14 giờ:2 phút Thứ hai, ngày 20 tháng 3 , 2017

Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu:

Là cán bộ Đảng, tôi luôn ghi sâu lời dạy của Bác

Sinh ra và lớn lên ở xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông, tôi sớm được giác ngộ cách mạng. Tháng 5-1943, tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tôi đã qua nhiều cương vị công tác, đã nhiều năm gắn bó với Quân chủng PK-KQ; song những kỷ niệm trong đời hoạt động cách mạng, nhất là những kỉ niệm về Bác Hồ, về những lời căn dặn của Bác, tôi luôn khắc ghi.

 Sau hơn hai năm hoạt động tại địa phương, tháng 9-1945, tôi được tổ chức phân công xuống huyện Yên Khách, tỉnh Ninh Bình, giữ chức Huyện ủy viên Việt Minh. Tháng 10-1945, tôi được cử làm Huyện ủy viên Đảng bộ huyện Yên Khánh, có nhiệm vụ tuyên truyền giác ngộ quần chúng nhân dân, xây dựng cơ sở, ủng hộ chính quyền cách mạng do Bác Hồ lãnh đạo.

Tháng 10-1946, để tăng cường đảng viên trong lực lượng vũ trang, tôi được Đảng cử vào quân đội (lúc đó là Vệ quốc đoàn), làm Chính trị viên Đại đội 10, Tiểu đoàn 62, thuộc tỉnh đội Ninh Bình. Lúc này tôi càng có điều kiện tìm hiểu sâu về bản chất cách mạng của quân đội ta do Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo, giáo dục. Bác đã cùng Trung ương Đảng hết lòng xây dựng quân đội ta là quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, biết kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc ta.

Là cán bộ Đảng, tôi luôn ghi sâu lời dạy của Bác

Hồ Chủ Tịch đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đoàn Không quân Sao Đỏ, tháng 2/1067.  (Ảnh Tư liệu)

Năm 1948, trước yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, Tiểu đoàn 62 chúng tôi được đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 87, nằm trong đội hình Trung đoàn 34 - Trung đoàn đã được Bác Hồ tặng danh hiệu: “Trung Đoàn Tất Thắng”. Sau 3 tháng đầu chiến đấu ở Nam Định tôi được chuyển sang làm Chính trị viên Đại đội 23. Là cán bộ chính trị, tôi luôn lấy lời dạy của Bác Hồ để giáo dục, động viên bộ đội: “Chúng ta biết trước rằng kháng chiến ắt phải gay go, phải trường kỳ, nhưng chắc chắn sẽ thắng lợi. Vì vậy, mặc dầu gian nan cực khổ, nhân dân ta ngày càng đoàn kết, càng hăng hái, càng kiên quyết kháng chiến cho đến thắng lợi cuối cùng…”.

Sau chiến thắng Trà Châu, cuối năm 1948, Tiểu đoàn 87 chúng tôi được điều sang tăng cường cho Trung đoàn 66 - trung đoàn chủ lực của Liên khu III. Đại đội 23 của tôi đổi phiên hiệu thành Đại đội 14. Lúc này, chúng tôi được học tập “12 điều răn” của Bác Hồ. Bác dạy: “Nước lấy dân làm gốc”, với 6 điều không nên và 6 điều nên làm khi tiếp xúc với dân và “Bài thơ cổ động”, có câu kết: “Gốc có vững, cây mới bền; Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Chúng tôi phát động trong đơn vị phong trào đóng góp công sức cùng nhân dân rào làng kháng chiến, lao động sản xuất, xây dựng tinh thần đoàn kết gắn bó “quân với dân như cá với nước”, như lời Bác Hồ dạy.

Thực ra đến lúc đó, tôi chưa lần nào được gặp Bác Hồ. Những lời kêu gọi và lời dạy của Bác, tôi đều sưu tầm trên sách báo, hoặc được quán triệt qua Nghị quyết của Đảng ủy cấp trên. Tôi vẫn mong sao có dịp được gặp Bác Hồ, để được trực tiếp nghe những lời Bác dạy bảo.

Tháng 9-1950, sau vài năm tham gia chiến đấu ở các đơn vị khác, tôi được điều trở lại Trung đoàn 34 - “Trung Đoàn Tất Thắng” làm Chính trị viên Tiểu đoàn 632. Theo lệnh của trên, toàn Trung đoàn 34 chuẩn bị sang Trung Quốc học tập chuyển binh chủng. Riêng tôi được ở lại, chuẩn bị đi học lớp chính trị.

Tôi đeo ba lô khẩn trương đi bộ quay trở lại Thái Nguyên, để kịp thời gian khai mạc lớp học. Lớp học chính trị có 3 đại đội học viên, tổ chức tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, do anh Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm hiệu trưởng, nhưng phụ trách trực tiếp là anh Võ Hồng Cương. Tôi biết anh Võ Hồng Cương từ thời cướp chính quyền tháng 8-1945, ngày ấy anh đã là Tỉnh ủy viên tỉnh Hà Đông. Đại đội học viên của tôi do anh Cao Văn Khánh làm Đại đội trưởng, anh Lương Tuấn Khang làm Chính trị viên. Tôi được chỉ định tham gia chi ủy, phụ trách một tổ học viên.

Lớp học chúng tôi có vinh dự lớn đã được đón Bác Hồ đến thăm và nói chuyện. Riêng với tôi, đây là lần đầu tiên tôi được gặp Bác. Đó là chiều ngày 25-10-1951…

Chúng tôi tập hợp trên một bãi đất ngay bên bờ suối để đón Bác. Bác Hồ vừa bước đến, Bác đã hô: “Nghiêm!... Tất cả ngồi xuống!”, rồi Bác vui vẻ nói chuyện với lớp học. Bác nói về cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi của nhân dân ta. Bác chỉ ra chỗ yếu, chỗ khó của thực dân Pháp và sự trưởng thành của quân đội ta. Bác nói: “Nhân dân ta tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đều đoàn kết, một lòng, một dạ đi theo kháng chiến, nên cuộc kháng chiến của nhân dân ta nhất định thắng lợi!”

Nói về nhiệm vụ học tập, Bác nhấn mạnh: “Học tập chính trị, quân sự là để nâng cao trình độ người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy. Nhưng học phải đi đôi với hành, học tập phải toàn diện, thiết thực và cụ thể. Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân ta có sự lãnh đạo của Đảng, mà Đảng ta có Chính cương, Điều lệ, có Chính sách, đã là cán bộ Quân đội nhân dân, phải học tập chủ trương, chính sách của Đảng. Cán bộ chính trị cũng phải đánh giặc, chỉ học thuộc mà không biết đánh giặc thì vô dụng. Cán bộ chính trị cũng phải học chiến lược, chiến thuật, học cách dùng vũ khí, cách chỉ huy bộ đội đánh giặc cho giỏi, phương pháp chỉ huy chiến đấu cho hay”.

Bác Hồ dành nhiều thời gian để giáo dục cán bộ, đảng viên chúng tôi về đạo đức cách mạng. Bác phân tích rõ về đạo đức cũ và đạo đức mới, lý luận về đạo đức cách mạng của giai cấp vô sản; về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư…

Bác nói về phê bình và tự phê bình là tự để mình tiến bộ, quân đội tiến bộ; để tăng cường đoàn kết nội bộ giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa bộ đội với nhân dân. Ai cũng có ưu điểm, cũng có thiếu sót, khuyết điểm. Không có ưu điểm, không thể làm cách mạng được. Do đó khi phê bình cái xấu phải nêu cái tốt của đồng chí mình để phát huy. Nếu chỉ nói cái xấu, thì đồng chí mình không sửa chữa được, càng khó tiến bộ. Bác nhấn mạnh: “Phê bình rồi phải biết cách sửa chữa. Phê bình rồi mà không ra sức sửa chữa là một khuyết điểm to”.

Chúng tôi chăm chú lắng nghe, ghi chép lời Bác Hồ dạy. Hơn hai trăm cán bộ, học viên, nhân viên nhà trường chúng tôi đều lưu luyến tiễn chân Bác. Ai cũng ghi nhớ lời Bác Hồ dạy và khi trở về đơn vị công tác đều gắng sức rèn luyện, thực hiện những lời dạy bảo của Bác. Đối với tôi, những lời Bác Hồ dạy và những nội dung học tập được ở trường, chính là những bài học sâu sắc đầu tiên trong đời bộ đội, không bao giờ quên. Sau này, tôi đã cố gắng vận dụng những kiến thức ấy kết hợp với tình hình nhiệm vụ và chức trách được phân công, để lãnh đạo, giáo dục bộ đội suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

XUÂN MAI

(Ghi theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu - nguyên Phó Chính ủy Quân chủng PK-KQ)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website