14 giờ:27 phút Thứ năm, ngày 28 tháng 7 , 2016

Trung đoàn 280 trong những ngày bảo vệ tuyến đường chiến lược

Những ngày đầu năm 1967, địch liên tiếp đánh phá các tuyến vận tải chiến lược của ta. Chỉ riêng tháng 3/1967, trên hai trục đường 12 và 15 địch đã đánh phá 543 trận. Cuối tháng 3 năm 1967, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 lệnh cho Trung đoàn 280: Gấp rút hành quân vào Tây Quảng Bình, bảo vệ hai tuyến đường chiến lược.

Trung đoàn 280 trong những ngày bảo vệ tuyến đường chiến lược
Trận địa Trung đoàn 280 giữa rừng Trường Sơn. Ảnh tư liệu.

Ngày 29/3, Đảng ủy Trung đoàn họp bàn việc thực hiện nhiệm vụ mới, Đảng ủy đã xác định: “…Quyết xả thân vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ mới”. Ngay khi Đảng ủy Trung đoàn còn đang họp, đồng chí Tham mưu trưởng Trung đoàn đã cùng các trợ lý tham mưu lên xe đi nghiên cứu địa hình. Và ở các đơn vị bộ đội đã được lệnh chuẩn bị hành quân.

Đầu tháng 4, Trung đoàn được lệnh hành quân. Chấp hành mệnh lệnh của Quân khu, Trung đoàn giao lại Đại đội 1 và Đại đội 2 cho đơn vị bạn, lực lượng của Trung đoàn còn lại gồm Đại đội 3 và 4 đại đội trung cao. Những cơn mưa đầu mùa ào đến rồi ào đi, chen nhau với nắng. Các cán bộ chiến sĩ 280 đội nắng, đội mưa đi về phía trước. Đêm hành quân, ngày dạt vào các thôn xóm ven đường tạm nghỉ.

Vào đến Trường Sơn, Trung đoàn 280 nhập vào đội hình 3 đại đội mới: Đại đội 11, Đại đội 13 và Đại đội 73. Ngay từ đầu, Trung đoàn đã phân công rành rọt địa bàn và mục tiêu bảo vệ cho các tiểu đoàn cụ thể như: Đại đội 3 từ Khe Ve đến đèo Mụ Dạ; Đại đội 11 bảo vệ khu vực Khe Tang, Khe Núng; Đại đội 13 bảo vệ phà Xuân Sơn, Đại đội 73 bảo vệ vùng Đò Vàng – Khe Nét. Ba đại đội trung cao đóng ở Tân Sum, Lân Sum và là lực lượng cơ động của Trung đoàn. Địa bàn mới, chiến trường mới, thủ đoạn hoạt động của địch cũng mới. Song các đơn vị không ngồi chờ địch tự bộc lộ để tìm hiểu chúng mà chủ động tiến công địch và chủ động đánh địch để hiểu chúng hơn.

Đại đội 3 Trung cao là đơn vị lập công đầu tiên. Trên đường hành quân vào Tâm Sum, khí tài của đơn vị bị hỏng hóc không hoạt động được. Song đơn vị đã kiên quyết đánh địch bằng phương pháp ngắm bắn trực tiếp và liên tiếp trong 2 ngày 23 và 24/4, đơn vị đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ. Tiếp sau, ngày 2/5, Đại đội 42 , Đại đội 73 lại bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F-74 nữa ở Đò Vàng.

Những trận thắng liên tiếp trong những ngày cuối tháng 4 và ngày đầu tháng 5/1967 đã làm bừng lên trong toàn Trung đoàn khí thế thi đua lập công. Toàn tuyến rền vang tiếng súng bắn máy bay Mỹ. Một khẩu đội độc lập cũng đánh, một mình một súng cũng bắn rơi giặc trời. Điển hình như ngày 4/6/1967, Trung đoàn kết thúc hội thao kỹ thuật ở Khe Dinh, Khẩu đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 13 được tặng cờ thi đua “Khẩu đội giỏi nhất”, trên đường hành quân trở về Tiểu đoàn, khẩu đội bị sa lầy cách làng Tróoc chừng 800m. Tới tận 4 giờ sáng, nhờ các đồng chí lái xe binh trạm giúp sức các pháo thủ mới thoát được quãng lầy đó. Khẩu đội trưởng Cao Xuân Mạnh quyết định chiếm lĩnh một công sự pháo cạnh đường. Trận địa này đơn vị bạn vừa mới rút đi cách đó ít ngày, lá ngụy trang khô trắng công sự. Biết là trận địa đã bị lộ nhưng không còn cách nào khác.

Sáng hôm sau, khoảng 9 giờ, 3 chiếc F-105 kéo đến bắn xăm quanh trận địa. Khẩu đội quyết không đánh vì biết nổ súng lúc này không hề có lợi. Buổi chiều địch đánh phá làng Tróoc, mỗi một lần chiếc F-4 bổ nhào xuống là trong làng lại bùng lên những quầng lửa của những ngôi nhà bốc cháy. Không thể ngồi yên nhìn kẻ thù gây tội ác, khẩu đội quyết tâm nổ súng.

Bắn loạt đầu, đạn vượt trước. Phát hiện thấy hỏa lực của ta chỉ là một khẩu đội lẻ loi, giặc xúm vào đánh phá trận địa. Trận địa mù mịt khói bom. Đất đá đổ rào rào. Một tảng đất rơi trúng máy nạp đạn làm pháo tắc tị, pháo thủ số 5 - Trương Quang Việt cùng khẩu đội phó Nguyễn Văn Vịnh tháo đạn, sửa chữa ngay. Pháo ta lại nổ giòn giã nhưng lần này đạn tụt hậu. Khẩu đội trưởng quay về phía pháo thủ số 3 Nguyễn Văn Thìn nhắc to.

-Số 3 chú ý, cự ly 2.500 điểm xạ vừa… Bắn!

Đường đạn chính xác của khẩu đội đã cắt cụt một bên cánh chiếc F-4C lúc ấy đang bổ nhào. Máy bay rơi tại chỗ. Hai tên giặc lái nhảy dù, bị lực lượng thanh niên xung phong bắt sống.

Hơn 2 tuần sau, ở Trạm Quân giới Trung đoàn, lại có được một chiến công độc đáo, kỳ lạ. Đó là buổi sáng ngày 13/6, thợ pháo Bùi Mạnh Quỹ vừa sửa chữa xong một khẩu pháo 23mm. Anh xin phép bắn thử để kiểm tra độ chính xác trước khi bàn giao cho đơn vị. Được trạm trưởng đồng ý, Quỹ nạp 14 viên đạn vào băng. Ba lần đặt bàn chân vào cò súng thì cả ba lần anh đều rụt chân về, bởi anh nghĩ: một viên đạn đưa được vào chiến trường tốn biết bao mồ hôi, xương máu thì phải tận dụng cho làm sao thật hiệu quả. Vậy là anh chờ cho bao giờ máy bay bay qua mới thử pháo, dù có không trúng cũng dọa bọn giặc trời một phen. Anh quay nòng pháo về phía khe núi đón lõng. Đây là đường bay quen thuộc của máy bay trinh sát.

Bỗng tiếng động cơ phản lực ầm ì và một chấm đen xuất hiện đầu khe núi.

“Đây rồi!” - Quỹ lẩm bẩm và chờ cho mục tiêu vào đúng tầm bắn mới đạp cò. Mười bốn viên đạn vạch một đường sáng trong không khí nhanh như một đường gươm. Và đường gươm đó đã chặt cụt đầu một con ma Mỹ… Đó là chiến công đặc biệt và cũng hết sức bất ngờ của người thợ pháo Bùi Mạnh Quỹ.

BÍCH PHƯỢNG
(Theo Những Chặng đường chiến đấu)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website