10 giờ:3 phút Thứ năm, ngày 3 tháng 8 , 2017

Hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Bộ đội Tên lửa bắn tơi chiếc B-52 đầu tiên trên chiến trường Việt Nam (17-9-1967/17-9-2017):

Huyền thoại về một thời “Vào hang bắt cọp”

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Muốn bắt được cọp phải vào tận hang”, Trung đoàn Tên lửa 238 được lệnh lên đường vào “chảo lửa” Vĩnh Linh để tìm cách đánh B-52. Ngày 17-9-1967, tại trận địa Nông trường Quyết Thắng, Tiểu đoàn 84 đã hạ gục được chiếc B-52 đầu tiên trên chiến trường Việt Nam. Huyền thoại về một thời “vào hang bắt cọp” với những chặng đường hành quân đầy gian nan, thử thách cùng những mất mát hi sinh không gì đong đếm được của Bộ đội Tên lửa để có chiến công đầu đã được Đại tá Lê Thanh Cảnh - nguyên Trưởng Phòng Tác chiến Quân chủng PK-KQ, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 238 tái hiện một cách sinh động và rõ nét trong cuốn Hồi ký hiện đang được lưu giữ tại Phòng truyền thống Trung đoàn 238. Báo PK-KQ xin lược đăng một phần hồi ức đó.

 Kỳ 1:  Lập công trên quê Bác

Mùa Đông 1966, Đế quốc Mỹ đánh phá hết sức quyết liệt ở Khu 4. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tập trung một lực lượng khá lớn gồm 18 tiểu đoàn cao xạ và 3 tiểu đoàn tên lửa của Trung đoàn 238 là 81, 82 và 84; quyết tâm tổ chức đánh địch nhằm bảo vệ giao thông mà trọng điểm là Vinh, Bến Thủy. Tất cả mọi việc triển khai, chuẩn bị xong, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn tham gia trận đánh hết sức phấn khởi và thầm hứa với nhau, quyết tâm bắn rơi máy bay địch và bắt sống giặc lái Mỹ trên quê Bác để làm quà dâng lên Người và ra mắt đồng bào Khu 4.

Giờ phút ấy đã đến!

Một buổi trưa nắng đẹp, hai tốp máy bay Mỹ từ Biển Đông mò vào phía Cửa Lò định vào đánh phà Bến Thủy. Tiểu đoàn 84 bắt được mục tiêu và bắn trước bằng 2 quả đạn, hạ ngay 1 chiếc F-4 của Mỹ ở Nghi Lộc và bắt sống 2 giặc lái. Một giờ sau, máy bay địch từ biển lao vào trận địa tên lửa của ta, không ngờ chúng lao vào tọa độ lửa của 18 tiểu đoàn cao xạ chuẩn bị sẵn. Thế là Tiểu đoàn 84, Tiểu đoàn 82 và 18 tiểu đoàn Cao xạ đánh một trận tuyệt đẹp, bắn rơi thêm 7 máy bay Mỹ và bắt sống một số giặc lái nữa. Địch bị một vố khá đau trên bầu trời quê Bác.

Huyền thoại về một thời “Vào hang bắt cọp”
Nạp đạn tên lửa vào bệ phóng.
Ảnh tư liệu

Sau trận đánh, chúng tôi được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương khen ngợi, cổ vũ. Tiếp đó, Trung đoàn 238 được lệnh đưa 1 tiểu đoàn tên lửa vào Quảng Bình đợi sẵn để chuẩn bị đánh B-52; đồng thời chuẩn bị mọi mặt để đưa toàn Trung đoàn vào Quảng Bình và Vĩnh Linh. Trước hết, đơn vị chuyển Tiểu đoàn 84 sang Hà Tĩnh, còn 3 Tiểu đoàn  81, 82 và 83 ở lại Nghệ An tiếp tục đánh địch.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Tư Lệnh Quân khu tăng cường Tiểu đoàn 27 Công binh cầu phà và cử một số cán bộ tham mưu đi cùng để giúp đỡ. Suốt đêm đầu tiên đi từ Nghi Lộc vào Thạch Ngọc còn dễ dàng, đến đoạn Thạch Ngọc đi Cẩm Xuyên thì rất phức tạp. Trong một đêm chúng tôi phải vượt qua 2 cây cầu lắp ghép là cầu Đông và cầu Phủ. Anh em công binh phải trần mình suốt 5 giờ đồng hồ mới đưa đội hình Tiểu đoàn 84 vượt sông an toàn. Hôm sau, qua cầu Trung và cầu Rác, địch đánh phá liên tục và quyết liệt hơn ở phía Bắc tỉnh. Anh em Ty Giao thông Hà Tĩnh đã tìm mọi cách để cho Tên lửa đi vào an toàn. Rắc rối nhất là cầu Rác, xe khí tài Tên lửa thì nặng nề mà cầu thì lại hơi dốc và dầm quá yếu, Vì vậy, vừa vượt được 2 xe thì cầu sập. Chúng tôi tìm đến chính quyền và nhân dân địa phương, được bà con hưởng ứng ngay. Thế là sau vài tiếng đồng hồ bà con khiêng mái nhà, tranh tre đủ thứ ra làm những cái nhà che cho Tên lửa giữa cánh đồng trống, giống hệt như cái xóm nhỏ sơ tán mới mọc lên giữa cánh đồng. Trời vừa sáng thì mọi việc cũng vừa xong. Đoạn đường từ Voi - Kỳ Anh có 20km nhưng lại có 22 chiếc cầu lớn nhỏ, địch đánh cả 22 chiếc cầu. Ta sửa nó lại phá, cứ thế diễn đi, diễn lại suốt 1 tuần lễ. Toàn bộ Tiểu đoàn đành phải nằm lại. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: “Nếu đúng 9 giờ đêm nay mà các anh không đi được thì cả Đảng bộ xã này sẽ nằm ra làm cầu để các anh vượt qua”. Câu nói của anh biểu thị quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh trong việc bảo đảm giao thông cho Tên lửa hành quân.

 Phà sông Gianh có nhiều đặc biệt. Phía Bắc “Ba Đồn” là “túi bom” của Mỹ. Cứ 5-10 phút lại một loạt bom, hết đêm này qua đêm khác liên tục. Đoạn đường 400m từ bến phà sông Gianh vào ngã 3 Trại mà ngày nào máy bay Mỹ cũng đánh phá, kết hợp với nước thủy triều dâng lên hàng ngày cho nên biến đoạn đường này thành “đầm lầy” không cho xe cộ ta qua lại. Ngoài ra còn có thủy lôi từ trường ném xuống lòng sông hết lớp này đến lớp khác. Để đảm bảo cho Tên lửa vượt sông Gianh có Tiểu đoàn 27 Công binh cùng với quân dân địa phương. Chúng tôi đến huyện đội Quảng Trạch nhờ việc chỉ đường, chị xã đội phó hồ hởi: “Các chú để việc đó tôi lo. Địch ở đây hàng ngày tôi nắm chắc quy luật ném bom của nó. Các chú phải tuân theo sự chỉ huy của tôi. Khi có tín hiệu đèn pin thì cho xe chạy qua chỗ tôi, không được chạy ẩu, sẽ trúng loạt bom đó”. Bom Mỹ vẫn ném, chị xã đội vẫn hiên ngang đứng giữa bom đạn Mỹ một cách bình thản, tự tin như thách thức chúng để chỉ huy Trung đoàn vượt sông. Nhưng làm sao giải quyết 400m đường lầy? Câu hỏi này không ngờ được một lão nông mách nước: Theo tôi, ta vận động nhân dân, mỗi người 1 bó bổi dài 2m, rộng 20cm (tức cây cói). Lót bổi lên lầy cho xe đi là tốt hơn cả. Lót bổi lại nhẹ, nhanh và dễ làm. Và nếu huy động cả mấy xã gần đây thì chỉ một ngày là có đủ bổi để lát đường”. Chúng tôi đang làm đường thì máy bay Mỹ ập đến thả pháo sáng, chúng ném xuống mấy quả bom bi. Đoạn đường có 400m mà nhuộm máu của hơn 600 người dân, thanh niên xung phong và bộ đội đêm hôm đó. Ngọn lửa căm thù bốc lên, hun đúc quyết tâm của  hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 238 trong suốt cả quá trình chiến đấu ở Nam Khu 4.

       QUỲNH VÂN (lược trích)

>>> Kỳ 2: Vượt mọi gian nan, sẵn sàng bước vào trận đánh

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website