn “Sách đỏ”. Bộ Tham mưu tổ chức đoàn cán bộ xuống các đơn vị trực tiếp phổ biến tài liệu “Cách đánh B-52”. Đồng thời, Quân chủng tổ chức đoàn cán bộ và một số kíp chiến đấu tên lửa do Tham mưu phó Vũ Xuân Vinh phụ trách, vào Nghệ An giúp Trung đoàn tên lửa 263 khảo nghiệm cách đánh B-52. 21 giờ 44 phút ngày 22-11-1972, hai tiểu đoàn 43, 44 Trung đoàn tên lửa 263 bắn rơi 2 chiếc B-52, trong đó có 1 chiếc rơi cách căn cứ U-ta-pao (Thái Lan) 64km. Đây là lần đầu tiên Bộ đội Tên lửa của ta bắn rơi “siêu pháo đài bay B-52” của Mỹ trên đất liền có căn cứ khoa học xác minh.

Kinh nghiệm của trận đánh thắng B-52 của Trung đoàn 263 được Bộ Tham mưu phổ biến ngay cho các đơn vị tên lửa trong toàn Quân chủng. Tiếp đó, Bộ Tư lệnh chỉ đạo các đơn vị tên lửa tổ chức huấn luyện đột kích chuyên đề về cách đánh B-52 trong 15 ngày liền, tạo điều kiện cho Bộ đội Tên lửa nâng nhanh trình độ đánh B-52.

Trong thời gian này, lực lượng pháo cao xạ ở Hà Nội, Hải Phòng được bố trí ôm sát các mục tiêu trọng yếu, với nhiệm vụ chủ yếu là đánh các loại máy bay chiến thuật, bảo vệ mục tiêu, bảo vệ tên lửa và sân bay. Về không quân, ngoài lực lượng tham gia đánh địch theo phương án tác chiến bảo vệ Hà Nội, đại đội bay đêm do phi công Hoàng Biểu làm đại đội trưởng là lực lượng nòng cốt đánh B-52 trên hai hướng Tây Bắc và Tây Nam Hà Nội. Ngoài vùng hỏa lực của tên lửa, pháo cao xạ. Đội hình mạng ra đa được điều chỉnh, kiện toàn, kết hợp chặt chẽ, liên hoàn các trường ra đa khu vực của Trung đoàn 290 ở phía Nam Quân khu 4 trở ra; để vừa đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm ra đa cho tác chiến phòng không bảo vệ miền Bắc, trọng tâm là Hà Nội, Hải Phòng, vừa có thể bảo đảm phát hiện tốt B-52 từ xa. Về thông tin, liên lạc được bổ sung phương tiện, các mạng liên lạc thường xuyên thông suốt, bảo đảm cho chỉ huy, thông báo, báo động kịp thời, vững chắc, chính xác. Đồng thời, Quân chủng xây dựng và chuẩn bị kế hoạch điều động lực lượng, phương tiện để bổ sung, khôi phục sức chiến đấu, bảo đảm phương tiện tiếp tế đạn cho các đơn vị; xây dựng kế hoạch sửa chữa sân bay, trận địa phòng không khi bị địch đánh phá; chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng phòng không các quân khu, sư đoàn bộ binh và các địa phương bổ sung phương án tác chiến, xây dựng lực lượng và tổ chức trực ban sẵn sàng chiến đấu.

Trong Chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972, toàn Quân chủng luôn chủ động về thế trận phòng không, bố trí đội hình và sử dụng lực lượng thích hợp, chỉ đạo cách đánh hợp lý, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, phương tiện, đánh đúng đối tượng chủ yếu là máy bay B-52. Các trận đánh liên tục diễn ra trong chiến dịch với quy mô khác nhau, từ trận mở đầu (đêm 18-12), các trận đánh then chốt quyết định (các đêm 20, 26-12) và trận kết thúc (đêm 29-12) đều thực hiện đánh tập trung, đánh tiêu diệt lớn, đạt hiệu suất chiến đấu cao, bắn rơi nhiều máy bay B-52, buộc địch phải thay đổi âm mưu thủ đoạn và cuối cùng phải thất bại thảm hại.

                            QUÁCH THÀNH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website