Theo Hiệp định Geneva, sau 80 ngày, quân đội Pháp và chính quyền bù nhìn phải bàn giao Thủ đô Hà Nội cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tuy nhiên, với âm mưu, thủ đoạn phá hoại của địch, việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội không đơn giản là tiếp nhận và bàn giao, mà thực chất là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt giữa ta và địch. Trước tình thế đó, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng làm tốt công tác chuẩn bị để giải phóng, tiếp quản Thủ đô Hà Nội nhanh chóng, an toàn, trật tự, nguyên vẹn và Bộ Chính trị phân công các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp chỉ đạo.
Nhân dân Thủ đô Hà Nội vui mừng đón chào Đoàn quân giải phóng.
Theo nghị quyết của Trung ương, ngày 6-9-1954, Đảng ủy tiếp quản Thủ đô được thành lập, gồm 11 đồng chí: Trần Quốc Hoàn, Trần Danh Tuyên, Lê Trung Toàn, Lê Quốc Thân, Vương Thừa Vũ, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng, Trần Sâm, Minh Việt, Nguyễn Tài, Quang Nghĩa; đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội và trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy tiếp quản. Chủ trương thành lập lực lượng tự vệ tại các nhà máy, xí nghiệp, công sở, bệnh viện, khu xóm... để chủ động đấu tranh, bảo vệ tài sản của Nhà nước, quyền lợi, tính mạng của nhân dân được triển khai đồng bộ, toàn diện.
Ngày 17-9-1954, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Ủy ban Quân chính TP Hà Nội do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch và đồng chí Trần Duy Hưng làm Phó chủ tịch. Ngay sau đó, Ủy ban Quân chính có thông báo gửi đồng bào, chiến sĩ Thủ đô; kêu gọi, hướng dẫn, động viên công nhân, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, trí thức, tiểu thương, tiểu chủ, sĩ quan, binh lính... của chính quyền cũ và nông dân tiếp tục thực hiện các nội dung, công việc theo 8 chính sách của Chính phủ để góp phần ổn định trật tự, an ninh, an toàn và đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Đặc biệt, trước khi nhận nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đô, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308-Quân Tiên Phong vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt, giao nhiệm vụ. Người nhấn mạnh: Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô có ý nghĩa chính trị rất quan trọng đối với nhân dân thế giới, đối với miền Nam và các nước dân chủ; rất quan trọng và vinh dự đối với Đại đoàn. Do vậy, tiếp quản phải thận trọng, chu đáo; tổ chức kỷ luật trong công tác và sinh hoạt phải nghiêm minh; giữ gìn trật tự, an ninh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; chống mọi hành động phá hoại; phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều; phải học tập và đoàn kết rộng rãi, tránh những khuyết điểm... Tiếp đó, ngày 9-10-1954, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra Nhật lệnh cho các đơn vị vào thành, nêu rõ: Nhiệm vụ tiếp quản là rất nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang, do đó, phải đoàn kết các lực lượng để giữ gìn trật tự, an ninh Thủ đô; phải nêu cao kỷ luật, triệt để chấp hành 8 chính sách và 10 điều kỷ luật của Chính phủ, bảo vệ, tôn trọng, giúp đỡ nhân dân, luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại.
Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và làm tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng, cuối tháng 9-1954, chúng ta đã xây dựng, bồi dưỡng, tập huấn được đội ngũ cán bộ chính trị, quân sự, tự vệ, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, quản lý, điều hành bộ máy chính quyền TP Hà Nội. Đồng thời, chủ động phát động phong trào đấu tranh của công nhân, nhân dân và các tầng lớp nhân sĩ, trí thức yêu nước ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn phá hoại, chuyển tài liệu, máy móc, trang thiết bị, di dân... của địch. Cùng với đó, chúng ta phát động nhân dân các huyện ngoại thành nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực đấu tranh bảo vệ thôn xóm, mùa màng, tính mạng, tài sản của nhân dân; yêu cầu địch phải rút khỏi hàng loạt đồn, bốt quan trọng, như: Đồng Trì, Khương Thượng, Nhân Chính, Cầu Mới, Nhổn...
Theo kế hoạch, từ sáng 8-10, các đơn vị Quân đội, Công an, lực lượng chuyên môn, nghiệp vụ đã tiến vào Thủ đô, từng bước tiếp nhận bàn giao và quản lý các cơ sở quân sự, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội... Đến 16 giờ ngày 9-10, tốp lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long biên và 16 giờ 30 phút, lực lượng cách mạng đã tiếp quản nhanh chóng, an toàn, trật tự, gần như nguyên vẹn toàn bộ thành phố Hà Nội.
Sáng sớm 10-10, các đoàn quân đại diện cho lực lượng bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ chỉ huy từ 5 cửa ô mở cuộc hành quân tiến vào Hà Nội. Đây là lần đầu tiên sau 8 năm chiến tranh gian khổ, hy sinh, Hà Nội mới có ngày hội lớn, tưng từng, phấn khởi. Hàng chục vạn nhân dân không phân biệt già trẻ, trai gái, tôn giáo... hân hoan mặc những bộ quần áo mới nhất, phất cờ đỏ sao vàng, tung hoa, thả bồ câu trắng, đàn hát, múa sư tử, hô khẩu hiệu, đốt pháo để chào mừng bộ đội và Ủy ban Quân chính với niềm hạnh phúc khôn tả. Đến 15 giờ cùng ngày, Hà Nội long trọng tổ chức Lễ chào cờ chiến thắng. Đồng chí Vương Thừa Vũ thay mặt Ủy ban Quân chính thành phố đọc Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu gửi quân và dân Thủ đô Hà Nội. Người căn dặn: Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, Quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!... Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh.
Đại tá, TS THÁI DOÃN TƯỚC
Theo qdnd.vn