14 giờ:22 phút Thứ năm, ngày 16 tháng 2 , 2017

Lần đầu MiG-21 hạ máy bay Mỹ bằng rốc-két

Vào giai đoạn giữa năm 1966, sau một thời gian dừng bay rút kinh nghiệm và huấn luyện bổ sung, các phi công MiG-21 của Trung đoàn 921 đã sẵn sàng xuất kích chiến đấu.

 Qua thời gian phân tích, theo dõi hoạt động của Không quân Mỹ, các sĩ quan của sở chỉ huy (do Trung đoàn trưởng Trần Mạnh chủ trì) và các phi công MiG-21 đã phát hiện quy luật hoạt động khá ổn định của các tốp máy bay Mỹ khi cất cánh từ Thái Lan vào đánh khu vực Thái Nguyên thường bay vào theo hướng Phú Thọ, phía Bắc Tam Đảo, thậm chí có lần chúng còn liều lĩnh bay lướt qua Sân bay Nội Bài, nơi rất nhiều máy bay MiG trực chiến. Trung đoàn 921 quyết định chuẩn bị phương án đánh Không quân Mỹ ngay trên bầu trời Nội Bài, nơi các phi công Việt Nam quen thuộc địa hình, lại có sự chỉ huy của các đài chỉ huy bổ trợ, hướng dẫn từ mặt đất… các yếu tố đó có thể tạo được lợi thế lớn.
Lần đầu MiG-21 hạ máy bay Mỹ bằng rốc-két
Máy bay MiG-21 cất cánh bằng đường lăn trong chiến tranh.
Ảnh tư liệu

Ngày 7-7-1966, các mạng ra đa của Quân chủng phát hiện nhiều tốp máy bay của Không quân Mỹ cất cánh từ Thái Lan và hướng bay vào khu vực Thái Nguyên. Sở chỉ huy Quân chủng và Trung đoàn 921 lệnh cho biên đội 2 chiếc MiG- 21 do phi công Nguyễn Nhật Chiêu (mang tên lửa R-36S) và Trần Ngọc Síu (mang rốc két) cất cánh đánh địch. Sau khi ổn định độ cao, 2 chiếc MiG-21 được dẫn vào khu chờ bay tuần tiễu trên đỉnh sân bay.

Đúng như nhận định ban đầu, các máy bay F-105D từ Thái Lan sang đã bay ngang dãy Tam Đảo, ngang qua Sân bay Nội Bài. Lập tức từ khu chờ, 2 chiếc MiG- 21 của ta lao tới bất ngờ tấn công. Số 2 phát hiện tốp F-105D đang bay hướng 340 độ, bên trái phía sau, lập tức thông báo cho số 1 và ép độ nghiêng vòng phải gấp, cắt vào phía sau hai chiếc F-105D. Các máy bay  F-105 bị bất ngờ, vỡ đội hình. Ở vị trí thuận lợi, số 2 Trần Ngọc Síu khéo léo đưa mục tiêu vào vòng ngắm rồi phóng một loạt rốc-két ở cự ly 500m, sau đó tiếp cận đến cự ly 150m tiếp tục phóng loạt thứ hai. Số 1 Nguyễn Nhật Chiêu nhìn thấy số 2 bắn trúng cánh máy bay F-105D, chiếc F-105D trúng đạn, lao xuống, Đại úy, phi công Tack Harvey Tomes nhảy dù và bị bắt sống. Hai chiếc MiG-21 tăng tốc độ thoát ly khỏi khu vực chiến đấu. Trận chiến diễn ra quá nhanh và bất ngờ khiến tốp tiêm kích F-4 hộ tống không kịp trở tay. Biên đội Nguyễn Nhật Chiêu, Trần Ngọc Síu hạ cánh an toàn tại Sân bay Gia Lâm.

Phía  ta ghi nhận Phi công Trần Ngọc Síu là người đầu tiên đã bắn rơi một chiếc  F-105D  bằng rốc két trong trận chiến đấu ngày 7-7-1966. Mặc dù có nhiều tranh luận từ phía đối phương nhưng sau khi nghiên cứu kỹ các tài liệu lưu trữ và phỏng vấn các đồng chí trực tiếp chỉ huy và tham chiến giai đoạn này như các Anh hùng: Trần Hanh, Nguyễn Nhật Chiêu, Nguyễn Ngọc Độ… thì có thể khẳng định rằng nhận định phi công Trần Ngọc Síu là người đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ bằng rốc-két là hoàn toàn chính xác.

BÍCH PHƯỢNG

(Theo “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam”)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website