16 giờ:2 phút Thứ tư, ngày 21 tháng 2 , 2018

Trận đầu chiến thắng của Bộ đội Tên lửa:

Bài học về công tác hiệp đồng của các lực lượng phòng không

Chiến thắng trận đầu của Bộ đội Tên lửa ngày 24-7-1965 có ý nghĩa rất to lớn; đánh dấu sự trưởng thành của Bộ đội Tên lửa; làm vững chắc thêm lưới lửa phòng không bảo vệ miền Bắc; đồng thời là cơ sở cho sự phát triển nghệ thuật tác chiến Phòng không và xây dựng nên bài học về công tác chỉ huy, hiệp đồng của các lực lượng phòng không trong tác chiến.

Bài học về công tác hiệp đồng của các lực lượng phòng không 
Tên lửa Việt Nam xuất trận. Ảnh tư liệu

Để chuẩn bị cho trận đánh mở màn của tên lửa, Quân chủng đã trực tiếp chỉ huy và tổ chức trận đánh. Mọi công tác được chuẩn bị hết sức chu đáo và chặt chẽ theo một kế hoạch tác chiến thống nhất. Lực lượng tên lửa tham gia trận đánh là 2 Tiểu đoàn tên lửa phòng không 63 và 64 thuộc Trung đoàn 236. Để bảo vệ tên lửa và phối hợp tham gia trận đánh còn có Trung đoàn 234 với 2 tiểu đoàn và 3 đại đội pháo phòng không 57mm; Trung đoàn 224 gồm 5 đại đội pháo 100mm và nhiều đại đội súng máy tự hành của Quân chủng và một số của dân quân tự vệ. Đội hình chiến đấu được bố trí thành 3 cụm liên kết với nhau chặt chẽ, lấy tiểu đoàn tên lửa làm cơ sở để bố trí lực lượng. Cụm A ở Đồi Chùa, Cụm B ở Vô Khuy và cụm C ở Trung tâm hỏa lực để liên kết giữa 2 cụm. Kế hoạch tác chiến được vạch ra rất rõ ràng. Tên lửa đánh trước, dùng hỏa lực tập trung để đánh tiêu diệt mục tiêu. Lực lượng pháo cao xạ đánh bảo vệ tên lửa và chỉ đánh khi địch đánh vào trận địa tên lửa. Tên lửa đánh xong rút khỏi khu vực bố trí, đưa mồi nhử bằng “Tên lửa cót” vào hai trận địa tên lửa để nhử địch tạo điều kiện cho toàn cụm đánh tiêu diệt địch.

Như vậy, công tác tổ chức chỉ huy trận đánh được chuẩn bị chu đáo, công phu, chặt chẽ theo một kế hoạch tác chiến thống nhất. Quân chủng đã tổ chức sở chỉ huy tiền phương để chỉ huy cụm tác chiến phòng không. Trong đó thành phần tham gia gồm đầy đủ đại diện của Quân chủng và đại diện chính quyền địa phương; đại diện cơ quan Bộ tổng Tham mưu trực tiếp theo dõi và giúp đỡ. Do đó hiệu lực công tác chỉ huy được phát huy tối đa. Công tác hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng được thực hiện chặt chẽ, thống nhất; tất cả vì mục đích chung là bảo đảm cho trận đầu ra quân đánh thắng của tên lửa. Hình thức chỉ huy này đã phát huy được hiệu quả trong thực tế chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Đây là thực tiễn rất quý báu về công tác tổ chức chỉ huy trong tác chiến phòng không để giành thắng lợi.

Trong trận đầu, công tác hiệp đồng chiến đấu giữa tên lửa và ra đa cũng rất chặt chẽ. Mọi hoạt động của địch trên không ở khu vực được quản lý, cung cấp rất kịp thời cho sở chỉ huy. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý báu về công tác bảo đảm tình báo cho cụm tác chiến phòng không sau này.

Hiệp đồng chặt chẽ giữa tên lửa với cụm lực lượng pháo phòng không của Quân chủng với lực lượng phòng không địa phương để bảo vệ tên lửa và thực hiện hình thức chiến thuật “nhử địch” trong trận đầu cũng là một kế hoạch tác chiến thống nhất. Thực tế cho thấy, cụm tác chiến phòng không hỗn hợp tên lửa và pháo phòng không đã tạo được hệ thống hỏa lực hỗn hợp nhiều tầng, nhiều hướng, đánh địch ở mọi độ cao, đánh liên tục từ xa tới gần, chi viện, bảo vệ lẫn nhau; đồng thời có điều kiện để thực hiện được nhiều hình thức chiến thuật và phương pháp chiến đấu khác nhau. Từ kinh nghiệm thực tiễn quý báu này, sau này Quân chủng đã tổ chức các cụm phòng không hỗn hợp tên lửa - cao xạ với quy mô khác nhau để đánh địch đạt hiệu suất chiến đấu cao. Từ  năm 1966, sau khi thành lập hàng loạt các trung đoàn tên lửa, Quân chủng đã tổ chức sư đoàn phòng không hỗn hợp tên lửa để làm các nhiệm vụ khác như: Bảo vệ mục tiêu yếu địa, bảo vệ giao thông vận chuyển chiến lược và tham gia tác chiến chiến dịch binh chủng hợp thành.

Bên cạnh đó, việc hiệp đồng với lực lượng phòng không 3 thứ quân, tạo sức mạnh tổng hợp đạt hiệu suất chiến đấu cao cũng là bài học sâu sắc được rút ra từ trận đầu. Có thể nói trận đầu ra quân của tên lửa là trận đánh hiệp đồng mẫu mực giữa tên lửa và cao xạ, giữa lực lượng phòng không của Quân chủng và lực lượng phòng không địa phương bảo vệ  tên lửa và thực hiện chiến thuật đánh địch ở khu “nhử địch”. Trận đánh đã phát huy tối đa khả năng chiến đấu của lực lượng phòng không ba thứ quân, tạo sức mạnh tổng hợp đạt hiệu quả chiến đấu cao.

Để phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân và bảo đảm cho trận đầu ra quân của tên lửa giành thắng lợi, công tác hiệp đồng với chính quyền và nhân dân địa phương được tổ chức chặt chẽ và triển khai cụ thể, tỉ mỉ. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) và chính quyền địa phương đã huy động đông đảo nhân dân tham gia làm trận địa dã chiến và đường cơ động trong địa bàn một cách bí mật, khẩn trương đáp ứng kịp thời yêu cầu tác chiến tất cả vì mục đích cho trận đầu giành thắng lợi.

Những bài học kinh nghiệm quý báu trên đã được phát triển và hoàn thiện để chúng ta đi dần tới chiến thắng, đặc biệt là chiến thắng trong Chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội và các tỉnh thành lân cận vào tháng Chạp năm 1972 và đến ngày nay, những bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

HẢI DƯƠNG (Theo Chiến thắng trận đầu)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website